CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Luyến tiếc một Đà Lạt xanh…

 

Nhà kính, nhà lưới bao vây khu dân cư

Theo số liệu thống kê, hiện Đà Lạt có khoảng 4.400ha nhà kính, 1.200ha nhà lưới, trong khi đó tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ hơn 10.000ha. Diện tích nhà kính hiện đã gấp 5 lần so với 5 năm trước. Nhà kính được phát triển tự do và gần như thả nổi.

Nhà kính và nhà ở phủ một màu trắng thay thế màu xanh của cây, màu xanh đỏ tím vàng của hoa.

 

Dạo quanh các phường của Đà Lạt, trừ các phường 1 và 2 còn lại từ phường 3 đến phường 12 đều thấy nhà kính mọc che phủ trắng cả một vùng. Nhà kính mọc lên ở đâu, mảng xanh, rừng thông dần biến mất tới đó. Đặc biệt, tại các vùng trọng tâm sản xuất nông nghiệp như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12 nhà kính vây mọi ngóc ngách, là máng nước xối thẳng xuống kênh mương…

Ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận, ở nơi nào có trồng rau, hoa thì nơi đó có nhà lưới, nhà kính. Những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính được thống kê có diện tích và mật độ lớn nhất là Phước Thành, Vạn Thành và Thái Phiên. Nếu đứng ở một quả đồi nào đó, có thể thấy nhà kính phủ trắng ở những khu vực này, tạo thành một vành đai bao lấy vùng dân cư nằm ở trung tâm Đà Lạt. Đi vào làng hoa Thái Phiên, tứ phía là nhà kính.

Làng hoa Vạn Thành có lượng nhà kính ít hơn và cũng ít ngột ngạt hơn nhờ có khoảng thở được tạo ra bởi những vườn rau canh tác ngoài trời của người dân. Bà Nguyễn Minh Thu, nông dân làng hoa Vạn Thành, Phường 5 cho biết: “Nhà kính mọc lên nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá nhà kính rẻ nên ai trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính. Có nhà kính thì không lo nắng mưa, rau hoa có năng suất cao, nhưng mấy năm nay ở đây lúc nắng thấy nóng hơn, lúc mưa thì dễ ngập hơn. Chỉ cần mưa khoảng 30 phút là nước không biết thoát đâu cho hết”.

Hồ Than Thở (Phường 9, Đà Lạt) là điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt đang trong tình trạng bị các nhà kính trồng rau áp sát đến tận mép hồ, khiến cảnh quan của khu du lịch này thay đổi.

Theo TS.Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, nhiều người nhầm lẫn việc làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nhà kính, nhà lưới, màng bọc nên tình trạng nhà kính phát triển tràn lan gây biến đổi khí hậu, hệ sinh thái TP.Đà Lạt. Nhà kính, về cơ bản chỉ có tác dụng với những vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt. Sự phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao đem lại lợi nhuận kinh tế cao, bỏ xa giá trị kinh tế trồng cây nông nghiệp, rau hoa truyền thống. Điều này phụ thuộc nhiều yếu tố: kinh nghiệm, giống mới, độc, lạ, cho năng suất cao hoặc nhờ gắn mác “hàng sạch, chất lượng cao”...

Là người có nhiều năm nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long lo ngại: Xây dựng nhà kính tràn lan sẽ gây 3 tác động tiêu cực cho môi trường là tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến chất lượng đất và ô nhiễm nguồn nước. Đà Lạt đang “nóng” vì nhà kính sát nhau, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt. Theo ghi nhận nhiệt độ ở những khu nhà kính tăng trung bình 3 – 5 độ C so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết. Số liệu cho thấy, nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã tăng trung bình 1 – 1,5 độ C và biên độ nhiệt giãn thêm 3 độ C trong 10 năm qua.

Tìm kiếm cây trồng có độ che phủ cao thay nhà kính

Hiện Đà Lạt cũng đang bị ô nhiễm nguồn nước, thoái hóa đất, dịch bệnh cây trồng bùng phát. Nguyên nhân là do nông dân lạm dụng nhà kính và lối canh tác chuyên canh. Quá trình chuyển những loại cây trồng quen sống ngoài trời vào nhà kính, có nguy cơ xâm nhập của sâu bệnh. Rệp cây, bọ ve và bọ trĩ dễ dàng được phát tán vào môi trường gây ra bệnh dịch nguy hiểm. Bệnh nấm ký sinh cây trồng cũng bủa vây nhà kính. Để khắc phục điều này, nông dân buộc phải tăng cường dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bệnh dịch có thể dứt một thời gian, nhưng sẽ sớm quay trở lại…

Nông dân trồng hoa trong nhà kính.

 

Những năm gần đây, hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, ở khu vực hạ lưu suối Cam Ly và dọc suối Phan Đình Phùng đã được cơ quan chức năng ghi nhận. Đà Lạt và huyện Đơn Dương gần đây đã xảy ra những trận lũ lụt kinh hoàng, nước ngập trong khu dân cư sâu cả mét. Cá biệt, có những căn nhà bị ngập sâu gần nóc!

Theo định hướng của tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2020, diện tích canh tác rau khoảng 20.000ha, trong đó 75% diện tích ứng dụng công nghệ cao; diện tích canh tác hoa khoảng 2.800ha, trong đó 90% diện tích ứng dụng công nghệ cao. Điều đó có nghĩa chỉ 2 năm nữa, nhà kính và nhà màng bọc sẽ phát triển nhiều hơn nữa…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết, tỉnh đã ghi nhận những vấn đề liên quan đến nhà kính và đã chỉ đạo các ngành, các bộ phận liên quan tìm cách tháo gỡ, xử lý để phát triển bền vững. Ngoài ra, hạn chế tối đa những tác động không mong muốn của sản xuất nông nghiệp trong nhà kính đối với môi trường, quy hoạch và hoạt động du lịch của địa phương. 

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện nghiên cứu những tác động của nhà kính đến môi trường Đà Lạt để có thể có những giải pháp ngắn, dài hạn chính xác. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT đưa ra quy cách nhà kính phù hợp với địa phương. Về phía TP Đà Lạt, yêu cầu địa phương tuyên truyền với người dân về việc hạn chế sử dụng nhà kính trồng trọt nếu không cần thiết. Bên cạnh đó nghiên cứu các loại cây trồng nên và không nên dùng nhà kính để người dân theo đó áp dụng, điều này không chỉ tăng hiệu quả sản xuất, giảm diện tích nhà kính mà còn tiết kiệm cho nông dân. Cơ bản là hình thành khung pháp lý để quản lý hợp lý loại hình canh tác áp dụng nhà kính. “Với tư cách nhà khoa học, tôi cũng tham gia tìm kiếm những loại cây trồng ngoài đất có thời gian sinh trưởng nhanh, độ che phủ cao. Trong số đó có cây siêu quả Magic S”, ông Phạm S cho biết.

Một Đà Lạt đẹp xinh, tươi xanh, đầy sức sống với cỏ cây, hoa lá, rừng thông với những gam màu xanh, đỏ, tím, hồng... rực rỡ đón chào du khách đang dần mất đi thay vào đó là một màu trắng xóa của nhà kính trồng rau, trồng hoa công nghệ cao. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu cũng như hướng dẫn người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi kèm với bảo vệ môi trường sinh thái để Đà Lạt luôn là thành phố xanh, thành phố mộng mơ, là điểm đến của du khách.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh