THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:43

Rủi ro khi cho vay tiền qua 'sàn kết nối'

 

Mỗi nhà mỗi cách tính lãi, tính phí

Chỉ cần lướt vào các trang web như tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, vaymuon.vn… sẽ hiện ra nhiều hình thức chào mời như lãi suất cố định, không nhiều giấy tờ phiền phức, công cụ hỗ trợ trực tuyến giúp quản lý khoản huy động dễ dàng. Hoặc nguồn vốn đầu tư với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, kênh đầu tư hiệu quả giành cho nhà đầu tư.... với lãi suất khoảng 10-20%/năm. Và cũng chỉ cần vài phút là có thể hoàn tất thông tin vay, ngay lập tức hồ sơ của bạn sẽ được chuyển đến người cho vay. Nếu khoản vay được duyệt, sau khi ký hợp đồng bạn có thể nhận được tiền giải ngân thông qua tài khoản ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch của đối tác.

Sơ đồ hoạt động của vay ngang hàng.

 

Theo tìm hiểu, tùy theo hình thức mà số tiền được duyệt vay. Tại web của huydong.com, nếu vay 30 triệu đồng trong 6 tháng, số tiền trả góp hàng tháng là 5,2 triệu đồng. Tổng số tiền phải trả trong 6 tháng là 31,3 triệu đồng. Còn tại vaymuon.vn có lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm).

Trong khi đó, tima.vn lại trực tiếp môi giới người vay với nhà đầu tư. Hai bên tự kết nối và tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Mỗi hồ sơ nhà đầu tư nhận được sẽ trả cho tima 20.000 đồng.

Hiện các công ty cho vay P2P cung cấp các gói vay khá đa dạng, từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua nhà trả góp...

Cũng giống như Uber, Grab là kết nối người có xe ôtô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển, thì ở đây những người có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo của ứng dụng. Nếu chấp thuận cho vay, khoản tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Còn với người đi vay, chỉ cần cài ứng dụng, đăng ký sau đó tải lên ảnh chụp một số giấy tờ liên quan là đã hoàn tất một yêu cầu vay tiền. Cho vay ngang hàng được thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, những doanh nghiệp hoạt động theo loại hình này sử dụng công nghệ Big Data để thu thập tất cả dữ liệu của cả hai phía người cho vay và người đi vay.

Mô hình cho vay P2P chưa được cấp phép tại Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Các công ty này cũng không được trực tiếp huy động hay cho vay nên không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, khi có rủi ro xảy ra thì rất khó để xử lý do thiếu cơ sở pháp lý. Rủi ro ở đây có thể là các sàn giao dịch kết nối này ngừng hoạt động, bị đánh cắp tiền hoặc thậm chí là lừa đảo khách hàng.

Phân tích sâu về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện những công ty môi giới không phải là công ty tài chính, ngân hàng nên cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ có Luật dân sự.

Theo ông Hiếu: "Mô hình này rủi ro cho cả 2 bên cho cho và người đi vay. Hợp đồng giữa 2 bên có rất nhiều thiếu sót và không tuân thủ theo quy định pháp luật bởi người đi vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân. Phía người cho vay chỉ dựa vào những thông tin, điều tra do công ty môi giới cung cấp, không thể thẩm định được. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu công ty môi giới làm ăn bậy bạ thì sao? Chưa kể công ty còn tham gia hoạt động bán hàng đa cấp".

Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Khi vẫn  nằm “ngoài vòng pháp luật”, thì cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật khi có tranh chấp xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để chặn các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình.

VĂN QUYẾT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh