Tiền Giang: Chi hơn 859 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn trong mùa dịch bệnh Covid-19
- Dược liệu
- 02:38 - 07/05/2020
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị, với sự tham gia của 30 đại biểu là Phó Chủ tịch 11 huyện, thành, thị; lãnh đạo các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang (LĐ-TB&XH), thực hiện Công văn số 1864/UBND-VHXH của UBND tỉnh Tiền Giang về việc triển khai thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang đã đề xuất chi hỗ trợ làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: chi hơn 230 tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng thuộc nhóm 5 (9.405 người có công và 6.526 thân nhân người có công), nhóm 6 (71.279 người thuộc nhóm Bảo trợ xã hội) với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/người/tháng trong 3 tháng, nhóm 7 (12.679 hộ nghèo và 17.677 hộ cận nghèo) với mức 250 ngàn đồng/người/tháng trong 3 tháng và một phần đối tượng nhóm 4 (bán vé số lẻ) với 1.050.000 đồng/người. Kết thúc giai đoạn 1 có 90% người dân được nhận tiền hỗ trợ.
Giai đoạn 2: dự kiến chi hơn 629 tỷ đồng từ tháng 5 đến tháng 7/2020 với các đối tượng thuộc nhóm 1 (làm việc theo hợp đồng lao động) với mức 1.800.000 đồng/người; hỗ trợ vay vốn cho nhóm 2 (người sử dụng lao động), nhóm 3 (hộ kinh doanh cá thể). Hỗ trợ 1 triệu đồng/người trong thời gian không quá 3 tháng với 500 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 117.679 người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm.
Tại Hội nghị các đại biểu đã trình bày những khó khăn trong công tác hỗ trợ như phần mềm còn lỗi, chưa có chế độ tiền xăng cho cán bộ xã tham gia điều tra, lập danh sách; bổ sung một số đối tượng là cấp dưỡng các trường mầm non tư thục, người bán căn tin trong nhà trường… Chính sách chung toàn tỉnh cần nghiên cứu thực kỹ, nguồn kinh phí chi cho các đối tượng phải chú ý việc chi cho nâng lương vào tháng 7/2020 sao cho đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị cần sớm rà soát các đối tượng; bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ; thực hiện nhanh các tiến độ hỗ trợ; tăng cường công tác tuyên truyền về dịch bệnh, song song với tuyên truyền chính sách hỗ trợ; kiểm tra, giám sát và phát huy trách nhiệm của UBND các huyện, thành, thị để hỗ trợ đúng đối tượng, không thiếu, không trùng lắp.