Tiếng gà đêm cuối năm
- Văn hóa - Giải trí
- 15:30 - 28/01/2017
Chào hỏi tíu tít. Ồ à... trầm trồ khen chị học ở Nhật, ăn cá biển nhiều nên dáng thanh, mặc đẹp, trẻ xinh. Chị vào nhà thay đồ rồi lăn ra làm như một người nhà quê tần tảo. Chị xăm xăm ra khu trại nuôi gà Đông Tảo. Chị dặn dò mẹ chồng đang lúi húi cho gà ăn:
“Mẹ nhớ tuần nào cũng phải cho ăn thêm vi ta min C để tăng sức đề kháng, gà ăn ngon miệng, chóng lớn.”
Mẹ anh bảo:
“Sách chị dạy thế nào thì bố và mẹ cứ làm theo thế đấy. Thỉnh thoảng còn phải cho ăn thêm sâu non, dế trũi để tăng đạm nữa”.
Chị lại dặn:
“Tuần trước mẹ chát với con, mẹ bảo có một con bị bệnh sâu mắt, bây giờ thế nào rồi ạ?”
“Chả thế nào! Mẹ thịt luôn”
Bà già bẩy mươi hai tuổi cười. Cái cười của người cao niên đầy viên mãn. Con trai là nhà thơ, con dâu đang học tiến sĩ nông nghiệp ở chính cái trường Đại học Kyushu nước Nhật mà ông Lương Định Của học ngày trước mà không vinh dự ư?
“Còn nước còn tát, chứ mẹ”.
“Nhẽ là phải thế. Nhưng cứ mỗi lần hỏi cách chữa chạy gà cứ phải chát với con dâu mẹ qua Facebook. Tốn kém chả mấy nhưng mắt mẹ kém, gõ chữ khổ lắm”.
Ảnh minh họa: HT
Anh bảo:
“Mẹ là nông dân toàn cầu rồi”.
“Mẹ nuôi cả trại gà Đông Tảo một năm xuất mấy lứa. Em trai anh đi cày dưới đồng nghe điện thoại biết tin anh chị từ Nhật về ăn Tết, bỏ cả cày lẫn trâu... chạy về. Toàn cầu gì thì cũng vẫn cứ là nông dân làng ta nhé?”
“Chú ấy vẫn đi cày bằng trâu, hả mẹ?”
“Thì vưỡn. Em anh nó thích thế”.
Anh ra vẻ gật gù:
“Máy cày chị dâu mua cho thì bỏ xó. Con thấy nhà này làm cái gì cũng độc đáo khác người”.
“Thì cái cách anh chị phải lòng nhau và lấy nhau cũng có giống ai đâu. Bố anh chả nói thế là gì!”
Anh chột dạ. Đúng là anh gặp chị, rồi yêu, rồi cưới cũng lạ lùng, khác biệt. Anh lơ ngơ, làm thơ viết báo vặt, sống với những giá trị trên tầng mây. Chị lam lũ, thực dụng, nhưng vẫn giữ được cái vẻ nhân ái, nề nếp chân quê con nhà lành. Chị cũng là một sự khác biệt.
***
Thời sinh viên, họ có ba người.
Cô Phất Lộc hơi lùn, có cái răng khểnh. Cô Mía Mật cao nghều. Và vợ anh là... cô Đông Tảo. Lúc đầu, biệt danh có thêm từ... gà - Gà Đông Tảo. Nhưng, người Việt mình lấy sự tiện làm đầu, gọi hai từ bao giờ cũng ngắn hơn, dễ hơn. Vả lại, con gái dịu dàng xinh xắn ví với... Gà Đông Tảo ngang tàng, mào cựa u cục, chân to vảy lớn, thân hình hùng dũng... e không nhã lắm. Bỏ từ gà, thành ra vợ anh được thêm cái tên Đông Tảo khá sang quý và huyền bí. Tuy nhiên, dù mỗi người một phận cao thấp, kẻ doanh nhân thành đạt, người tiến sĩ vang danh, những khi bọn họ gặp nhau thì trật tự vẫn như thời sinh viên tinh nghịch, vất vả, xông xáo tìm lối vào đời. Cô Phất Lộc hay cô Mật Mía cũng đều mày tao như cô Gà Đông Tảo. Anh thì anh cứ gọi nàng là “Chíp hôi” không chỉ là đùa vui, mà muốn nuôi dưỡng hình ảnh nàng ngộ nghĩnh là lạ, đáng yêu từ giây phút đầu mới gặp đi suốt cuộc đời anh.
***
Anh nhớ lại.
Bất chợt có tiếng gà gáy đêm.
Gà gáy... ò ó o...o. Tiếng gà gáy đêm trong thành phố như giục giã, náo nức. Anh dụi mắt tỉnh dậy. Hóa ra, anh mệt quá ngủ ngồi tự lúc nào chẳng biết. Hóa ra, bên cạnh anh vẫn là cô gái lạ nằm dài trên đi văng. Nàng ngủ mê mệt. Gương mặt vẫn còn vẻ mệt mỏi, nhưng hai môi vẫn đỏ. Anh đặt tay lên trán nàng. Mát, man mát, có nghĩa là đã hết sốt. Anh ngập ngừng cầm mép chăn. Kéo nhẹ thôi và áp tay lên vai trần của nàng, xem thân nhiệt, xem người ngợm nàng thế nào, song anh dừng lại. Đã kéo một tí là lại thêm tí nữa, thêm tí nữa, tí nữa là tụt hết chăn ra. Hình hài nàng khỏa trần chỉ còn bộ đồ lót trên và dưới hiển hiện. Trạng thái dụt dè lại có cơ hội xuất hiện. Do dự. Tần ngần. Cuối cùng, anh bỏ mép chăn, đứng dậy.
Có lẽ đã gần đến giao thừa.
Hương trên bàn thờ đã tàn. Anh châm một tuần hương mới. Rồi đi đi lại lại trong nhà. Chưa bao giờ anh rơi vào tâm trạng rối bời khó xử thế này. Một cô gái lạ trong nhà đêm ba mươi. Và còn thêm con gà nữa. May mắn hay xui xẻo.
Lại một chập gà gáy. Tiếng gà gáy đêm cuối năm khiến anh tỉnh hẳn. Anh mò ra sân. Sân bóng loáng nước và bụi mưa bay bay dưới ánh điện vàng. Con gà Đông Tảo thấy có bóng người liền ngỏng cổ lên và chân khua lục cục.
***
Anh lục lại trong óc, nghĩ lại những gì đã xảy ra từ lúc ban chiều.
Ngõ phố vắng heo hắt. Heo hắt là vì hầu hết là dân lao động có nguồn gốc làng xã đóng cửa về quê ăn Tết. Căn nhà cấp bốn sập xệ mới mua cũng heo hắt vắng. Bố anh dồn hết tiền của tích cóp cả đời người cho con trai có chốn ăn chỗ ở nơi phố thị đắt đỏ. An cư mới lạc nghiệp, gần bốn mươi tuổi rồi, đứng đầu đứng số mới hòng cưới được cô vợ. Anh đón Tết một mình trong căn nhà mới mua. Một mình thì tự do ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và thấy mình đầy quyền lực với mình. Một mâm ngũ quả. Một đĩa bánh dầy. Còn thiếu cặp bánh chưng nữa là thành Tết.
Ngoài kia, đi hết con ngõ hẹp dài ngoằn ngoèo là phố xá chiều ba mươi đang nhộn nhịp. Người và hoa đào, hoa lan, quất cảnh vẫn trôi trên đường. Trôi mãi rồi cũng phải dừng ở một địa chỉ nào đó. Chiều cuối năm nhàn tản. Anh nằm ngả lưng trên đi văng tưởng tượng giờ này ở quê, Tết cũng đã tràn vào khắp mọi nhà. Cha đã bắc xong nồi bánh chưng. Lửa bắt đầu đượm. Củi reo vui lách tách. Thỉnh thoảng nước sôi lại trào ra rớt xuống bếp gặp lửa... xèo xèo. Lúc bánh chưng chín dền tỏa hương vị thanh tao, thơm mát thì cũng là lúc vớt ra kịp cúng giao thừa. Bánh chưng hình vuông, màu xanh tượng trưng cho đất. Bánh dầy tròn trắng tượng trưng cho trời. Cứ theo như triết lý âm dương thì đất là mẹ, còn trời là cha.
Tết một mình cũng phải đủ lễ nghi. Giá mà thêm cặp bánh chưng nữa đặt bên cạnh đĩa bánh dầy thì Tết này âm dương đủ cả.
Anh hí hoáy đóng cửa để ra phố sắm cặp bánh. Bỗng nhiên có tiếng gà gáy. Gáy ò ó o... o. Tiếng gà gáy dài vang xa đánh thức một buổi chiều cuối năm yên ắng với ngõ phố dài như ngái ngủ sau bữa ăn trưa. Anh quay mặt ra phía cánh cổng quên chưa đóng, như một phản xạ chứ không hẳn dõi mắt tìm con gà gáy ở đâu.
Gương mặt hoang dã. Mắt mở to mệt mỏi. Mớn tóc nhỏ loăn xoăn trên vầng trán cao. Tóc ướt buộc túm hai bên. “Chíp hôi” tay ôm con gà trống, con gà cũng ướt. Mặc phong phanh, tay xách túi đồ. Áo ướt sũng vì mưa bụi và có lẽ cả vì mồ hôi nữa. Giọng “Chip hôi” uể oải:
“Anh... gì ơi! Em đi bán gà từ sáng, đánh rơi mất ví tiền, mất cả điện thoại. Mua giúp em con gà ăn Tết.”
Anh cau mày. Đang tính đi mua cặp bánh chưng thì bị nài nỉ mua gà qué. Tin sao được. Bây giờ thiếu gì kẻ giả nghèo giả khổ bán hàng lừa đảo. Chân cẳng khỏe mạnh song cứ giả vờ chấm phẩy thấp cao lấy lòng thương của người đời khi chìa tăm bông, kẹo cao su, móc chìa khóa. Cô bé này được cái người đẹp. Gương mặt đậm chất di gan. Giờ này còn phải đi bán gà, không về nhà ăn Tết, thì không hoàn cảnh éo le trắc trở, cũng không phải dạng vừa đâu. Nghĩ thầm, rồi anh lên giọng hách:
“Gà qué gì. Bé đi sâu vào trong ngõ ấy mà bán”.
Ảnh minh họa: HT
“Anh gì ơi! Em đi lòng vòng mãi. Hỏi ai người ta cũng mua đủ rồi. Con gà này đến năm cân, mà ngõ phố này toàn người lao động nghèo”.
“Chíp hôi” nói, rồi nhóng con mắt chờ đợi. Chẳng ra đuổi, mà anh cũng không nhiệt tình mua:
“Gà qué gì. Bé tưởng anh giàu nhất ngõ hả? Với lại, ai đun nước vặt lông được mà mua với bán.”
Có tín hiệu năm ăn năm thua rồi. “Chíp hôi” cứ bước ào vào sân. Đôi mắt nhìn như nài nỉ:
“Anh... gì ơi! Trả thêm tiền công, em đun nước làm thịt cho”.
Nói xong, “Chíp hôi” mới giật mình bởi lỡ lời. Chiều cuối năm đã vãn. Chỉ mong tống khứ được con gà cuối cùng để kịp ra chuyến xe chót về quê. Thời gian đâu mà đun nước làm lông gà. Chân vội vã bước như sắp bị ngã. Gương mặt “Chíp hôi” tím tái vì lạnh. Anh nhận ra mùi nước hoa con gái thoảng qua rất nhanh, chứ không phải mùi phân gà.
Con gà trên tay nàng nghiêng ngó, láo liên. Thì ra, nó là giống gà Đông Tảo. Mào trên nhiều cựa đỏ rực. Mào dưới hồng nhạt chảy xuống như tai Phật. Lông cổ mùa lửa đượm. Hai chân cồ những vảy to. Cha anh bảo: Tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức, báo hiệu bình minh ngày mới của làng quê. Người đàn ông tuổi gà có chí lớn, cần cù chịu khó (chắc người ta ví chịu khó bới như gà kiếm ăn). Gặp khó khăn thử thách thì độc tài quyết đoán, ngang ngạnh giàu cá tính. Nhưng về đường tình cảm thì dễ dao động, xúc động, đàn bà con gái đẹp hoặc có duyên ngả vào lòng là khuất phục ngay. Con gà đứng chi Dậu, theo quan niệm ngũ hành thì Dậu ở hướng Tây, là con vật thuộc hành Kim. Người nuôi gà trống làm cảnh, người nuôi phong thủy. Nuôi gà trống, cửa chuồng nhìn thẳng ra cổng là ngăn chặn được thói tà dâm hoặc tính lăng nhăng không thủy chung của người bạn đời. Anh chưa người yêu, càng chưa vợ, có cần mua một con gà trống nuôi phong thủy không?Anh do dự trước tình huống bất ngờ. Con gà đẹp quá! Ừ thì mua. Không làm thịt, mà giữ lại sáng mùng hai ôm về quê cho bố nuôi làm cảnh.
***
“Sao đắt thế! Bé ơi!”
“Sáng em bán con Đông Tảo to hơn, bề ngang chân sáu xăng ti mét những năm triệu đồng cơ đấy.”
Anh tần ngần. Móc ví. Tiền cọ vào nhau sột soạt. Ôi trời! Đời công chức nghèo lại thơ thẩn làm thơ. Anh dồn tiền với bố mua nhà, rồi sắm Tết, chỉ còn hai trăm ngàn tiền lẻ. Con gà của người ta giá tới năm triệu. Anh tần ngần. “Chíp hôi” giục giã:
“Anh đưa bao nhiêu cũng được. Em về quê cho kịp chuyến xe cuối. Các bạn em đang chờ.”
Anh mở hoác miệng ví, chìa ra:
“Bây giờ tính sao? Bé!”
“Vé ba trăm cơ. Anh gì ơi! Hay anh sang hàng xóm vay...”
“Người phố xá, nhà nào biết nhà ấy. Với lại hôm nay, chiều cuối năm. Là bé, bé có cho tôi vay lúc tết nhất thế này không?”
“Chíp hôi” lộ vẻ thất vọng. Một cơn gió rét ào đến. Lạnh gai người. Người rũ ra. Đột ngột. Con gà rơi bịch xuống thềm hè. Con gà kêu đánh qué một cái. Nó chạy, phi qua chậu địa lan đạp gãy mấy cây. Ví tiền của anh cũng rơi theo. Cũng lúc “Chíp hôi” khịu chân. Người mềm nhũn. Thở dốc. Đổ kềnh.
***
Khi “Chíp hôi” đã nằm yên vị, thở đều dưới mền chăn, anh mới hết lo. Cảm giác ngượng ngùng lúc này ập đến. Đêm nay - đêm trừ tịch chỉ có anh và nàng trong tình huống dở cười dở mếu. Chưa bao giờ anh gặp trong suốt gần bốn mươi mùa đông cuộc đời. Nói dại, lỡ nàng có chuyện gì xảy ra? Toi một đời giai ế vợ là cái chắc. Khi ấy, anh quên cả cầu cứu người cùng ngõ. Khi ấy, anh quên cả gọi bạn bè. Khi ấy, anh quên cả việc gọi xe cấp cứu. À, mà có gọi thì “ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó” thì xe nào chui vào được? Chả lẽ, vác nàng trên vai chạy nửa cây số ra mặt phố gọi xe ư?
Chống lạnh. Xoa bóp rượu ngâm địa liền. Rồi một cốc sữa nóng. Anh hành động gấp gáp hoàn toàn bằng bản năng mách bảo. Thế mà yên lành.
Nhưng, hình ảnh nàng bây giờ mới đeo bám, hành hạ anh khốn khổ. Cái eo hông thắt lại và mông tròn căng viền một đường cong gợi. Bầu ngực căng tràn ních trong lần vải cooc xê màu đỏ chói chang. Cặp đùi thon thẳng, da mịn màng. Nõn nà.
Căng mẩy. Các đường cong có sức ám gợi kỳ lạ. Mở mắt thì thôi, chứ nhắm mắt lại là tòa thiên nhiên khỏa trần ấy cứ hiện ra khiến anh bứt dứt, không yên.
***
“Chíp hôi” lúc tỉnh lúc mê.
Lúc tỉnh, nàng chỉ thấy cảm giác ấm áp, dễ chịu. Cái nệm vải đivăng đang nằm cũng y như ở nhà nàng. Êm nhưng có mùi mồ hôi con trai. Lâu lắm nàng mới có cảm giác nhận ra mùi khác giới. Bài vở ngập đầu và những buổi làm thêm rửa bát ở quán phở, bưng bê mời chào ở quán cà phê đã làm nàng không còn thời gian để nghĩ cho riêng mình... Học. Làm thêm. Về ký túc xá thì đã khuya. Rồi ngủ lăn lóc chả biết giời đất gì. Cái vòng quay ấy đã quay nàng và các bạn nàng đến chóng mặt, bã bời. Những phút giây được nằm trên đệm vải nhâm nhi cảm giác dễ chịu thật hiếm hoi. Cứ y như buồn ngủ gặp chiếu manh.
Lúc mê, là lúc nàng nhớ lại những bước chân ngày Tết vòng qua Quán Thánh, Thụy Khuê, Hoàng Quốc Việt, rồi Mỹ Đình, rồi ngồi ở chợ cóc chờ người hỏi mua. Một cái xắc quàng vai, ôm khoác hai con gà đi từ phố nọ sang phố kia, đi len vào các khu dân lao động nghèo. Có lúc nàng ôm cả gà lên tầng 22 khu đô thị mới...
rao bán. Con ôm đằng trước, con khoác sau lưng. Mồ hôi toát ra phải cởi áo khoác cầm tay. Rồi gọi điện thoại tíu tít hỏi bạn cùng học cũng đang trên các nẻo đường bán hàng mưu sinh. Mày bán hết gà chưa? Mày còn bao nhiêu mía? Mày bán phất lộc được giá không?
Lúc tỉnh, nàng nhìn lên trần nhà. Trần nhà mới làm bằng những tấm thạch cao cách nhiệt in hình hoa lá cách điệu. Lạ lẫm quá. Nàng chưa đến nơi này bao giờ. Và nàng giật thột khi nhận ra mình chỉ mặc đồ lót, trùm tấm chăn đẫm mùi đàn ông. Nàng nhớ cái áo thun màu mỡ gà vẫn mặc. Cái áo khoác thì không. Lúc ngồi xuống bán con gà Đông Tảo, nàng có để cái áo khoác bên cạnh. Bán xong có cầm lên theo thì nàng chịu không nhớ nổi. Đúng là “gà mổ rau sâu”. Khổ thế!
Lúc mê, nàng thấy mình rất đói. Bụng hóp. Từ sáng chẳng ăn gì. Đói dỉu rả. Chân bước không vững nữa. Và con gà Đông Tảo trên tay... nặng trĩu. Nàng thấy đĩa bánh dầy và bát cháo hành nóng đặt trên bàn. Nàng húp cháo sộp soạp. Ấm bụng và ngon lành. Chất dinh dưỡng đi theo mạch máu ngấm vào từng tế bào đang từ từ nở căng.
***
Anh nhặt mấy cành địa lan gãy bỏ ra, và dặm lại các cây bị nghiêng ngả. Anh bước vào nhà. “Chíp hôi” giật thót tim. Ngồi nhoắt dậy và quấn chặt chăn vào thân mình. Hốt hoảng.
“Bé đừng sợ. Chỉ là bị mưa rét, rồi cảm lạnh thôi” - Anh ân cần.
“Chíp hôi” vẫn run run. Nhưng, trong đầu đã lóe lên những ý nghĩ phòng vệ cần thiết. Nàng trấn tĩnh dần và tỏ ra cứng cáp, bặm môi nhìn anh không chớp mắt. Anh đưa cho “Chíp hôi” bộ quần áo ngủ đàn ông.
“Bé mặc vào đi”.
Nói rồi, anh bước ra ngoài. Nàng xẵng:
“Hượm đã. Anh đã làm gì tôi?”
“Thì đấy. Bộ quần áo ướt nhẹp sặc mùi gà, mùi mồ hôi bé..., máy giặt đang quay.
Bé không biết anh như gà mắc tóc đâu nhé”.
“Không. Tôi hỏi: Anh đã làm gì cái thân tôi cơ?”
“Cũng không.”
“Sao bộ đồ lót trên, lót dưới của tôi vẫn khô?”
“Ngốc ạ! Bé không thấy cái sấy tóc ở bên hả?”
Sững sờ, “Chíp hôi” trố mắt ngạc nhiên:
“Anh đã hong thân thể tôi và sấy khô cả bộ đồ lót trên và dưới?”
“Thì sao nào?”
***
Ngoài trời, bụi mưa xuân đã lất phất bay. Thỉnh thoảng một quả pháo hoa vụt lên nền trời đêm cuối năm. Bài hát Happy new year vang lên rộn rã bên nhà hàng phố. Anh thấy lòng náo nức lạ. Anh bước vào nhà. “Chíp hôi” ngượng nghịu trong bộ pijama đàn ông rộng thùng thình. Cảm giác ấm áp và tin cậy tràn ngập lòng nàng.
“Bé. Mở toang cửa ra cho mùa xuân nó ùa vào.”
“Chíp hôi” vẫn đứng không nhúc nhích. Nàng dụt dè:
“Anh... anh cho em mượn...”
Anh giật mình:
“Chết thật. Lẽ ra anh phải đưa điện thoại cho bé từ lúc nãy.”
Trong lúc anh mở toang cửa ra cho mùa xuân ùa vào, và thắp thêm tuần hương thì “Chíp hôi” bấm điện thoại. Anh đoán nàng gọi về cho mẹ. Vâng dạ... anh nghe những tiếng được tiếng mất, nhưng đến câu: “Con đang ở một nơi ấm áp, tin cậy và rất ổn” thì anh thấy nước mắt nàng lặng lẽ chảy. Nhìn nàng thật đáng thương và càng rất đáng yêu. Chỉ muốn ôm vào lòng một cái.
Nàng lại bấm điện thoại nhoay nhoáy, và bật loa ngoài như cố ý cho anh cùng nghe.
“Phất Lộc ơi! Tao đây... Gà Đông Tảo đây”.
“Hu... hu... Đông Tảo ơi! Đêm hôm giá rét này, mày đang ở đâu?”
“Tao đang ở trong một ngôi nhà... ấm áp.”
“Hu... hu... hu... Còn tao và con Mía Mật đang lang thang trong giá rét ở bến xe Giáp Bát. Chúng tao đang đi tìm mày”.
“...”
Cổ họng “Chíp hôi” nghẹn tắc.
“Đông Tảo ơi! Mày đã biến đi đâu suốt cả chiều cuối năm, suốt cả đêm trừ tịch?”
Sụt sịt tiếng “Chíp hôi” nén khóc:
“Tao... tao... đang ở bên một người đàn ông tốt nhất... trên đời”.
“Hu... hu... Lại thế nữa!”
“ Mày bán hết phất lộc không?”
“Một đống như đống rạ, chỉ còn năm cành. Mày nói chuyện với con Mía Mật này?”
“Chíp hôi” im lặng.
“Hu... hu... Đông Tảo ơi! Chúng tao đã lục tung cả Hà Nội tìm mày.”
Im lặng.
“Mày thế nào? Chúng tao lo lắm”.
“Tao ổn. Đừng lo. Mày bán hết mía mật không?”
“Một xe tải nhẹ. Tao bán chỉ còn một cặp”.
“Sang năm lại đánh quả, bán hàng Tết nữa nhé”.
“Thôi. Lam lũ lắm. Tao cạch đến già. Chúng tao đang chờ mày cùng về quê nè.”
“Muộn rồi. Làm gì còn xe nữa”.
Nói rồi “Chíp hôi” đưa mắt nhìn sang anh chờ đợi. Anh hiểu ra, cất giọng nói nhanh như chỉ sợ đầu đằng kia tắt máy:
“Các em ơi! Đang ở chỗ nào hãy đứng yên nơi đó. Không di chuyển. Anh và Đông Tảo sẽ ra tận nơi đón các em đi chơi xuân, rồi sau đó mời các em về nhà anh ăn Tết”.
“Chuyện còn dài. Kể sau. Cứ đứng yên ở đấy nhé” - “Chíp hôi” nói như hét vào máy.
Có tiếng của Phất Lộc vớt vát nói trong điện thoại rằng: cô đang cầm xắc, ví, điện thoại và áo khoác của “Chíp hôi”. Hóa ra, nàng bỏ quên ở chỗ bán gà. Khách người ta lấy điện thoại của nàng gọi vào máy của Phất Lộc. Châu về hợp phố rồi. “Chíp hôi” vui mừng đến nỗi, đần mặt ra, rồi chợt thốt lên: “Thời buổi này mà còn nhiều người tốt, anh nhỉ”.
Nói xong, nàng nhìn anh đăm đắm. Cái nhìn đầy biết ơn, tin cậy và xốn xang. Anh giơ tay ra như muốn nói: “Lại đây với anh, đi đón các bạn đi”. Chỉ chờ có thế “Chíp hôi” lao đến đánh đu lên cổ anh, ôm chầm lấy anh, ôm riết chặt đến nghẹt thở.
Bất chợt, tiếng gà gáy vang ngoài sân. Con gà Đông Tảo cất tiếng ò ó... o...o rộn rã. Thời khắc giao thừa sắp đến. “Chíp hôi” buông anh ra, nhìn đắm đuối vào mắt anh, rồi nép đầu vào ngực anh. Cả hai lặng im. Lặng im nghe mùa xuân đang náo nức về. Lặng im nghe tiếng gà đêm cuối năm rộn rã.