Thuyền năng lượng mặt trời cải tiến của nông dân Đồng Tháp
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 20:53 - 08/11/2016
Hơn hai tháng nay, "kỹ sư nông dân" Huỳnh Thiện Liêm (xã Trường Xuân, Tháp Mười, Đồng Tháp) đi sớm về khuya cùng cộng sự Huỳnh Văn Trăng và một số công nhân cải tiến chiếc thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời. Ông từng giới thiệu mô hình thuyền tại hội chợ công nghệ Techmart 2015 ở Hà Nội khiến nhiều người chú ý, một số đơn vị đặt hàng để phục vụ du lịch.
Ông Liêm (áo xanh) cùng cộng sự liên tục cải tiến chiếc thuyền hoạt động hiệu quả hơn. Ảnh: Hoàng Phương.
Chiếc thuyền ban đầu hoạt động trên nguyên tắc tích trữ năng lượng từ ánh sáng mặt trời qua tấm pin rồi nạp vào bình ắc quy, giúp chạy khoảng 30 km liên tục trong 3 tiếng với vận tốc 8-12 km/giờ. Thuyền được đánh giá là phương tiện đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng được năng lượng xanh để khai thác du lịch.
Cuối năm 2015, ông Liêm hoàn thành 6 chiếc để vườn quốc gia Tràm Chim chạy thử nghiệm đưa đón khách tham quan. Nay thuyền được cải tiến để tăng vận tốc, dung lượng pin, thêm động cơ, chở thêm nhiều người. Kết cấu thuyền được ông Liêm chuyển từ một thân sang hai thân, rộng hơn để đảm bảo an toàn, không bị chòng chành và chở được khoảng 8 người thay vì 4 người như trước đây.
Thân thuyền thay đổi làm diện tích mui rộng ra, thuận lợi cho việc lắp đặt tấm pin có dung lượng lớn ở phía trên. Ngoài pin năng lượng mặt trời, ông Liêm lắp thêm bộ phát điện hoạt động theo nguyên lý của turbine nước, lợi dụng dòng nước chảy ngược về phía sau khi thuyền đi về phía trước, bổ sung năng lượng nạp vào ắc quy.
"Năng lượng từ tấm pin cùng với bộ turbine nước nâng công suất điện hoạt động cho thuyền từ 40 lên 60%. Đây là cải tiến quan trọng mà thuyền cũ chưa có", ông cho biết. Ngoài ra, bộ động cơ được đặt bên trong thuyền và cơ cấu lái bằng vô lăng giúp người điều khiển dễ hơn, động cơ hoạt động ổn định.
Thuyền cải tiến chạy thử nghiệm trên sông miền Tây mùa nước nổi. Ảnh: Hoàng Phương.
Việc cải tiến hầu như mình ông Liêm mày mò tự làm. Ba "lão khùng" tham gia sáng chế chiếc thuyền trước đây giờ chỉ còn ông Huỳnh Văn Trăng chịu trách nhiệm lắp ráp các bộ phận với nhau. Ông Nguyễn Văn Dũng phụ trách cơ khí đã lên Sài Gòn. Bộ phận chân vịt do ông Thái Văn Hoàng sản xuất sẵn, chỉ cần đến mua.
Trong tiếng động cơ rè rè của những thuyền máy chạy trên sông mùa nước nổi, ông Liêm miệt mài cho thuyền năng lượng chạy thử. Việc cải tiến cơ bản đã xong, giá thành mỗi chiếc theo thiết kế mới trên 100 triệu đồng, giảm một ít so với trước. Đầu ra cho sản phẩm có, việc cải tiến không gặp trở ngại song việc sản xuất thuyền năng lượng của ông Liêm không hề suôn sẻ bởi không có vốn.
Ông kể, sau khi mang mô hình thuyền đi hội chợ công nghệ Techmart, một số đơn vị du lịch trong Nam ngoài Bắc ngỏ ý đặt hàng, có nơi đặt số lượng lớn hàng trăm chiếc. Ông chưa cung ứng được vì chỉ có một cửa hàng thiết bị năng lượng mặt trời nho nhỏ, không có mặt bằng cơ sở sản xuất nên phải thuê xưởng làm bên ngoài. Thuyền được làm thủ công nên mất hơn hai tháng mới hoàn thành một sản phẩm. Nếu có xưởng sản xuất và được đầu tư thì thời gian chế tạo sẽ rút ngắn xuống còn hơn một tháng.
Một năm qua, tiềm lực kinh tế của ông Liêm dồn cả vào 6 chiếc thuyền đang chạy thử nghiệm ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Số sản phẩm này chưa chính thức bàn giao nên chưa thể quyết toán khiến ông không có kinh phí sản xuất thuyền mới. Ông Liêm vay mượn nhiều nơi để có đủ tiền làm thêm hai chiếc, giao cho Khu du lịch sinh thái Mùa Xuân của tỉnh Hậu Giang vào tháng 6/2016.
"Tôi chỉ mong có đối tác quan tâm, hỗ trợ vốn, nhanh chóng thương mại hóa sản phẩm, cung ứng ra thị trường và nhận được sự hỗ trợ về tài chính lẫn công nghệ của các quỹ nghiên cứu, phát triển khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ để tiếp tục đầu tư, nghiên cứu sản phẩm làm lợi cho nhà nông", ông nói và cho biết hơn một năm trước đã làm đơn đăng ký sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) nhưng phải chờ ba năm sản phẩm mới được công nhận.
Thuyền được cải tiến từ dạng một thân sang hai thân để chở được nhiều người hơn. Ảnh: Hoàng Phương.
Tóc bạc nhiều hơn, đôi mắt đỏ ngầu vì nhiều đêm mất ngủ lo cho chiếc thuyền, kỹ sư nông dân xứ sen hồng còn đang ấp ủ sáng chế thêm thiết bị bay điều khiển từ xa để phun thuốc trừ sâu. "Cái này không mới nhưng hiện thị trường người ta làm giá thành cao quá. Nông dân thường mua sẵn một chiếc và gắn đồ phun xịt vào. Còn mình tính chế sản phẩm lắp ráp sao cho giá phải rẻ", ông nói và tính xa đến chuyện thành lập đội phun xịt thuốc hoạt động ở các tỉnh miền Tây.
Nhiều đêm nằm nghe chồng thở dài tính vốn, tính cải tiến, bà Mai Linh khuyên ông từ bỏ việc sản xuất thuyền năng lượng. Bà kể cha mẹ, người thân hai họ đều khuyên nhưng ông không bỏ được vì đam mê. "Mình chỉ muốn làm những việc nhỏ, như đi lắp pin năng lượng, thu vài triệu là xong mà không phải lo lắng nhiều. Nhưng nói ảnh không nghe thì đành chịu, giờ chỉ biết cùng đi, cùng làm để động viên ảnh", bà thở dài nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, khi Tràm Chim nhận 6 chiếc thuyền năng lượng để chạy thử nghiệm thì thấy có nhiều lợi ích như thân thiện với môi trường, khách nước ngoài thích bởi không gây tiếng ồn.
Song vì khai thác du lịch phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu nên Vườn quốc gia Tràm Chim đã yêu cầu ông Liêm cải tiến để thuyền đạt vận tốc như đăng ký 15 km/h, bắt mắt hơn, chạy được lâu, chở nhiều người. Khi đó, đơn vị này mới có thể nghiệm thu và trả tiền cho sản phẩm. "Chúng tôi rất ủng hộ thuyền năng lượng mặt trời nhưng sản phẩm phải đạt yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn khi di chuyển trên sông nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao", ông Hùng nói.