THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:31

Tiếc thương ông Sáu vì dân

 

Nguyên Thủ tướng Võ Văn kiệt thăm công trường NMLD Dung Quất, tháng 12/2007.

Nhưng, về sau, qua suốt cuộc đời hoạt động cách mạng rồi xây dựng bảo vệ đất nước, trải bao thăng trầm của thế cuộc, bao đau thương mình và gia đình mình từng trải cùng nhân dân, bao chiêm nghiệm về lẽ biến lẽ thường trong đời sống, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy trong cái tên bí danh  “Sáu Dân” giản dị của mình mang nặng một lý tưởng: Vì Dân. Đó là lý tưởng có từ thời các vua Trần, có từ thời Nguyễn Trãi, có trong thơ Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát, đặc biệt là trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, có trong những lời kêu gọi thống thiết cháy lòng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Và có trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một truyền thống của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: Yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc chính là để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, để  “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, như Bác Hồ hằng tâm niệm. Hơn mười lăm năm trước, đang giữ trọng trách thủ tướng chính phủ, sau khi thực hiện thành công dự án đường điện cao thế 500KV Bắc Nam dài 1400km, Ông Kiệt đã nghĩ ngay tới miền Trung-một miền đất dữ dằn, khắc nghiệt, nơi có nhân dân rất anh hùng nhưng luôn phải sống trong tình trạng bấp bênh giữa đói nghèo và thiên tai. Và dự án nhà máy lọc hoá dầu và khu kinh tế Dung Quất - Quảng Ngãi đã được tượng hình.

Ngay khi rất nhiều người dân Quảng Ngãi chưa biết tới địa danh Dung Quất, càng không thể biết Dung Quất sẽ là nơi đặt khu công nghiệp lọc hoá dầu đầu tiên trong cả nước, thì Dung Quất đã nằm trong tư duy, dự tính và kế hoạch của thủ tướng Võ Văn Kiệt. Giống như khi ông Kiệt quyết về dự án đường dây 500KV hay dự án quốc lộ Hồ Chí Minh, quyết định của ông Kiệt chọn Dung Quất làm khu công nghiệp lọc hoá dầu không phải đã được mọi ý kiến đồng tình ủng hộ. Nhiều ý kiến phản biện đã được nêu ra, nhiều khó khăn được nhắc tới, nhiều lợi ích được bàn cãi, nhưng cuối cùng, tư tưởng “ Vì Dân” của “Ông Sáu vì Dân” đã chiến thắng. Dung Quất đã được chọn. Không phải như sau này có ai đó nói, vì hình như ông Sáu Dân có “ quê gốc Quảng Ngãi” nên ông mới chọn Dung Quất để đặt nhà máy lọc dầu(!).

Tư tưởng địa phương cục bộ “ quê gốc”, là cái mà suốt đời ông Sáu Dân cảm thấy dị ứng và xa lạ. Ông Sáu Dân chọn Dung Quất làm nhà máy lọc hóa dầu là chọn nơi đặt một điểm tựa, một động lực cho cả miền Trung cất cánh, là tạo những điều kiện cho nhân dân miền Trung thoát cảnh khổ nghèo. Quê hương của ông Sáu Dân chính là nhân dân Việt Nam, dù là nhân dân ở đồng bằng Bắc bộ, nhân dân miền Trung, Tây Nguyên hay nhân dân đồng bằng sông Cửu Long. Làm gì cho nhân dân Việt Nam bớt khổ, thoát nghèo, và tiến tới sung túc chính là ông Sáu Dân đã làm vì quê hương mình.

Ngay trong thời gian Quảng Ngãi phát động “ di dân Dung Quất lấy đất nền cho nhà máy lọc dầu”, ông Võ Văn Kiệt đã không ít lần về tận Dung Quất, gặp người dân ở đó, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ để tìm ra quyết sách hợp lòng dân nhất. Và “Ông Sáu vì Dân” đã chỉ đạo, thay vì “di dân” theo kiểu “bứng sạch gốc”, thì với khu kinh tế Dung Quất nên dùng chính sách “giãn dân” theo kiểu “cài răng lược”, làm sao để các khu công nghiệp vẫn bảo đảm hoạt động bình thường mà người dân Dung Quất - chủ yếu là nông dân - vẫn có thể sống bên cạnh hay ngay trong lòng khu công nghiệp để tham gia làm công nhân, làm dịch vụ, và được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động công nghiệp.

Trong một lần về thăm Dung Quất, ông Kiệt đã nói, đại ý: “Chúng ta làm công nghiệp hoá là để nông dân có cơ hội vươn lên một đời sống dễ chịu hơn, được hưởng lợi trực tiếp từ công nghiệp hoá, chứ không phải để bị bần cùng hoá, bị xua đuổi khỏi mảnh đất bao đời họ đã sống và canh tác, bị gạt ra bên lề của tiến trình công nghiệp hoá.” Tư tưởng vì dân là tư tưởng xuyên suốt, tư tưởng lớn nhất của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đó là tư tưởng và là hành động suốt đời ông, nhưng sự phát triển của nó không hề theo một đường thẳng giản đơn, không phải là chuyện “xưa bày nay làm”. Tư tưởng ấy sáng chói được như ở ngày hôm nay là kết quả của bao thao thức, kiếm tìm, trăn trở, từ sự chân thành nhìn nhận những sai lầm ấu trĩ tới sự quyết liệt trong suy nghĩ trong hành động vì mục tiêu Đổi Mới đất nước và cũng là đổi mới tư duy đổi mới cách nhìn nhận của chính mình.

Những bài báo, những phát biểu gây chấn động trong những năm gần đây của “Ông Sáu vì Dân”, thực ra, đã có gốc rễ từ những năm tháng hoạt động cách mạng, nhất là từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ mà ông Võ Văn Kiệt đã trực tiếp tham gia như một người yêu nước và như một nhà lãnh đạo. Như tư tưởng hoà giải, hoà hợp dân tộc đã có trong ông Kiệt từ những năm Ông trực tiếp phụ trách chỉ đạo công tác binh vận ở Trung ương Cục (Cục R). Tôi có biết chút ít vì khi đó tôi là phóng viên chiến trường thuộc “khu vực binh vận” này, và Ông Sáu Dân là thủ trưởng cao nhất của chúng tôi. Khi Mỹ thực hiện chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” với một biểu tượng hãi hùng là “Thay màu da trên xác chết”, chúng tôi trực tiếp xuống chiến trường để tìm hiểu viết bài đưa tin, đã nhận được những chỉ đạo cụ thể từ “ Tổng hành dinh” của ông Sáu Dân -một ngôi nhà sàn nhỏ trong khu rừng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông.

Tư tưởng xuyên suốt từ những chỉ đạo ấy là: Đây là cuộc chiến tranh của Mỹ, nhưng xương máu lại là của người Việt. Mỹ rồi trước sau gì cũng về Mỹ, còn người Việt ở hai bờ một chiến tuyến thực sự về xương máu nhưng giả tạo về hận thù sẽ sống với nhau thế nào, sẽ nhìn mặt nhau ra sao một khi đất nước hoà bình ? Câu hỏi ấy đã không thể trả lời dễ dàng suốt bao nhiêu năm nay, và “hoà giải hoà hợp dân tộc” luôn là một nỗi niềm đau đáu nhất trong lòng dạ ông Sáu Dân - con người Việt nhân hậu và biết khoan dung này. “Biết tự hào nhưng phải biết khoan dung, đó mới thực sự là người Việt.”.Ông Sáu Dân đã có lần nói như vậy. Biết nén nỗi đau của cá nhân mình, gia đình mình mà nghĩ tới, mà sẻ chia, mà thông cảm nỗi đau của những người dân Việt bình thường khác, kể cả những người Việt vì rất nhiều lý do phải đứng ở chiến tuyến đối lập trong cuộc chiến tranh của Mỹ mà nạn nhân là tất cả người Việt, ông Sáu Dân đã có được cái tâm mà ngày xưa Nguyễn Trãi đã có. Mất ông, là người dân nghèo, người dân thân cô thế cô, người dân phải chịu nghịch cảnh do chiến tranh mất đi một chỗ dựa tin cậy. Nhưng có thể nhân dân và đất nước ta còn mất nhiều hơn thế. Bởi vậy, nơi suối vàng, ông Sáu Dân chắc còn đau vì nhân dân mình, một nỗi niềm thiên thu của những Người Hiền.  

Mười lăm giây

Tôi nhớ, có một lần tôi với Lưu Kiểng Xuân lang thang trong rừng thuộc căn cứ Binh vận. Chúng tôi đi uống rượu ở một Ô cứ khác, cách dăm bảy cây số gì đó, đang trên đường về. Trời nóng, hai anh em lại có hơi men, nên cởi trần, vắt áo trên vai, cho nó mát. Đang đi bộ thì phía đối diện có một nhóm người đi xe đạp.

Người dẫn đầu đoàn ấy, hóa ra, là ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Thấy hai chúng tôi, ông Kiệt chủ động xuống xe đạp, chào hỏi, bắt tay hai thằng lang thang này rất thân tình. Xong lại lên xe đạp đi. Tôi với Tư Xuân cũng bắt tay thủ trưởng của mình một cách vui vẻ, vẫn cởi trần, và áo vẫn khoác vai. Đó là lần duy nhất tôi gặp ông Võ Văn Kiệt. Tất cả chỉ trong khoảng 15 giây. Và tôi thấy ông này được. Giá như người khác, cứ ngồi trên xe đạp, giơ tay chào chúng tôi, cũng xong. Hoặc không thèm chào, cứ thế đạp xe qua, cũng chả ai nói gì. Nhưng ông Kiệt đã xuống xe, đàng hoàng và lịch sự bắt tay chúng tôi, hai thằng lính đang cởi trần. Có thể Tư Xuân thuộc thành phần Ô khách, còn tôi, đâu phải khách, cũng chả là gì. Nhưng ông Kiệt đã hành xử rất văn hóa. Mà đã văn hóa thì chỉ có con người với con người, không cấp dưới cấp trên gì hết.  Đó là cách đối nhân xử thế đẹp của ông Võ Văn Kiệt, để về sau này, giới trí thức hay văn nghệ sĩ Sài Gòn rất Ô chịu. Muốn hòa giải hòa hợp dân tộc, trước hết, phải biết cư xử với nhau cho có văn hóa. Và phải bắt đầu từ nội bộ mình, trước khi thể hiện với người ngoài. Thiếu món Ô văn hóa này thì khoan hãy bàn chuyện khác. Không có gì ngạc nhiên, khi chính ông Võ Văn Kiệt về cuối đời, là người lãnh đạo trăn trở nhất về chuyện « triệu người vui, có triệu người buồn, về hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tiếc thay, ông Kiệt đã về cõi vĩnh hằng khi những tư tưởng tiến bộ nhất của ông chưa có điều kiện trở thành thực tế.        

(Trích Lang thang qua chiến tranh)


Nhà thơ THANH THẢO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh