THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:09

Tiếng cười buồn ở làng siêu đẻ

Tuổi 40 đã lụ khụ

Nơi đây, chuyện những nhà có 9,10 đứa con, thậm chí 12, 13 đứa con là không hiếm. Chuyện sinh đẻ nhiều con của các cặp vợ chồng Cư Pui đã khiến nhiều người đặt cho cái địa danh: Làng “siêu đẻ”, hay làng “vỡ kế hoạch” Vì sinh con nhiều, nên việc đặt những cái tên Đẹp, Giàu, Sang,... cũng bị cái nghèo đeo bám quanh năm.

Những đứa trẻ ở Cư Pui nghèo khó và thất học (ảnh minh họa)

Con đường mới được đổ bê tông đứt đoạn như người ta chặn mương tát cá khiến chúng tôi cứ lên xe xuống hố xoành xoạch. Đến đầu xóm, thấy gần chục đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác, tay chân lấm lem bùn đất, vừa chăn bò, vừa tụ tập chơi bài quỳ. Hỏi thăm, chúng không trả lời mà cứ ngước mắt lên nhìn lạ lùng rồi cười... bỏ đi mất hút.

Trong ngôi nhà bên cạnh, chúng tôi bắt gặp cụ ông đang còng lưng bổ củi trước sân. Hỏi thăm một hồi, chúng tôi mới té ngửa vì người có dáng như ông lão ấy lại mới ngoài 40 tuổi. Mới tuổi 41 nhưng Lầu Chờ Thào ( ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) đã có 10 đứa con. Lầu Chờ Thào cười hiền kể: “Từ lúc lấy nhau, hai vợ chồng gần như sinh nở triền miên, cứ sòn sòn năm một.

Từ Hà Giang, cái nghèo “đuổi” vợ chồng Thào vào tận Cư Pui này, vẫn chưa dứt. Thế nên lưng Thào gần như còng xuống, tóc bạc hơn, sức khỏe yếu hơn cũng chỉ vì sinh con nhiều quá”. Đang nói chuyện, đứa bé lũn cũn bước tới đòi bế. Vừa bế đứa bé, Thào vừa cười ngượng ngịu: “Cháu ngoại mình đấy!”.

Chẳng là ngoài hai mươi thì Thào lấy vợ. Con gái đầu của Thào chưa tới hai mươi cũng đã lấy chồng, năm sau thì có con. Lầu Chờ Thào cho biết: “Hai vợ chồng nó để con ở lại cho mình rồi đi làm thuê xa lắm. Mấy tháng mới về một lần!”. Cháu ngoại của Thào mới gần 2 tuổi, nhưng đứa con bé nhất của Thào cũng mới chỉ lên 3.

Bên cạnh nhà Thào, là nhà Sùng Chờ Hủa, cũng chẳng kém gì Thào với 9 đứa con, 2 đứa cháu ngoại đang bi bô tập nói. Hủa hơn Thào có một tuổi thôi, nhưng cũng “hom hem” chẳng kém gì người hàng xóm của mình. Vợ Hủa hơn chồng tới 7 tuổi. Dắt díu nhau từ Hà Giang vào Cư Pui này lập nghiệp được hơn 15 năm rồi.

Sùng Chờ Hủa cho rằng: “Có con là có của. Mình cứ sinh đẻ vậy, sau này nó nuôi lại mình chứ!”. Thế là sinh con. Nhưng sinh mãi chẳng kiếm nổi “cái mấu tre”, phải nặn đến lần thứ 8 mới kiếm được. “Nhưng nó gầy yếu quá. Sợ sau này không làm được gì! Mình mới sinh thêm thằng nữa!”, ông Hủa cho biết. Đến khi vợ đã gần 50 tuổi vẫn sinh đứa thứ 9 nên sức khỏe yếu lắm.

Ảnh minh họa

Vợ sinh được vài tháng thì đến đứa con gái đầu cũng sinh, năm sau thì đứa con gái thứ 2 cũng sinh. Hai năm liên tiếp trong nhà toàn đàn bà ở cữ, cuộc sống túng bấn trăm bề cứ hòa lẫn tiếng trẻ con khóc tĩ tã cả đêm lẫn ngày, nghe cứ như nhà giữ trẻ vậy.

 Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp của vợ chồng chị Giàng Thị Sáu nằm bên bìa rừng là nơi sinh sống của 14 người. Khi chúng tôi đến nhà cũng là lúc vợ chồng anh chị đang chuẩn bị bữa cơm cho đàn con nhỏ. Đặt nồi niêu, chén bát lên bàn, chị Sáu kêu một loạt những cái tên rất bắt tai: “Con Kim, con Nhung, thằng Phú, thằng Quý, con Giàu, bé Sang... về ăn cơm!”.

Nghe tiếng mẹ gọi, mấy đứa tuổi sàn sàn nhau đang chia tốp đánh khăng, đánh đáo ngoài sân ùa chạy vào trong tranh nhau chén bát inh ỏi cả nhà. Thấy có khách, mấy đứa trẻ bẽn lẽn túm tụm với nhau ngượng ngùng ăn cơm. Chưa đầy 5 phút, nồi cơm với mấy miếng thịt mỡ lõng bõng, rổ rau rừng đã hết veo. Rồi chúng lại ùa chạy ra sân chơi tiếp trò chơi đang dang dở.

Những “kỷ lục” khó xô đổ

Nói về chuyện gia đình sinh nhiều con ở đây, chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Pui cho biết, ở đây có những kỷ lục về dân số mà ít nơi nào có được.

Nhẩm tính trên đầu ngón tay, chị Ly kể vanh vách những hộ gia đình có đàn con “ khủng”: “Vợ chồng ông sùng Văn Nghị có 12 đứa. Tính cả dâu rể, cháu nữa gần 30 đứa. Nhà ông Giàng A Phải xóm bên có tới 16 miệng ăn; ông Sùng A Páo còn có đến 13 đứa, ông Lò Khải Phù (nguyên trưởng thôn) mới hơn 50 tuổi đã có hơn 20 đứa cháu.

Ông bà giờ già rồi ở nhà đó nhưng các con ông đứa đang nhỏ, đứa đi bắt ốc, bắt cá, đứa đi ở thuê... Đến bữa ăn là ngập tiếng khóc trẻ con vì lũ trẻ tranh giành thức ăn chí chóe,... Theo chị Nguyễn Thị Ly, ở Cư Pui, các thôn như Ea Lang, Ea Uôl, Ea Bar, Cư Rang, Cư Tê, Ea Rớt... những nhà con đông đủ một tiểu đội chẳng hiếm. Cứ tính cộng chung cho số nhân khẩu chia đều cho số hộ, thì con số trên 10 chiếm tới 70%. Tức phần lớn số hộ ở đây có trên 10 đứa con. Một “kỷ lục” đáng buồn.

Lúc chúng tôi đến nhà ông Lò Khải Phù gia đình đang ăn bữa trưa. Hơn 20 người, già có, trẻ có ngồi kín cả một gian nhà. Phía trong ngôi nhà nhỏ quần áo, mùng mền giăng mắc đầy nhà như mạng nhện.

Thói quen điều khiển đám con quá đông khiến ông nói cứ oang oang, người đi ngoài ngõ cũng có thể nghe thấy. Khó khăn là vậy nhưng ông bà luôn “tự hào” là người có nhiều con nhất thôn, “đủ một tiểu đội!” như cách mà ông khoe với chúng tôi.

Một điều đặc biệt, ở đây những người lên chức bà ngoại ở tuổi ngoài ba mươi chẳng phải khó tìm. Họ lấy chồng từ tuổi 15, rồi con gái họ cũng nối gót. Cuộc nối bước này cứ dài dằng dặc như thế. Ngẫm mà buồn!

Phía sau nụ cười

Theo tìm hiểu, thì hầu hết cư dân ở đây đều là những hộ đồng bào dân tộc Mông di cư tự do, cuộc sống ở quê nhà hết sức khó khăn nên phải tha hương kiếm sống. Nhưng cũng có những lý do khác cho việc “vỡ kế hoạch” nhiều gia đình như thế là bởi họ muốn kiếm một mụn con trai.

Một phụ nữ cho biết: “Mình phải sinh được con trai cho nhà chồng chứ! Ở quê sinh nhiều con là bị phạt thóc, mình không có nên vào đây để sinh thôi!”. Hóa ra, họ đi “trốn” để sinh con trai. Khi được hỏi, nhiều chị phụ nữ không muốn sinh nhiều con, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng và trình độ dân trí thấp đã khiến nhiều cặp vợ chồng không thoát khỏi quan niệm trên.

Chị cán bộ phụ nữ xã nhận xét: “Mình cũng là phụ nữ, thấy các chị ấy khổ cực, già nua trước tuổi mà thương lắm. Nhưng vận động thì họ gật đầu đấy, đêm về nghe chồng tỉ tê thì họ lại quên béng mất. Thế là lại sinh con! Vận động đi đặt vòng, dùng các phương pháp tránh thai thì không ai chịu.

Trung bình mỗi gia đình có từ 10 đến 13 con (ảnh minh họa)

Mà nhiều chị không nói được tiếng Kinh, mình nói họ đâu có hiểu được mà làm theo! Chừng ấy con cháu, chỉ việc đi chợ lo bữa ăn hàng ngày cho chúng đã đứt hơi rồi chứ đừng nói đến việc kiếm tiền để nuôi chúng ăn học...”. Sinh nhiều con, lại không có đất đai canh tác, không có kỹ thuật nên cái nghèo cứ bám víu mãi lấy họ.

Cái nghèo đã khiến những đứa trẻ này phải đi làm thuê kiếm sống từ khi còn rất nhỏ. Và cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói, thất học, lấy chồng lấy vợ sớm, tiếp tục sinh nhiều con cứ lặp lại mãi. Đi một vòng quanh xóm, đâu đâu cũng nghe tiếng trẻ con khóc ỉ ôi, rồi cảnh những đứa trẻ túm tụm ngồi với nhau hay tiếng chí chóe tranh giành đồ chơi của nhau mà không đến trường đến lớp.

Mặc dù thời gian qua các cấp, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để đảm bảo cuộc sống no ấm cho gia đình và hạn chế được tỷ lệ sinh nhiều con.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp của chính bố mẹ mình, hiện một số cặp vợ chồng trẻ đã dừng lại ở hai con nhưng cái danh làng “siêu đẻ” nghèo vẫn hiện hữu quanh đây. Có lẽ một phần vì đẻ nhiều mà cuộc sống người dân ở đây còn chìm trong mịt mùng. Và chẳng biết đến bao giờ, người Mông ở Cư Pui mới thoát khỏi tình trạng này(?).

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch xã Cư Pui cho biết: “Sinh nhiều con để rồi đói nghèo triền miên và chuyện học hành của con cái như  thứ xa xỉ, bởi ăn còn không đủ nói chi chuyện học. Hầu hết các gia đình ở đây khó khăn, hàng ngàn trẻ em bỏ học từ rất sớm; Hàng trăm trẻ em chẳng được khai sinh, hàng trăm gia đình không có đăng ký hết hôn; tình trạng tảo hôn cũng là một khối u khó chữa. Việc người dân sinh đẻ nhiều đã tồn tại từ nhiều năm nay như là một điều hiển nhiên trong mỗi gia đình. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân đi biển phải có con trai bằng mọi giá. Có lẽ khổ nhất là những người làm công tác dân số nơi đây. Với chức năng và nhiệm vụ của mình hằng ngày họ phải đến từng nhà vận động, mong rằng họ sẽ sinh ít con đi, cho cuộc sống bớt khổ. Cán bộ đến vận động nhiều lần, tuyên truyền khản cả cổ họng, vậy mà kết quả thu được vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Người dân vẫn tiếp tục đẻ, dường như việc đó là sở thích của họ vậy!”.

Gia Ly

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh