Tiến sĩ công bố quốc tế nhờ nghiên cứu rơm rạ
- Tây Y
- 16:57 - 23/05/2016
Cẩn trọng và có phần dè dặt trong từng câu chữ là điều tôi cảm thấy rất rõ từ cuộc trao đổi ngắn ngủi với PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh.
Có lẽ, nếu không vì lý do "bất khả kháng" là anh vừa được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu, vị tiến sĩ 37 tuổi hẳn sẽ không đồng ý gặp tôi vào buổi sáng ngày trao giải, khi anh vừa đáp chuyến bay từ Mỹ trở về.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh tại lễ trao giải Tạ Quang Bửu 2016 tổ chức hôm 18/5. Ảnh: Lê Văn.
TS Minh đặt ra "điều kiện" là tôi không được nói quá lên về những gì anh đã làm trước khi tôi đặt những câu hỏi đầu tiên và hơn một lần anh nhắc lại yêu cầu này sau đó.
Người thầy giáo tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội nói, những gì anh làm mới chỉ dừng lại ở phạm vi phòng thí nghiệm và nó vẫn còn rất khiêm tốn, vì thế, anh không muốn người ta thổi phồng một cách quá đáng những gì mình đã làm.
TS Nguyễn Ngọc Minh đang nói tới công trình giúp anh đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016. Công trình Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ được anh tiến hành từ năm 2011-2015 và công bố trên tạp chí Chemosphere vào năm ngoái.
Phía sau tiêu đề nghe có vẻ hàn lâm, nghiên cứu của TS Nguyễn Ngọc Minh hướng tới giải quyết một vấn đề thực tiễn rất gần gũi, thiết thực đối với những người nông dân Việt Nam: Làm thế nào để tận dụng nguồn "tài nguyên" rơm rạ rất dồi dào ở Việt Nam?
Theo một nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL thì với diện tích hơn7 triệu ha trồng lúa và với sản lượng lúa hiện nay, lượng rơm rạ thải ra hàng năm tại Việt Nam có thể lên đến 40 đến 46 triệu tấn. Tuy nhiên, từ người nông dân cho tới các nhà khoa học vẫn đang lúng túng trong việc giải "bài toán rơm rạ".
TS Nguyễn Ngọc Minh cho biết, từ một vài năm trước, vấn đề xử lý rơm rạ được khá nhiều người quan tâm khi xuất hiện tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ở khu vực ven đô gia tăng, gây khói bụi cho thành phố và nhiều vấn đề môi trường khác.
Trong rơm rạ tích lũy lượng lớn chất dinh dưỡng, nhất là kali, do đó, việc trả rơm rạ lại cho đồng ruộng có ý nghĩa quan trọng trọng việc duy trì năng suất cây lúa. Do vậy, việc đốt hay không đốt rơm rạ, hay "đốt"như thế nào trở thành một bài toán khó đối với các nhà khoa học.
TS Minh cho rằng, nguyên nhân của sự "lúng túng"nói trên là do chúng ta chưa hiểu hết đặc điểm, thành phần của rơm rạ. Do đó, để giải bài toán rơm rạ cho nông dân, TS Minh và các đồng sự nảy ra ý tưởng nghiên cứu về thành phần và các đặc tính của rơm rạ để làm cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích từ nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào này.
"Đây là một ý tưởng vừa đột xuất vừa là kết quả từ một cuộc trao đổi của tôi với GS hướng dẫn người Đức khi tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Đức vào năm 2011. Khi đó, tôi có trao đổi với GS về thực trạng rơm rạ của Việt Nam và GS đã gợi ý cho tôi làm về vấn đề này", TS Minh chia sẻ.
Trong nghiên cứu của mình, TS Nguyễn Ngọc Minh và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng, trong quá trình sinh trưởng, cây lúa có nhu cầu rất lớn về kali. Sau khi thu hoạch, một lượng lớn kali nằm lại trong rơm rạ. Từ việc xác định thành phần và cấu trúc rơm rạ, nghiên cứu của TS Minh cũng đánh giá khả năng tách chiết và tái sử dụng kali từ rơm rạ cho cây trồng.
"Nghiên cứu của chúng tôi gợi ý cho doanh nghiệp về khả
năng tách chiết kali từ rơm rạ để sản xuất phân bón. Đây là loại phân bón chúng ta đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài vì vậy, việc tách chiết và tái sử dụng sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho người dân", TS Minh nói.
"Lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng có thể phải trả giá"
TS Minh cho hay, nghiên cứu của nhóm cũng mong muốn đưa ra lời cảnh báo về việc xuất khẩu rơm rạ hoặc lấy đi sử dụng cho mục đích khác vì đây có thể là việc "lợi bất cập hại". "Lợi ích người dân thu được từ bán rơm rạ có thể nhỏ hơn rất nhiều so với thiệt hại khi mất đi lợi ích ẩn chứa trong rơm rạ là chất dinh dưỡng.
Do đó, lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng có thể phải trá giá bằng việc tăng cường đầu tư phân bón hóa học để duy trì được năng suất"- TS Minh lý giải.
TS Minh cho rằng, việc tính toán lợi ích giữa việc xuất khẩu rơm rạ với việc trả lại "tài nguyên" này cho đồng ruộng cần có sự vào cuộc của nhiều nhà khoa học.
"Công trình của mình chỉ mới dừng lại ở những nghiên cứu tính toán trong phòng thí nghiệm. Còn việc đưa ra thực tiễn cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, doanh nghiệp và cả người dân thì mới có thể tạo thành một chuỗi, công việc mới giải quyết nhanh chóng được", TS Minh cho hay.
Vị TS trẻ cũng nói rằng, đây là lý do anh không muốn người ta nói quá lên về những gì anh và nhóm của mình đã làm được.
Nghiên cứu phải giúp người dân cải thiện cuộc sống
Khi tôi đặt câu hỏi về số lượng các công bố quốc tế mà anh đã có, TS Minh yêu cầu tôi không nêu con số cụ thể trên mặt báo, bởi lẽ "nó quá nhỏ bé" so với những người khác.
Nói về chuyện công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt, TS Nguyễn Ngọc Minh cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các nhà khoa học Việt Nam ít có công bố quốc tế, từ vấn đề tài chính, môi trường cho tới vấn đề chủ quan từ bản thân các nhà khoa học.
TS Minh nói, không phải các nhà khoa học không có năng lực công bố quốc tế mà bởi trước đây mọi người không quan tâm tới việc coi các công bố quốc tế như ISI là chuẩn mực.
"Thời gian gần đây, việc công bố quốc tế ISI mới được coi là tiêu chuẩn. Nó không có yếu tố lịch sử chứ không phải các nhà khoa học không có năng lực. Tôi nghĩ cần có thời gian để các nhà khoa học Việt Nam có thể thích nghi với sự thay đổi này", TS Minh chia sẻ.
Luôn nhận mình "vẫn chưa làm được gì" và "ít kinh nghiệm", nhưng TS Nguyễn Ngọc Minh cũng luôn khẳng định những nghiên cứu của mình sẽ gắn liền với các nhu cầu thực tiễn.
Trong bài phát biểu sau khi nhận giải Tạ Quang Bửu, TS Nguyễn Ngọc Minh nói rằng, các nghiên cứu của anh sẽ không có gì khác ngoài việc hướng đến những tìm tòi, khám phá giúp cho người dân cải thiện cuộc sống, xây dựng một môi trường sống trong lành hơn, một nền nông nghiệp bền vững và nhiều triển vọng hơn.
TS Minh cho biết thêm, sau công trình nghiên cứu về rơm rạ, nhóm của anh sẽ tiếp tục nghiên cứu về dòng tuần hoàn của dinh dưỡng trong đất trồng lúa, một hướng nghiên cứu mà anh khẳng định "vẫn liên quan tới rơm rạ và đồng ruộng".
Cũng trong bài phát biểu tại lễ trao giải, TS Nguyễn Ngọc Minh có dẫn lại một câu nói của học giả Bleiste rằng: “Mục đích duy nhất củakhoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại”. Và anh, với tất cả sự khiêm tốn và cẩn trọng của một nhà khoa học, cũng xác định rằng, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ mà bản thân được giao phó.
"Công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh thuộc lĩnh vực Khoa học Thổ nhưỡng và Đất, nghiên cứu được cấu trúc phytolith được hình thành trong quá trình kết tủa silic ở thân cây lúa, từ đó đề xuất ra quy trình xử lý rơm rạ tránh ô nhiễm môi trường và tăng độ phì cho đất trồng trọt có thể áp dụng được trên quy mô đại trà trên các vùng đồng bằng trồng lúa"- GS. TS Đinh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2016 |