THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:48

Tiền Giang: Nhận hỗ trợ nhà tình nghĩa 40 triệu về xây dinh cơ gần 1 tỷ!

Lấy tiền hỗ trợ khó khăn 40 triệu về xây nhà gần 1 tỷ đồng

Theo phản ánh của bạn đọc, phóng viên Dân trí về ấp 1 (xã An Hữu, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để tìm hiểu sự bất hợp lý trong hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách. Trong đó, người dân rất bức xúc việc ông Nguyễn Văn Phúc (cha ruột ông Nguyễn Lê Sơn, Bí thư Đảng ủy xã An Hữu) được ưu ái nhận suất hỗ trợ nhà tình nghĩa dù gia đình khá giả, nhà không thuộc diện hư hỏng, dột nát theo quy định. Ngoài ra, ông Lê Hữu Tình (cậu ruột ông Sơn - PV) cũng được ưu tiên hỗ trợ nhà ở chính sách với trị giá 40 triệu đồng.

Dân bức xúc việc ông Tình lãnh hỗ trợ 40 triều đồng về xây căn nhà trị giá gần 1 tỷ đồng

Điều đáng nói, sau khi nhận hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình ông Tình xây dựng một căn nhà theo kiểu biệt thự hoành tráng nhất vùng với hàng rào cao bao quanh, kinh phí gần 1 tỷ đồng. Một hộ dân ở gần đó (xin giấu tên - PV) cho biết: “Gia đình ông Tình thuộc diện giàu có trong vùng, mấy đứa con ông đều có việc làm ổn định. Ông Tình có một căn nhà đang cho thuê ngay tại trung tâm xã, vườn cây ăn trái cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhưng vẫn được hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách khiến ai cũng bức xúc”.

Theo lời người dân này, ông Tình trước đây là cán bộ xã, hiện tại lại là cậu ruột của Bí thư Đảng ủy xã An Hữu nên được “ưu ái” được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Trong khi đó nhiều hộ khó khăn, có công với cách mạng trong xã phải chờ đợi mòn mỏi để được xét hỗ trợ.

Căn nhà của ông Phúc cũng rất hoành tráng chuẩn bị hoàn thành

Lần theo phản ánh của người dân, phóng viên Dân trí điều tra thì được biết, trước đây ông Tình được nhà nước hỗ trợ cấp mảnh đất và xây nhà kiên cố ngay tại trung tâm xã. Sau này, khi về hưu ông Tình về ấp 1 (xã An Hữu) để trồng cây ăn trái nên căn nhà ngay trung tâm được cho thuê. Vì vậy, khi ông Tình tiếp tục nhận 1 suất nhà tình nghĩa cho người có công khiến người dân địa phương rất bức xúc. Sau khi xây xong, địa phương cũng “không dám” gắn biển “Nhà tình nghĩa” vì căn nhà này giá trị gấp mấy chục lần so với số tiền hỗ trợ mà ông Tình đã nhận.

Tương tự là trường hợp ông Nguyễn Văn Phúc cũng được ưu tiên nhận một suất xây dựng nhà tình nghĩa. Trong khi đó, ông Sơn, Bí thư Đảng ủy xã An Hữu là con út của ông Phúc nên ở chung nhà với cha ruột mình. Khi nhận 1 suất hỗ trợ 40 triệu đồng, căn nhà ông Phúc đang xây gần hoàn thành và theo kiểu “biệt thự vườn” với kinh phí hàng trăm triệu đồng cũng rất hoành tráng như nhà ông Tình.

Cựu chiến binh mòn mỏi đến chết vẫn không được hỗ trợ xây nhà

Cách nhà ông Tính, ông Phúc khoảng vài trăm mét là căn nhà gỗ mục nát của ông Nguyễn Văn Bé Tư, SN: 1955 (cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Ông Bé Tư mất cách đây gần 2 tháng nhưng vẫn chưa được hỗ trợ nhà tình nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Yến, vợ ông Bé Tư bùi ngùi cho biết: “Căn nhà gỗ của tôi mục nát mấy năm nay, trong khi đó gia đình ít đất sản xuất nên không có khả năng để xây dựng nhà mới. Chồng tôi là cựu chiến binh tham gia cách mạng trước năm 1975 nên ổng đi lên, đi xuống hỏi hoài nhưng vẫn chưa được hỗ trợ xây dựng nhà. Chồng tôi rất muốn có căn nhà lành lặn một chút nhưng đến khi chết vẫn ở căn nhà mục nát và chờ hoài không thấy hỗ trợ xây dựng nhà cho người có công”. 

Cựu chiến binh Bé Tư chờ đợi đến chết cũng chưa được hỗ trợ dù nhà đã xuống cấp

Theo bà Yến, chồng mình tham gia cách mạng năm 14 tuổi và thường xuyên đóng quân ngày tại nhà bà. Đến ngày giải phóng đất nước, tổ chức làm lễ tuyên bố để 2 người thành vợ thành chồng. Căn nhà gỗ của ông Bé Tư đã mục nát mấy năm nay vẫn không có tiền để sửa sang vì kinh tế khó khăn. Hiện tại các cây cột, kèo đã bị mối, mọt đục hư gần hết nên được chống đỡ bằng những thanh gỗ tạp ở kế bên.

Bà Yến chỉ những thanh gỗ bị mục nát phải dùng cây chống tạm

Sau khi ông Bé Tư chết được mấy ngày, gia đình mới được thông báo sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa ngay trong năm nay. Bà Yến cho biết: “Khi chồng tôi còn sống nếu được hỗ trợ quá vui rồi. Bây giờ nhà nước hỗ trợ, gia đình ráng xây căn nhà cho tươm tất để thờ cúng cho chồng an lòng chứ biết làm sao”.

Theo bà Yến, do gia đình nghèo nên được hỗ trợ 40 triệu đồng là rất quý, gia đình cố gắng vay mượn thêm khoảng 40 triệu nữa để xây căn nhà cho tạm được chứ chẳng dám mơ ước gì nhiều.

Xét duyệt đúng quy trình nhưng không ngờ xây dựng nhà tiền tỷ khiến dư luận bức xúc!

Để làm sáng tỏ sự việc, phóng viên Dân trí có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã An Hữu. Tiếp phóng viên, bà Trần Thị Mơ, Chủ tịch và ông Trần Hữu Tính, Phó Chủ tịch UBND xã An Hữu đều cho rằng mới nhận chức nên không nắm việc xét duyệt nhà tình nghĩa cho hộ ông Tình và ông Phúc. Sau đó, bà Mơ giới thiệu ông Trần Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã An Hữu (thời điểm 2013 giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND xã An Hữu).

Ông Dũng cho biết, thời điểm năm 2013 có đi dự tập huấn về thực hiện quyết định hỗ trợ cho gia đình chính sách, gia đình có công, thương binh, liệt sĩ. Sau khi dự tập huấn đã tham mưu để thành lập tổ rà soát gồm UBND xã, Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Lao động Thương binh xã hội, lãnh đạo ấp để đề nghị xét duyệt, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Trong đợt này xét duyệt ở 5 ấp được 64 căn, trong đó xây dựng mới 53 căn, còn lại là sửa chữa.

Người dân cho rằng ông Tình lãnh tiền hỗ trợ về không đủ xây hàng rào trước nhà

 Theo ông Dũng, lúc đó có xét xây dựng mới cho hộ ông Lê Hữu Tình và Nguyễn Văn Phúc ở ấp 1. Trong đó hộ ông Tình bản thân là cán bộ về hưu, thờ cúng 2 liệt sĩ và nhà cột gỗ xuống cấp nên xét hỗ trợ xây dựng nhà mới; ông Phúc là người có công với cách mạng, được Huy chương kháng chiến chống Mỹ, nhà nền lót gạch, mái ngói đã xuống cấp nên cũng được xét.

Khi được hỏi, Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ gia đình chính sách được hỗ trợ nhà ở nếu bị hư hỏng, dột nát nhưng hộ ông Tình, ông Phúc nhận 40 triệu đồng về xây nhà mấy trăm triệu thì thật sư có khó khăn hay không. Ông Dũng lý giải: “Lúc xét duyệt là đúng quy trình, đúng đối tượng và thông qua tổ rà soát từ ấp đến xã. Tuy nhiên, không ngờ sau đó hộ ông Tình, ông Phúc lại xây căn nhà lớn đến như vậy khiến dư luận bức xúc”.

Ngoài ra, người dân cho rằng không gắn biển “Nhà tình nghĩa” do căn nhà của ông Tình quá lớn. Ông Dũng lý giải: “Thời điểm đó gần Tết Nguyên đán nên chỉ trao quyết định chứ không làm lễ hay gắn biển nhà tình nghĩa!”. Ông Dũng cũng thừa nhận, trước đây ông Tình là cán bộ được xét cấp đất ở ngay trung tâm xã. Tuy nhiên, hiện nay căn nhà ông Tình đã cho người con gái và người con gái này đã cho thuê.

Về trường hợp của ông Nguyễn Văn Bé Tư, ông Dũng cho rằng: vào thời điểm năm 2013 căn nhà gỗ này có thể sử dụng được nên tổ rà soát đã quyết định để xây sau và ngay trong năm nay sẽ xây dựng cho hộ này.

Theo ông Dũng, việc xét duyệt đều đúng quy trình từ ấp đến xã. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì tại ấp 1 (xã An Hữu), Trưởng ấp cũng là anh ruột của Bí thư Đảng ủy xã nên từ dưới lên trên đều là “người nhà” và dễ dàng được xét cất nhà tình nghĩa dù gia đình thuộc diện giàu có trong vùng.

Theo quyết định số 22/2013/  QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6), năm 2013, khoảng 71.000 gia đình có công sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà ở nếu bị hư hỏng, dột nát.

Theo Quyết định này quy định hỗ trợ cho tất cả 12 nhóm đối tượng theo quy định của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (kể cả trước đây đã được hỗ trợ) nhưng hiện nay nhà ở bị hư hỏng, dột nát. Những gia đình có công với Cách mạng được ưu đãi nhà ở gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945;  Thân nhân liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kì kháng chiến ;Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quosc.

Minh Giang/ Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh