THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:03

Tiền Giang: Chủ động triển khai thực hiện vượt mức các chỉ tiêu được giao năm 2016

Kết thúc năm 2016 với những thành tích to lớn, bước sang năm 2017 với nhiều mục tiêu kế hoạch mới để ổn định nâng cao hơn nữa đời sống người dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công. Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Vĩnh Hưng, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang xung quanh vấn đề này.

PV:  Là địa phương có đông đối tượng chính sách, người có công, Tiền Giang đã có những giải pháp hay, cách làm mới gì để nâng cao đời sống mọi mặt cho đối tượng này?

Ông Trần Vĩnh Hưng: Tính đến nay, Tiền Giang đã xác nhận, công nhận, giải quyết chế độ và quản lý hồ sơ 123.778 người có công, trong đó có 35.473 liệt sĩ, 8.034 thương binh, 1.545 bệnh binh, 1.430 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 13.659 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 17.905 có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến và nhiều người có công khác, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống 421 mẹ… Trong đó, đối tượng được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng là 24.000 đối tượng, kinh phí trợ cấp thường xuyên trung bình mỗi năm trên 400 tỷ đồng.

Trong những năm qua, bằng nghĩa tình và trách nhiệm, tỉnh đã và đang tiếp tục làm hết sức mình nhằm ổn định, nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiền Giang xác định nhiệm vụ chủ yếu trong việc tôn vinh, chăm sóc người có công là phải làm thật tốt và hiệu quả trên cả ba phương thức, Nhà nước chăm lo về cơ bản mức sống của người có công – được quy định bởi các chế độ của pháp luật; khuyến khích và mở rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn tỉnh với các hoạt động sôi nổi, rộng khắp.

Ông Trần Vĩnh Hưng GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang

Năm 2016, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã vận động được 12,971 tỷ đồng, đạt 130% kế hoạch, tăng 20% so với năm trước. Từ nguồn quỹ này tỉnh đã xây, sửa 245 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền 7,973 tỷ đồng, đạt 148,48% kế hoạch và tăng 24,8% so với năm 2015. Trong năm, tỉnh đã đưa 13 đợt với 660 người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm điều dưỡng người có công Lâm Đồng, Khánh Hòa và Kiên Giang. Thực hiện điều dưỡng tại hộ gia đình cho 6.346 lượt người. Việc tổ chức được tiến hành an toàn, chu đáo, đảm bảo sức khỏe nên đối tượng người có công rất phấn khởi.

 Việc phát động phong trào quần chúng chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công được thực hiện tốt. Có 100% số xã, phường thị trấn làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, toàn dân chăm lo phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình chính sách. Nhờ vậy hiện nay 100% gia đình chính sách, người có công trong tỉnh đã có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.

Thưa ông, sau nhiều nỗ lực và quyết tâm, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảng xuống còn 5,22%. Thời gian tới Tiền Giang sẽ có những chính sách gì để tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững?

Ông Trần Vĩnh Hưng: Từ các chính sách của Nhà nước, người nghèo luôn nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt như được vay vốn ưu đãi, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn mới, dạy nghề miễn phí, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở…

 Thời gian qua, tỉnh tập trung các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong dân, tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn nhất để giảm nghèo nhanh, bền vững. Sở Lao động TB&XH chủ động phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do Ngành làm chủ. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tổ chức thực hiện, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Hiện nay tỉnh đang thực hiện các bước quy trình Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở đó sẽ có sự đánh giá, phân loại và triển khai các giải pháp phù hợp.

 Cùng với đó, các chương trình, dự án về Bảo trợ xã hội cũng được thực hiện đồng bộ. Các đối tượng xã hội được tạo điều kiện để tiếp cận các chính sách và các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng. Các đối tượng này được quan tâm, đáp ứng các nhu cầu cơ bản về vật chất và tinh thần. Tổng đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội tại cộng đồng là 66.986 người với kinh phí hàng năm là 282.908 triệu đồng.

Tiền Giang là địa phương luôn được đánh giá cao trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được.

Ông Trần Vĩnh Hưng: Năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em, nên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với Dự án truyền thông, giáo dục vận động xã hội về bảo vệ trẻ em, đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được xã hội hóa, các nhà hảo tâm tham gia giúp đỡ  trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ngày càng tăng. Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được từ 10 - 15 tỉ đồng, kịp thời hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tiếp tục học tập, chữa bệnh,... Qua đó giúp trẻ em học giỏi, ngày càng có nhiều cơ hội hoàn thiện đạo đức, nhân cách và phát triển tài năng. Đối với Dự án nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em, có 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực công tác, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về phòng chống tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em hàng năm.

Các mục tiêu, chương trình hành động vì trẻ em đã từng bước được xã hội hóa nên đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy sinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 12%, thể nhẹ cần giảm xuống còn 8,7%. Bên cạnh đó, có 100% lãnh đạo xã, phường, thị trấn và cộng tác viên của 1.025 ấp, khu phố được tập huấn năng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động được 12,16 tỷ đồng qua đó đã tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ cho 8.120 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động như chương trình “Tiếp sức đến trường”, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảng đặc biệt, khó khăn, hỗ trợ máy trợ thính cho trẻ em khiếm thính, phẫu thuật tim miễn phí...

Mô hình nuôi dê giúp dân thoát nghèo hiệu quả ở Tiền Giang

Xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong hoạt động phòng chống tệ nạn xã hội ở Tiền Giang.

Ông Trần Vĩnh Hưng: Tình hình tệ nạn mại dâm, mại dâm trá hình thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các địa phương nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 Năm 2016, thực hiện công tác tuyên truyền, Sở Lao động – TB&XH đã in trên 40 ngàn tờ bướm nội dung về phòng chống mại dâm, công tác cai nghiện ma túy cấp phát đến các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền đến người dân. Lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của các ngành, các địa phương trong quần chúng nhân dân được 9.672 cuộc với 154.068 lượt người tham gia. Triển khai thực hiện mô hình xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm năm 2016 tại 02 xã, phường. Mô hình chính sách quản lý, hỗ trợ người mại dâm, người nguy cơ hoạt động mại dâm tái hòa nhập cộng đồng tại 02 xã, phường.Đến nay các mô hình đều hoạt động tốt và phát huy hiệu quả.

 Nhờ vậy, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 133 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm. Nâng tổng số xã, phường, thị trấn lành mạnh 03 năm liền là 52 xã, phường, trong đó có 12 xã, phường đạt lành mạnh 05 năm liền.

 Năm 2017 ngành Lao động TB&XH triển khai khá nhiều chương trình trọng điểm. Tiền Giang sẽ tập trung vào những lĩnh vực cơ bản nào?

Ông Trần Vĩnh Hưng: Năm 2017, mục tiêu của Tiền Giang là tạo việc làm cho 20.000 lao động, trong đó riêng xuất khẩu lao động là 150 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,37%. và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 47%.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh -  liệt sĩ; Tham mưu tổ chức cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thăm tặng quà gia đình chính sách. Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 10 tỷ đồng đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi người có công. Tiếp tục xử lý các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công. Tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp một lần, hỗ trợ người có công về nhà ở giai đoạn II. Đưa người có công đi điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm  điều dưỡng ở Khánh Hòa, Lâm Đồng và Kiên Giang. Nâng cấp và sửa chữa các công trình Nghĩa trang liệt sĩ…

 Để đạt được mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, duy trì thường xuyên các phiên giao dịch việc làm định kỳ, nâng cao chất lượng hoạt động, mời gọi nhiều đơn vị tham gia giải quyết việc làm. Tiếp tục thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm, chú trọng đến các dự án phi nông nghiệp để tạo thêm nhiều việc làm, kết hợp với dự án dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Huy động nguồn vốn khoảng 124,369 tỷ đồng đề xây mới 1.983 căn và sửa chữa 2.252 căn nhà cho đối tượng chính sách, người có công.

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh