Tiền Giang vừa phòng, chống dịch vừa xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh
- Huyệt vị
- 16:57 - 27/09/2021
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp đang hoạt động với 110.000 người, có khoảng 1.500 lao động nước ngoài.
Tại Tiền Giang, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có 174 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp tạm dừng hoạt động, 12 doanh nghiệp thực hiện phương án "03 tại chỗ" để tiếp tục sản xuất theo Quyết định số 2054/QĐ-BCĐ trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang Lê Minh Hùng cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.482 công nhân là F0; 23 công nhân, viên chức tử vong do Covid-19.
"Liên đoàn Lao động tỉnh đã triển khai các gói hỗ trợ cho các đối tượng là F0, F1, F2 và F0 tử vong. Đơn vị đã hỗ trợ cho công nhân làm việc tại 22 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" với gần 3.000 công nhân, lao động. Bệnh cạnh đó, trên địa bàn hiện có trên 57.900 công nhân bị mất việc làm đang ở các khu nhà trọ. Đơn vị đang đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ", ông Hùng thông tin.
Mặc dù đại dịch tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp vẫn nâng cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động.
Theo ông Dũng, hiện nay, Tỉnh đã xây dựng phương án 154/KH-BCĐ về phòng, chống dịch trong các khu, cụm công nghiệp và Bộ tiêu chí tạm thời thực hiện phương án "3 tại chỗ". Trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" (12 doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp và 10 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp).
Đang tổ chức thẩm định xem xét mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng công nhân đối với doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp đang thực hiện phương án "3 tại chỗ".
"Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong việc sớm đưa doanh nghiệp quay lại tái sản xuất trong trạng thái bình thường mới và trong hoàn thiện các thủ tục để mời gọi chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; tỷ lệ người lao động được tiêm vaccine còn thấp sẽ gây khó khăn cho việc tái sản xuất của doanh nghiệp', ông Dũng cho hay.
Trong giai thời gian tới, khi tỉnh Tiền Giang tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, để thực hiện hiệu quả mục tiêu "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn" thì người lao động phải được tiêm vaccine đầy đủ trước khi vào làm việc.
Trên cơ sở đánh giá khả năng kiểm soát dịch bệnh, mức độ nguy cơ, tỷ lệ tiêm vaccine, khả năng đáp ứng của nhân lực và cơ sở vật chất của ngành Y tế, trong kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021,Tiền Giang chia ra 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 31/10/2021), Tỉnh sẽ khống chế được dịch bệnh và chuyển tỉnh từ có nguy cơ cao sang nguy cơ; tập trung cho công tác phòng chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ở giai đoạn này, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch Covid-19 gắn với an toàn phòng chống dịch. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, hoạt động trở lại. Thực hiện công tác rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đảm bảo việc đi lại của nhân dân thông suốt, thuận lợi và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Giai đoạn 2: (từ 1/11/2021 đến 31/12/2021), tỉnh chuyển từ "nguy cơ" sang "bình thường mới". Đánh giá các nội dung đã triển khai giai đoạn 1, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống dịch của ngành Y tế (tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân trong độ tuổi, đánh giá mức độ nguy cơ).
Ở giai đoạn này, Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Tập trung triển khai các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh gắn với chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ để thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh. Tập trung khơi thông vốn đầu tư sản xuất.
Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác truyền thông; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang cho biết, đến nay Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 39.582 người, với số tiền 59,77 tỷ đồng. trong đó người bán vé số lẻ là 12.119 người, lao động tự do khác 27.732 người. Số còn lại hiện đang kiểm tra, rà soát hồ sơ.
Về hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lượng phục hồi sản xuất: Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh đã giải ngân cho vay vốn trả lương ngừng việc cho 4 doanh nghiệp, 70 lượt lao động với số tiền 261,65 triệu đồng.
Đồng thời, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương: Sở đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 24.976 người lao động, số tiền 76,76 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 1.017 lao động, số tiền 3,97 tỷ đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Đã phê duyệt hỗ trợ 26 viên chức hoạt động nghệ thuật, với số tiền 96.460.000 đồng. Đang xem xét hỗ trợ 3 hướng dẫn viên du lịch, số tiền 11.130.000 đồng.
Hiện các địa phương đang tập trung khẩn trương chi hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh đã rà soát, dự kiến bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng lao động tự do để hỗ trợ; dự kiến có khoảng 86.200 người, số tiền 129,3 tỷ đồng, gồm:
- Thợ hồ, phụ hồ, thợ sơn và người làm công việc khác theo công trình xây dựng (trừ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp xây dựng có giao | kết hợp đồng lao động);
- Tài xế chạy xe dịch vụ (trừ tài xế đồng thời là chủ phương tiện); - Người tự làm và làm thuê cho các tiệm sửa xe gắn máy.
- Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo làm thuê các công việc không cố định (ai thuê gì làm nấy) trong lĩnh vực phi nông nghiệp.