CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:43

Tiếc nuối Nam Ô

 

Ngôi làng của huyền sử và những dấu tích

Đổ đèo Hải Vân xuôi về phía Nam, làng chài Nam Ô hiện lên thấp thoáng bên khu vực cửa sông Cu Đê ven theo vịnh Kim Liên và vịnh Nam Chơn nay thuộc quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng. Từ lâu không chỉ được biết đến là nơi có phong cảnh hữu tình, mà tại đây còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện huyền sử và những dấu tích từ xa xưa để lại.

Ngược dòng thời gian, xưa Nam Ô thuộc vương quốc Champa. Về sau vào khoảng đầu thế kỷ XIV khi Chế Mân dâng châu Ô, châu Lý cho Đại Việt vào năm 1306 để cưới công chúa Huyền Trân, vùng đất này trở thành cửa ô phía nam của Đại Việt nên có tên gọi Nam Ô và từ đó người Việt bắt đầu di cư đến sinh sống ở vùng này.

Ngôi làng vẫn lưu truyền câu chuyện về trận chiến giải cứu Huyền Trân công chúa nhà Trần. Trên đường trở về Đại Việt, đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung cùng công chúa Huyền Chân có ghé qua làng, quân Chiêm biết được và đến bao vây, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung chỉ huy một toán quân liều chết đánh chặn hậu để Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi trở về Đại Việt. Khi đoàn thuyền đưa công chúa mờ khuất ngoài khơi xa, vị tướng giữ nhiệm vụ đánh chặn hậu anh dũng hy sinh. Về sau để tưởng nhớ vị tướng người dân đã tôn phong ông làm tiền hiền của làng, hàng năm cứ vào ngày 24/6 âm lịch dân làng lại tổ chức giỗ.

Những huyền sử hư hư thực thực vẫn được các thế hệ trong làng lưu truyền, lại càng làm cho sức hấp dẫn của ngôi làng cổ trở nên mãnh liệt với bất kì ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất này. Ngày nay đến với Nam Ô vẫn còn đó những di tích được dân làng đang giữ gìn như: Giếng nước vuông cổ từ thời Champa, Dinh Âm hồn, Lăng Cá Ông, Miếu Bà Liễu Hạnh…

 

 

Nam Ô được thiên nhiên ban tặng một bờ biển cát trắng thoải dài, được che chở bởi ghềnh đá hình chim hạc vươn ra biển khơi và khu rú cấm hay còn gọi là rừng cấm rộng 2ha được dân làng bảo vệ một cách nguyên vẹn và coi đó là một nơi thiêng liêng nhất của cả ngôi làng.

Trải qua nhiều biến thiên và thăng trầm của lịch sử, song cái tên Nam Ô vẫn được giữ nguyên cho đến ngày hôm nay. Nằm ở chân đèo Hải Vân, Nam Ô được coi như cửa ngõ vào thành phố Đà Nẵng, được đánh giá là một nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Ngoài khu rừng cấm, bãi biển thơ mộng, làng Nam Ô còn nổi tiếng bởi nghề làm nước mắm truyền thống.

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, vẻ đẹp của Nam Ô toát lên từ chính con người và cuộc sống bình dị nơi đây. Với những ngôi nhà nhỏ rêu cũ nấp sau rặng dừa, những con thuyền thúng, thuyền nan trải dài bên bờ biển. Những ngư dân làng chài với tấm lưng trần và nước da sạm đen bởi nắng gió miền biển. Tất cả những điều trên đã làm nên cái hồn của vùng đất này.

Ngậm ngùi nhường đất

Sẽ có một Nam Ô rất khác, với khu du lịch có diện tích 36,5 ha bao gồm 57 căn biệt thự hướng biển cao cấp, khách sạn 5 sao, khu hội nghị quốc tế …Theo quy hoạch thì toàn bộ khu rừng thiêng hay còn gọi là rú cấm của dân làng Nam Ô sẽ trở thành khu vực của những nhà hàng sang trọng, bar rượu nhìn ra biển khơi và ngọn Hải Vân hùng vĩ, khi mà dự án khu du lịch Nam Ô đi vào hoạt động.

 

Dự án đã được thực hiện từ năm 2012, tuy nhiên đến nay mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng, hàng trăm hộ dân ven theo bờ biển đã được di rời. Trải dọc bờ biển, ngôi làng chài xưa giờ đây chỉ còn là một đống đổ nát, với những căn nhà tháo dỡ dở dang, những viên gạch viên ngói vỡ nằm ngổn ngang.

Trong khi đó, những người dân Nam Ô trong diện thuộc di rời vẫn đang loay hoay với cuộc sống mới xa làng, xa biển. Ông Ba Chiến một người dân Nam Ô gắn bó với nghề từ thủa mười tám đôi mươi, nay đã ngoài 70 tuổi. Song hàng ngày cứ từ 2 giờ sáng ông lại lên chiếc xe máy từ khu tái định cư trở về làng cũ để tiếp tục công việc chài lưới của mình. Trên con thuyền thúng nhỏ, người đàn ông với mái tóc đã điểm bạc chia sẻ “Thì vẫn làm biển thôi, nếu còn tuổi trẻ từ 20 đến 50 tuổi còn làm được việc khác chứ giờ trên 60 rồi đâu ai người ta nhận, cả cuộc đời đi biển giờ xuống đó cũng chẳng biết làm gì”.

Theo ông Chiến những ngư dân như ông quanh năm chỉ biết gắn bó với biển, giờ về nơi ở mới trên diện tích vỏn vẹn chưa đầy 100 mét vuông chẳng thể chăn nuôi hay trồng cấy gì. Trong khi đó, tổng số tiền đền bù của gia đình ông nhận được là 180 triệu, mua đất tái định cư hết 90 triệu với số tiền còn lại cất cái nhà còn thiếu.

 

 

Không những thế, nhiều ngư dân còn băn khoăn không biết khi khu du lịch hoàn thành hoạt động đánh bắt cá của họ sẽ được tổ chức ra sao, nơi nào sẽ là nơi đậu của bến thuyền. Theo ông Nguyễn Văn Mạnh là một ngư dân địa phương cho biết ” Ở đây chỉ có khu vực cạnh khu rú cấm có ghềnh đá che chở là có con nước thuận lợi cho thuyền bè ra vào, có sóng nhẹ và nước không sâu”.  Đó là một trong số vô vàn những khó khăn mà nhiều ngư dân Nam Ô hiện nay đang phải tìm cách đối mặt.

Rồi đây, làng chài Nam Ô sẽ có nhiều đổi khác. Song, hình ảnh mộc mạc và cuộc sống bình dị của ngôi làng dưới chân đèo Hải Vân sẽ chỉ còn là hoài niệm, để lại sự tiếc nuối cho nhiều người.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh