THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:32

Đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam vẫn còn tình trạng "cơm chấm cơm"

 

GS Phạm Tất Dong.GS Phạm Tất Dong.

GS-TSKH Phạm Tất Dong cho biết, sở dĩ  đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thời gian qua bị dư luận cho rằng đang “lạm phát” là do những nguyên nhân:  Không có kế hoạch dài hạn về đào tạo. Ví dụ, chúng ta không thống kê  từ nay đến năm 2020 mỗi ngành cần bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ. Cho nên đào tạo có thể thừa, có thể thiếu. 

Thứ hai, nếu đào tạo đều “chuẩn” thì có lẽ không ai kêu. Nhưng vì đào tạo dở nhiều nên dư luận bức xúc. Nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tiến sĩ, không đúng tầm của một tiến sĩ nên dư luận kêu. Có nghĩa là đào tạo nhưng không dùng được.

Vậy tại sao không đúng tầm? Thứ nhất tại học viên. Tốt nghiệp ĐH, trình độ kém, không có việc làm, làm luôn thạc sĩ, làm thạc sĩ xong lại làm tiến sĩ. Một số có việc làm nhưng muốn lên cương vị nào đó thì làm tiến sĩ. Như vậy, nó trở thành một thị trường lớn, và với các cơ sở đào tạo, còn chỉ tiêu thì cứ tuyển. 

Thực ra có nhiều đề cương không đạt cũng đã bị loại từ đầu. Nhưng trong số này vẫn có những đề cương lọt, do hội đồng dễ dãi hoặc không đủ năng lực để xét. Thứ hai là ông thầy kém. Đội ngũ này theo tôi không phải hiếm.

Do đó, xã hội bức xúc là đúng. Vì người ta kỳ vọng có nhiều tiến sĩ thì phải xoay chuyển được  cái gì đó trong xã hội. Còn thực tế đã không xoay chuyển được nhưng nhiều khi không có tác dụng gì.

Ông nói lỗi ở ông thầy nhiều, nhưng liệu có phải công cụ quản lý của Bộ có lỗ hổng gì không?

Chắc chắn là có. Vì Bộ GD&ĐT không nắm được hoạt động của các viện, các trường. Bộ quy định cụ thể 1 GS được hướng dẫn bằng này, nhưng Bộ không kiểm tra được thực tế họ hướng dẫn bao nhiêu! Bộ nắm con số tổng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, nhưng những ai là người đào tạo ra số này thì Bộ không thể nắm được. Đây là một lỗ hổng. Chính vì vậy, có những ông trong vòng mấy năm đào tạo, hướng dẫn mấy chục thạc sĩ, tiến sĩ.

Mặt  khác, lỗ hổng đáng sợ nhất là các hội đồng chấm luận án tiến sỹ Bộ cũng không nắm chắc. Vì nhiều nơi đào tạo nhưng không đủ người đúng chuyên môn để chấm luận án nên các thành viên không “thuần chủng”. 

Tức là  người chấm có thể khác ngành với luận án được bảo vệ, có khi trong một hội đồng có tới 3, 4 chuyên môn khác nhau. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố liên quan đến đảm bảo chất lượng một luận án. Tôi cho rằng ngay chế độ cho người hướng dẫn, người chấm còn quá rẻ mạt nên người ta cũng chỉ làm cho xong.

Quy định thẩm định lại 10% luận án, có đủ sức để đảm bảo được chất lượng không?

Trong ngành của tôi, tôi chưa thấy luận án nào bị trả lại. Nhưng tôi nghĩ, đã thẩm định thì thẩm định hết, sao lại 10%. Nếu vậy sẽ có “lọt lưới”. Vì  trong số 90% còn lại giả sử có khoảng  20% chất lượng tồi thì sao. Như thế quá hình thức. Ở nước ngoài, tôi nghĩ không làm thế. Tất cả phải được  thẩm định. Tôi nghĩ những quy định này chỉ mang tính định lượng mà không đi vào được nội dung của vấn đề.

Bây giờ làm luận án tiến sĩ “tốn” lắm. Tốn tiền vào những thứ ngoài luận văn. Tôi có hỏi một học trò của mình, cô ấy cho biết, ra hội đồng cơ sở thôi cũng phải chuẩn bị 50 triệu đồng. 

Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng thực tế, tôi thấy tốn ở chỗ này:  nhà nước lẽ ra phải trả tiền cho những người làm phản biện. Nhưng nhà nước trả nhỏ giọt, không đáng bao nhiêu. Nên nghiên cứu sinh rất sợ điều này. Bởi vậy khi mang luận văn đến người chấm phải nhét phong bì vào. Thầy mà trả lại, có khi nghiên cứu sinh lại hoảng, lại nghĩ chắc đưa ít quá, phải đưa nhiều hơn.

Trong quy định của Bộ GD&ĐT cũng có nêu quy định tiến sĩ sau khi bảo vệ được 3 năm sẽ được hướng dẫn nghiên cứu sinh. Ông nghĩ quy định này có thực sự ổn?

Quy định thế này thì chết. Tôi không đồng ý với kiểu đào tạo “cơm chấm cơm” này. Nói thật, 20 năm làm việc tại Viện khoa học giáo dục, tôi thấy thường thường những ông tiến sĩ 2 - 3 năm đầu còn chưa viết được gì ra hồn. 

Viện nhận những người giỏi tốt nghiệp ĐH thì chỉ coi đó là hạt giống và viện cũng tạm thời “quên” đi khoảng 7 - 8 năm để họ trưởng thành. Còn nhận tiến sĩ thì 3-4 năm đầu họ chưa làm được “trò trống” gì cả. Tôi nghĩ không đơn giản như Bộ GD&ĐT nghĩ.

Đề xuất của ông là gì?

Tôi nghĩ tất cả các cơ sở đào tạo tiến sĩ nên tính lại và tổng  điều tra số lượng mình đã đào tạo chất lượng đến đâu. Cái này rất cần cho các cơ sở đào tạo. Thứ hai là đánh giá lại năng lực đào tạo của các bộ môn. Thứ ba là không chạy theo số lượng. Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán lại quy chế của mình.

Cảm ơn ông.


Bộ GD&ĐT quy định cụ thể 1 GS được hướng dẫn bằng này, nhưng Bộ không kiểm tra được thực tế họ hướng dẫn bao nhiêu. Bộ nắm con số tổng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ nhưng những ai là người đào tạo ra số này thì Bộ không thể nắm được. Đây là một lỗ hổng”. 

GS Phạm Tất Dong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh