THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:32

Tiền Giang: Hiệu quả tích cực từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo

 

Được biết, năm 2016 tỉnh thực hiện khá thành công về công tác giảm nghèo, ông có thể chia sẻ về kết quả này?

PGĐ Hồ Thanh Sơn:   Trong bối cảnh kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn chỉ đạo ưu tiên cho công tác giảm nghèo, luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như ở mỗi địa phương. Tỉnh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Với những nỗ lực này, trong năm 2016 kết quả giảm nghèo toàn tỉnh giảm 0,95%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 0,66%/năm.

Cụ thể, toàn tỉnh có 23.334 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,02% so tổng số hộ toàn tỉnh (464.943 hộ); trong năm có 4.346 hộ thoát nghèo. Có 17.532 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,77% so tổng số hộ toàn tỉnh (464.943 hộ); có 2.772 hộ cận nghèo thoát nghèo.

Ông Hồ Thanh Sơn PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang

 Với kết quả đạt được như trên một phần là nhờ vào việc thực hiện hiệu quả các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, ông có thể chia sẻ việc triển khai thực hiện các mô hình này?

PGĐ Hồ Thanh Sơn: Với mục tiêu tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo một cách bền vững và toàn diện, tạo môi trường thuận lợi để người nghèo, tiếp cận các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội và tự lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện, nâng cao mức sống của người nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn, giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo (theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 107/QĐ-UBND về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020), Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2016.

Trong năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 11 mô hình giảm nghèo chăn nuôi dê ở các xã bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh; Số hộ nghèo tham gia mô hình: 327 hộ; Kinh phí thực hiện: 2.560 triệu đồng.

Sau một năm thực hiện dự án, các hộ nghèo tham gia dự án nuôi bò sinh sản đã chăm sóc nuôi dưỡng bò đúng cách, đảm bảo nguồn thức ăn, thuốc thú y, chuồng trại. Hộ tham gia dự án có tinh thần trách nhiệm tương đối cao, thực hiện đúng cam kết ban đầu, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích. Tính đến thời điểm hiện này, các dự án nuôi bò sinh sản ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, TP.Mỹ Tho và thị xã Gò Công đã có đàn bò sinh sản phát triển tốt. Dự án nuôi dê sinh sản ở huyện Tân phú Đông cũng đem lại hiệu quả cao.

Mô hình nuôi dê sinh sản giúp nông dân thoát nghèo bền vững

Dự án “xây dựng mô hình điểm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau năm 2016 ” đã đem lại hiệu quả,  câu lạc bộ liên thế hệ ở cơ sở tự giúp nhau, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; nâng chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội ở các địa phương đủ sức điều hành các hoạt động của hội và các câu lạc bộ ở địa phương. Từ nguồn vốn hỗ trợ, đã hỗ trợ vốn cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ mua bán nhỏ. Các hộ này đã sử dụng vốn đúng mục đích, cần cù lao động trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ đạt hiệu quả phù hợp với hoàn cảnh, khả năng của từng hộ, góp phần nâng cao thu nhập của từng hộ.

Qua một năm triển khai thực hiện nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả của tỉnh, cho thấy hoạt động của các mô hình đã mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế cũng như về nhận thức và xã hội. Dự án đã hỗ trợ hàng trăm hộ nghèo được hưởng lợi và có cơ hội thoát nghèo, đồng thời nhân rộng được nhiều mô hình giảm nghèo, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nghèo. Dự án đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần trang bị kiến thức sản xuất cho các hộ nghèo trên địa bàn xã, hạn chế thất nghiệp cho người lao động nghèo tại nông thôn. Đội ngũ cán bộ thú y cơ sở được nâng cao về kiến thức nghiệp vụ về cách phòng - chống và chữa bệnh cho gia súc. Cán bộ cơ sở có kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 Trong quá trình thực hiện, chúng ta có gặp những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ hay không?

  PGĐ Hồ Thanh Sơn: Trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: việc kết hợp giữa các cấp, ngành chức năng còn chưa thường xuyên, chặt chẽ; cán bộ thực hiện dự án chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ, mặc dù Sở LĐ-TB&XH đã có cấp kinh phí cho các đơn vị thực hiện dự án tổ chức tập huấn kỹ năng, kỹ thuật chăn nuôi nhưng không có đơn vị nào thực hiện, phải trả kinh phí về cho chương trình; các hộ dân tham gia dự án còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, còn hạn chế chủ động đầu tư thêm vốn để bổ sung thức ăn, thuốc thú y, tu sửa chuồng trại. Nhiều hộ tuy đã được tập huấn nhưng chưa áp dụng tốt kỹ thuật vào chăn nuôi, nên còn bị dịch bệnh dẫn đến chết con giống, một số hộ con giống đã phối giống nhiều lần nhưng không đậu.

Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm hiệu quả ở An Phú Đông

Định hướng trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo?

PGĐ Hồ Thanh Sơn: Trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng các mô hình đã thực hiện có hiệu quả đồng thời xem xét phát triển sinh kế cho các đối tượng khác trong đó cần quan tâm là đối tượng yếu thế như: Đối tượng người mù, người nghèo, người khuyết tật, …

Đối với những hộ nghèo thực hiện mô hình sinh kế trong thời gian qua nếu có những khó khăn thực hiện không hiệu quả thì sẽ xem xét trên tinh thần không vì mô hình sinh kế mà tạo gánh nặng cho họ. Mà phải chuyển đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để thực hiện tốt hơn các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến rộng rãi những bài học kinh nghiệm và hiệu quả của dự án trong quần chúng nhân dân. Khi dự án đã vào hoạt động các cấp, ngành phải phối hợp chặt chẽ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông để tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Trân trọng cảm ơn ông !

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh