THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:21

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn

 

Trong nhiều thập kỷ qua, nhằm đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ cao, nhà nước đã đặc biệt chú trọng phát triển năng lượng. Việc thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải phân phối các nguồn năng lượng được chú trọng đẩy mạnh. Mặc dù vậy, theo dự báo của các chuyên gia vẫn có khả năng mất cân đối về cung-cầu năng lượng.

Tác phẩm đạt giải tại cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng lần VII do Bộ công thương tổ chức (ảnh/Tổng cục Năng lượng cung cấp)

Những giới hạn về trình độ công nghệ, về nguồn tài chính, về năng lực đầu tư… là nguyên nhân làm cho việc cung cấp năng lượng không theo kịp mức tăng của nhu cầu sử dụng năng lượng. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt cung cấp năng lượng như khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nguồn điện; áp dụng biểu giá than, dầu, điện và khí hợp lí,…mặt khác Nhà Nước và Chính Phủ đã khuyến khích toàn dân đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện các Chương trình tiết kiệm điện hàng năm, thể chế hóa bằng việc ban hành Luật về Sử dụng năng lượng TK&HQ tại kỳ họp Quốc hội khóa XII (có hiệu lực từ ngày 1/1/2011); đồng thời ban hành các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), giai đoạn 2011-2015.

Qua 5 năm có hiệu lực thi hành, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có tác động sâu rộng trong toàn xã hội, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động phong phú được tổ chức nhằm cụ thể hóa các nội dung được phát động trong Chương trình mục tiêu quốc.

Hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng đã huy động được sự tham gia đông đảo và toàn diện của các cơ quan, ban ngành, từ các cơ quan của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan doanh nghiệp, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, góp phần đắc lực đưa thông tin lan tỏa sâu rộng vào cộng đồng xã hội. Theo điều tra ban đầu, đến nay đã có hơn 85% dân số Việt Nam được tiếp cận, biết và hiểu về tiết kiệm năng lượng. Các kiến thức về tiết kiệm năng lượng cũng đã được đưa vào các chương trình đào tạo, các giờ sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học - hoạt động này được tin tưởng sẽ mang lại những hiệu quả lâu dài và bền vững khi xây dựng được ý thức tiết kiệm năng lượng ngay trong trong lứa tuổi hình thành nhân cách của các em học sinh.

Về các hoạt động thúc đẩy thị trường thiết bị hiệu suất cao, đã có những hiệu quả bước đầu, với hệ thống các văn bản pháp lý, các tiêu chuẩn, các phương pháp thử nghiệm được ban hành. Đến nay đã có 7 cơ sở thử nghiệm được Bộ Công thương ủy quyền để thử nghiệm các sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng. Hoạt động dãn nhãn được triển khai quy mô rộng, đã đạt được kết quả khả quan với tổng số 634 công ty, 13 chủng loại sản phẩm và 6268 sản phẩm đã được dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Quan trọng hơn, nhận thức và sự quan tâm của người tiêu dùng cũng được cải thiện rõ rệt, người dân đã chủ động chọn mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng chứ không quan tâm thuần túy về giá cả hay thương hiệu như trước đây.

 

Tiết kiệm điện bằng năng lượng mặt trời (ảnh/Tổng cục năng lượng cung cấp) 

Các hoạt động về áp dụng quy chuẩn tiết kiệm năng lượng cho các công trình xây dựng và trong hoạt động giao thông vận tải cũng được đánh giá có những chuyển động tốt. Bộ Xây dựng đã ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về năng lượng cho các tòa nhà xây dựng mới, tổ chức các hoạt động giới thiệu các thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng và khuyến khích ứng dụng cho các tòa nhà. Về tiết kiệm năng lượng trong ngành Giao thông vận tải, được đánh giá là ngành tiêu thụ năng lượng chỉ xếp thứ 2 sau ngành công nghiệp, các chuyên gia đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc quy hoạch các tuyến vận tải, quản lý phương tiện giao thông và xây dựng các chương trình sử dụng năng lượng thay thế để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắt cần tháo gỡ như: vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng năng lượng; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng năng lượng trong các ngành chưa đồng bộ, thiếu chuyên gia công nghệ; vốn đầu tư ban đầu cho các dự án TKNL, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực sử dụng năng lượng…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai chương trình mục tiêu qốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2105, nhiều đại biểu đồng tình trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng sơ cấp, chương trình tiết kiệm năng lượng là giải pháp tối ưu nhất, đáp ứng được các tiêu chí trong chính sách phát triển bền vững, đồng thời cho rằng tiềm năng về sử dụng NL một cách TK&HQ Việt Nam có thể đạt được, nếu như các hoạt động được thực thi một cách hiệu quả và liên tục.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng để đạt được kết quả đó là việc không hề đơn giản, việc tiết kiệm điện còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhận thức của một số bộ phận người dân và doanh nghiệp về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế; hệ số đàn hồi (tỷ lệ tốc độ tăng nhu cầu điện/tốc độ tăng trưởng GDP) của Việt Nam vẫn còn cao, thể hiện hiệu quả sử dụng điện còn thấp của nền kin tế; phụ tải của một số ngành, lĩnh vực tăng đột biến, vượt quy hoạch cũng là một khó khăn trong công tác này; nguồn vốn, tín dụng đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng còn hạn chế; chưa ban hành định mức tiêu hao năng lượng/một đơn vị sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp; công tác kiểm tra và giám sát chưa thường xuyên, mức xử phạt chưa đủ tính răn đe./.

Lê Hoàng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh