Tiền Giang Thực hiện hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 00:52 - 07/11/2015
Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình trợ giúp hộ nghèo thoát nghèo rất hiệu quả. Đây là sự sáng tạo của các địa phương và các tổ chức, đoàn thể. Năm 2015, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh việc triển khai hiệu quả Dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ tại 4 địa phương: TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phú Đông, huyện Chợ Gạo, huyện Cái Bè và đang tiếp tục triển khai ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh góp phần lớn trong việc đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống vượt chỉ tiêu đề ra.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang cho biết: "Thực trạng hiện nay, Người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và các huyện chủ yếu làm nông nghiệp nói riêng kinh tế chủ yếu từ trồng lúa, diện tích đất sản xuất liền kề với nhà ở nằm trong vùng ô bao, xung quanh được nhà nước xây dựng hệ thống đê bao chống lũ, đảm bảo an toàn cho vườn cây trong mùa lũ và thuận tiện mô hình chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên thời gian vừa qua, nghề chăn nuôi phát triển chưa đồng bộ thiếu quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, cơ cấu lao động ở nông thôn chưa được hợp lý, giá cả các mặc hàng nông sản tương đối thấp..."
Ông Hồ Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị bàn về công tác giảm nghèo
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do thời gian vừa qua chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, rủi ro cao; khả năng đáp ứng các nguồn lực còn thấp; cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ và chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó trình độ dân trí của người dân còn thấp, khả năng tiếp nhận ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng dụng vào chăn nuôi chưa cao, người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, một phần do thiếu vốn đầu tư nên đời sống của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm thực hiện chủ trương Giảm nghèo bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ổn định lâu dài và phát triển bền vững, thì việc lập: “Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản một số huyện trên địa bàn ” là rất cần thiết.
Cụ thể ở huyện Chợ Gạo, mô hình nuôi bò sinh sản phát huy hiệu quả tại các xã Đăng Hưng Phước và Bình Phục Nhứt. Từ nguồn kinh phí của Ủy ban MTTQ huyện Chợ Gạo, UBND và Ủy ban MTTQ 2 xã Đăng Hưng Phước và Bình Phục Nhứt đã chọn 20 hộ nghèo có điều kiện chăn nuôi để hỗ trợ bò giống, hoàn trả trong thời gian 3 năm. Trên địa bàn huyện có 28 hộ tham gia dự án: là những hộ nghèo được ấp họp nhân dân bình xét và có điều kiện về chuồng trại, đất sản xuất, lao động chăm sóc để phát triển bò sinh sản.
Dự án hỗ trợ sinh kế nuôi bò
Theo quy định của Dự án thời hạn thu hồi 3 năm (36 tháng); Thời gian thu hồi vốn thống nhất chung vào tháng thứ 36. Mức vốn thu hồi là 20% so với mức vốn cho vay (không lãi suất).Sau khi kết thúc dự án tổng số tiền phải thu hồi 104 triệu đồng/28 hộ, mỗi hộ hoàn trả dự án là 3.714.000 đồng. Ủy ban nhân dân xã lập sổ sách theo dõi số hộ- số tiền hỗ trợ; số hộ- số tiền thu hồi cho đến khi kết thúc dự án và nộp 20% chi phí hỗ trợ cho phòng LĐ-TB&XH huyện. Nguồn trả nợ 20% được hộ gia đình tích luỹ trong 3 năm, tiền bán bò con, phân chuồng phơi kho bán cho nhà vườn.
Cũng với mô hình nuôi bò, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án "Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông". Dự án hỗ trợ bò và vốn vay cho 2.400 hộ nghèo của huyện trong 5 năm (2012 - 2015) với tổng kinh phí 18,2 tỷ đồng. Đã có 300 con bò được chuyển giao đến hộ dân sau khi những hộ này được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò hiệu quả.
Khi dự án đi vào triển khai thực hiện sẽ giúp cho các hộ nghèo, có vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất, giải quyết nguồn lao động dư thừa trong gia đình có việc làm mới ổn định. Mô hình chăn nuôi thú ăn cỏ, đặc biệt là nuôi bò sinh sản là một giải pháp thoát nghèo mang tính bền vững nhất hiện nay. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết BCH Đảng bộ, nhiệm kỳ 2015-2020 về thúc đẩy Mô hình chuyển dịch cơ chấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng hiện đại và bền vững.
Sau 3 năm tổng số lượng bò của dự án sẽ tăng lên theo cấp số nhân , lượng phân chuồng dồi dào xử lý thay cho phân hoá học bón cho cây trồng, đặc biệt là cỏ voi từ đó hộ gia đình sẽ tự chủ nguồn thức ăn cho bò trong chăn nuôi, thay vì trước đây phải đi cắt cỏ hoặc rơm rạ ngoài đồng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nghèo.
Hiện nay, mức thu nhập bình quân của hộ nghèo hiện tại dưới 400.000 đồng/tháng. Sau 3 năm hộ gia đình tham gia dự án sẽ có tổng thu nhập như sau:
Thu nhập từ tích lũy: 20 triệu đồng. Lợi nhuận từ bò giống phát triển trong thời gian 3 năm: (Đã trừ vốn ban đầu): 5 000 000 đ. Thu nhập từ nguồn phân: 3m3 /năm x 3 năm x 700 000 đ/ m3 = 6.300.000 đồng. Thu nhập từ bò con: 12 triệu đồng/con. Tổng thu nhập trong 3 năm cho 1 hộ: 43,3 triệu đồng.
Như vậy hộ gia đình có 5 khẩu nếu ổn định mức thu nhập hiện tại 400 000 đồng/người/tháng. Khi tham gia mô hình sẽ có thu nhập tăng thêm 62,5 %/tháng (tăng 1,62 lần). Tổng thu nhập của mỗi khẩu trong hộ gia đình tham gia dự án sẽ là:
400 000 đồng (Mức thu nhập hiện tại) + 240 000 đồng (Tăng thêm từ mô hình) = 640.000 đồng/người/tháng. Có thể thoát nghèo từ 5-6 hộ/năm. (20 %/năm) Sau 3 năm có 60 % hộ tham gia mô hình có khả năng thoát nghèo. Riêng đối vời hộ chăn nuôi đủ điều kiện về chuồng trại, thức ăn Ban quản lý dự án sẽ vận động gia đình nhân đôi số lượng bò sinh sản.
Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, đối thoại với người nghèo về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh cho mục tiêu giảm nghèo. Song song đó, công tác chăm lo cho người nghèo còn được vận động xã hội hóa. Nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tham gia giúp đỡ hộ nghèo về vật chất và tinh thần với hình thức như trợ vốn sản xuất, nhận đỡ đầu hộ nghèo, tặng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học...