THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 06:08

“Tiếng còi tầm” – Miền ký ức gian khó và thân thương

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, ở những thành phố lớn, cứ mỗi ngày 4 bận tiếng còi tầm lại hụ lên gióng giả, ở cách 2-3 cây số vẫn nghe thấy. Với nhiều người nó còn như một tín hiệu báo giờ giấc chính xác. Đó chính là thứ âm thanh "công nghiệp cổ kính" của một thời.

“Tiếng còi tầm” – Miền ký ức gian khó và thân thương - Ảnh 1.

Với người công nhân tiếng còi tầm chính là một chỉ dấu của hạnh phúc. Tiếng còi buổi sáng báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu - có công việc chính là hạnh phúc. Tiếng còi buổi chiều muộn báo hiệu tan ca, đến giờ về nhà - có một ngôi nhà với người thân đang đón chờ, đó cũng chính là hạnh phúc. Đó là chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người đã có hàng chục năm gắn bó với tờ báo Lao động, đã đặt chân đến mọi nẻo đường, viết hàng ngàn bài báo về những người công nhân của mọi lĩnh vực.

“Tiếng còi tầm” – Miền ký ức gian khó và thân thương - Ảnh 2.

Điểm nổi bật của "Quán thanh xuân" chủ đề "Tiếng còi tầm" phát sóng tối ngày 3/4/2021 trên kênh VTV1 là trong hàng ghế khách mời có tới một nửa là công nhân "xịn", trong đó có 2 anh hùng lao động (AHLĐ). Đó là AHLĐ Lê Thị Ngừng, nữ công nhân lái máy xúc EKG, hơn 10 năm gắn bó với công trường thủy điện Hòa Bình; Là AHLĐ Lều Vũ Điều (sau này là Phó Chủ tịch thường trực TW Hội Nông dân Việt Nam) với 13 năm làm công nhân mỏ than Mạo Khuê (Đông Triều, Quảng Ninh). Bản thân NSND Quang Thọ - người gắn liền với những ca khúc Cách mạng hào sảng và những ca khúc nổi tiếng về đất mỏ cũng có đến 8 năm làm thợ điện tại Mỏ than Cọc 6. Họ mang đến Quán thanh xuân hơi thở lấm láp nhưng không thiếu những rộn rã của thực tế đời công nhân thập kỷ 70-80.

“Tiếng còi tầm” – Miền ký ức gian khó và thân thương - Ảnh 3.

Là người con gái duy nhất còn trụ được với lái máy xúc trên công trường thủy điện Hòa Bình thời ấy, AHLĐ Lê Thị Ngừng cho biết khi tan ca cả người chỉ có mệt rũ thôi vì phải tập trung vận hành máy móc. Khẩu hiệu: "Cao độ 81 hay là chết" làm sôi động khắp cả công trường thời điểm đó. Tuy nhiên: Thanh niên vừa làm vừa hát trên công trường, khí thế hừng hực quên đi cả mệt mỏi. Trên công trường ai cũng vui dù nắng cháy đen thui. Hoặc như câu chuyện của AHLĐ Lều Vũ Điều: Ngành than thì đặc thù là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Khi nghe tiếng còi tan ca, mọi người rời lò đi lên thì bụi bặm, than bám đầy mặt chỉ còn nhìn 2 con mắt, về nhà không ai nhận ra, quần áo lúc tan ca ướt đẫm đầy mồ hôi, vắt ra được... Mà khổ là trong lò thì nóng, tan ca lên mặt đất gió thổi, lạnh run từng hồi… Hay những câu chuyện ở mỏ than lộ thiên của NSND Quang Thọ, Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể chuyện cọ sạch than ở những nhà tắm "xếch-xy" của công nhân vùng mỏ… Nhà báo Mỹ Hạnh chia sẻ về ký ức của chị - một cô bé nông thôn, nghỉ hè được ở với gia đình người anh trai với vai trò "trông con cho anh chị đi làm ca". Sống trong gia đình anh trai làm công nhân cảng Hải Phòng, chị dâu làm công nhân đông lạnh, Mỹ Hạnh cũng cảm nhận được lối sống giản dị, vô tư, đùm bọc của họ. Cô cũng ngẫu hứng hát ca khúc "Mùa xuân bên cửa sổ", có câu "Cô gái vào ca 3", gợi nhớ hình ảnh tiếng còi tầm của đời công nhân.

Hình ảnh người công nhân đi vào văn hóa nghệ thuật không ít. Và nhắc đến mảng đề tài này, chương trình "Quán thanh xuân" đưa lại hình ảnh vở kịch kinh điển - viết riêng cho những người công nhân, vở "Tôi và chúng ta" của tác giả Lưu Quang Vũ. Gắn liền với đó là NSND Hoàng Cúc, một trong những khách mời của Quán thanh xuân "Tiếng còi tầm". Chị đã chia sẻ về nữ nhân vật mà mình hóa thân nhiều chục năm trước - cô Thanh, kíp trưởng phân xưởng 1 trong "Tôi và chúng ta". Nữ nghệ sĩ đã có cả một quá trình đi tiếp xúc với anh em công nhân để lấy cảm hứng diễn xuất.

Có thể nói, khán giả của "Quán thanh xuân" tháng 4 sẽ được nghe nhiều câu chuyện xúc động từ thực tế của những người công nhân - đó là những con người có tính kỷ luật, chăm chỉ, tính phấn đấu và quyết đoán cao. Đó là những nét tính cách cơ bản mà các khách mời của chương trình thống nhất để miêu tả về những người công nhân. Cuộc sống đơn giản, cho dù nặng nhọc nhưng sự vô tư hồn nhiên khiến công nhân khi nào cũng vui vẻ và dễ cởi mở hơn một số ngành nghề khác.

VŨ HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh