CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Tiềm năng của Doanh nghiệp trong việc Thúc đẩy Tăng trưởng và Bình đẳng

 

Báo cáo đưa ra các mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp có thể áp dụng để theo đuổi cả mục tiêu bền vững tài chính và các kết quả tốt đẹp khác về xã hội, cộng đồng và môi trường. Điều này nhất quán với tầm nhìn được đưa ra trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 hướng tới một nền kinh tế khu vực có sức bật, phát triển toàn diện và lấy con người làm trung tâm.

Nhu cầu đối với các công ty có giải pháp thị trường để giải quyết các thách thức về xã hội và môi trường ngày càng cao. 64% người dân Đông Nam Á nói rằng họ sẽ trả giá cao hơn cho các công ty quan tâm đến các yếu tố ngoài lợi nhuận; con số này cao hơn phần lớn các quốc gia phát triển. Đầu tư có tác động xã hội đang tăng với 3,6 tỷ đô-la đã được chi tại Đông Nam Á. Các nhà đầu tư và các chính phủ ngày càng dành nhiều ưu đãi và đặt nhu cầu cao đối với các mô hình kinh doanh có đạo đức và trách nhiêm.

Đông Nam Á đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, phần lớn từ các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ trong vòng không quá 5 thập kỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng từ 37,6 tỷ đô vào năm 1970 lên 2,6 nghìn tỷ đô vào năm 2016.

Đáng tiếc là, mặc dù nền kinh tế đã có nhiều bước tiến, sự phân hóa giàu nghèo vẫn tiếp tục tăng. Trong khi Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều tỷ phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, vẫn còn hơn 70 triệu người tại Đông Nam và Đông Á bị thiếu ăn. Tại Việt Nam, số tiền mà người đàn ông giàu có nhất quốc gia này kiếm được trong một ngày nhiều hơn số tiền mà người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm. Bốn người đàn ông giàu có nhất Indonesia có lượng của cải nhiều hơn 100 triệu người cộng lại; và tại Thái Lan, 56% của cải của quốc gia thuộc về 1% người giàu có nhất.

Vì sự tăng trưởng và bất bình đẳng là kết quả của việc kinh doanh, doanh nghiệp có tiềm năng lớn nhất trong việc thay đổi các động lực chia sẻ thịnh vượng theo hướng bao trùm và có trách nhiệm hơn.

Từ các sáng kiến thúc đẩy tính bền vững về xã hội và môi trường trong ngành nông nghiệp và may mặc tại Cambodia và các mô hình kinh doanh bao trùm làm việc cùng cộng đồng nghèo tại Thái Lan và Lào, cho đến các doanh nghiệp xã hội Thương mại Công bằng đưa lợi nhuận trở lại với người sản xuất, rất nhiều mô hình năng động hướng tới kinh doanh công bằng, bao trùm và bền vững hơn đang nổi lên.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, kinh doanh bao trùm là một ngoại lệ thay vì là chuẩn mực chung- Điều này cần thay đổi. Các mô hình kinh doanh này thường là kết quả của mối quan hệ đối tác giữa các doanh nhân, cộng đồng và tổ chức xã hội dân sự như Oxfam. Những liên minh mới này là có ý nghĩa tiên quyết trong việc xây dựng doanh nghiệp bao trùm.

Phát biểu khi công bố báo cáo, bà Lan Mercado, Giám đốc khu vực Châu Á, Oxfam Quốc tế đã nhấn mạnh rằng: “Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp có một nghĩa vụ cơ bản và không thể lay chuyển – đó là tôn trọng quyền của những người lao động và cộng đồng, và phải trả một mức lương để người lao động đủ sống”.

“Trên hết, đó là cơ hội để các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt bằng cách áp dụng các thực hành giúp doanh nghiệp thân thiện với con người và môi trường hơn. Phần thưởng thực sự chỉ có thể đạt được bằng cách cả doanh nghiệp và xã hội cùng hưởng lợi thông qua việc lồng ghép các yếu tố xã hội và môi trường vào cốt lõi của hoạt động kinh doanh".

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh