THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Tiền Giang: Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo

 

Đồng bộ các chính sách giảm nghèo

Ông Võ Văn Nhi – PGĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết: Thời gian qua, tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tạo cơ hội để các hộ nghèo và cận nghèo có việc làm ổn định, đa dạng hóa ngành nghề, khai thác có hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; trong đó chú trọng việc dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn, lao động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; bảo vệ phụ nữ và trẻ em nghèo.

Đồng thời, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại địa bàn khó khăn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn công tác giảm nghèo với các chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án, các doanh nghiệp... để hỗ trợ hộ nghèo.

 

Mô hình nuôi bò sinh sản giúp nông dân thoát nghèo


Hiện nay, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước, như: Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - lâm - ngư; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Năm 2017, tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ngân sách trung ương bố trí 3.300 triệu đồng; các địa phương đã xây dựng 11 mô hình Chăn nuôi dê sinh sản đã hỗ trợ cho 294 hộ nghèo tham gia (trong đó có 293 hộ nghèo, 01 hộ mới thoát nghèo).

Và hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Đến nay mới triển khai được 01 dự án nhân rộng mô hình sản xuất có 110 hộ tham gia.

Để hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo năm 2017, huyện Chợ Gạo đã và đang hỗ trợ hộ nghèo thông qua các mô hình giảm nghèo. Qua đó, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống và chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình hay giúp dân thoát nghèo hiệu quả.

Năm 2017, kế hoạch thoát nghèo của huyện Chợ Gạo là 200 hộ. Đến nay, qua khảo sát, đã có 220 hộ thoát nghèo, đạt 110%.

Chị Đặng Thị Hồng (ấp Vĩnh Phước) là một trong những hộ nằm trong kế hoạch giảm nghèo năm 2017 của xã Đăng Hưng Phước cho biết: Gia đình tôi tham gia chương trình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để cải tạo 1 công đất trồng thanh long, nhờ thanh long được mùa và bán có giá. Hiện gia đình đã thoát nghèo và trả bớt vốn vay cho ngân hàng. Cũng như chị Hồng, hộ gia đình anh Phan Văn Tiền (ấp Long Hiệp, xã Quơn Long) cũng đã thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay để trồng thanh long tăng thu nhập kinh tế cho gia đình.

Ngoài ra, 50 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng từ nhiều nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi, Quỹ Vì người nghèo... đã được xây dựng và bàn giao cho hộ nghèo của huyện, giúp hộ nghèo an cư để lo lập nghiệp. Hộ ông Trịnh Ngọc Ẩn (ấp Bình Ninh, xã Bình Phan) được Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới. Ông Ẩn tâm sự: Gia đình không có đất sản xuất, làm mướn để kiếm sống, không khả năng cất lại căn nhà đã xuống cấp. Có được ngôi nhà mới, vợ chồng tôi không còn nơm nớp lo sợ mưa gió làm sập nhà, an tâm lúc tuổi già. Nhờ chương trình vay hỗ trợ mà gia đình tôi có căn nhà khang trang như hiện nay, chúng tôi rất lấy làm xúc động.

 

Sinh kế bằng mô hình nuôi dê


Ông Lê Văn Chất - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Chợ Gạo cho biết: Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm còn 2,7%, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm việc nhân rộng những mô hình xóa khó giảm nghèo hiệu quả, như các mô hình: May công nghiệp, trồng rau an toàn, trồng thanh long, nuôi bò thịt, nuôi dê... gắn với chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Riêng Ủy ban MTTQ huyện thực hiện 16 dự án nuôi bò thịt tại các xã: Thanh Bình, Đăng Hưng Phước, Quơn Long, Tân Thuận Bình, Lương Hòa Lạc…, giải quyết cho 156 hộ mượn vốn, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và từ nguồn vốn của các đoàn thể Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… giúp đoàn viên, hội viên nuôi hàng trăm con bò. Huyện còn chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho trên 2.150 lao động; đưa 28 lao động làm việc tại nước ngoài...

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh