Thừa Thiên Huế: Nguy cơ ngập lụt trở lại khi các hồ thủy điện, thủy lợi điều tiết lũ để ứng phó cơn bão số 13
- Tây Y
- 01:54 - 11/11/2017
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế họp triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 13
Trưa nay 10/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức họp đánh giá công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra trong những ngày qua và triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 13.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung Ương, hồi 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh này đã đầy, mực nước trên các sông Hương và sông Bồ đã xuống nhưng vẫn còn đang ở trên mức độ I.
Nhằm chủ động với mưa lớn do cơn bão số 13 gây ra, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện cần phải xả lũ để chủ động đón lũ khi có mưa lớn trong những ngày tới. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Tả Trạch, A Lưới, Hương Điền và Bình Điền được yêu cầu điều tiết nước qua cống sâu, qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến về vùng hạ du theo quy trình được phê duyệt bắt đầu từ 13h ngày 10/11.
Bắt đầu từ 13h chiều 10/11, hồ Tả Trạch điều tiết lũ để chuẩn bị ứng phó cơn bão số 13
Căn cứ bản tin dự báo thời tiết của trung tâm khí tượng thủy văn, trước 48 -72 giờ, Ban Chỉ huy PCTN&TKCN Thừa Thiên Huế sẽ điều chỉnh dần theo đó để báo động có điều tiết lũ về để người dân cảnh giác; đồng thời các hồ sẽ vận hành theo quy trình hướng dẫn cụ thể.
Trong quá trình điều tiết lũ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu dừng tất cả hoạt động của các tàu thuyền du lịch trên sông Hương và sông Bồ; các hộ nuôi nuôi lồng thủy sản trên soogn Hương, sông Bồ, đầm phá, cửa sông ven biển chủ động neo đậu để an toàn.
Bên cạnh đó, để phòng tránh những thiệt hại do cơn bão số 13 có thể gây ra, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm cấm tất cả các tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra.
Khi mà đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 chưa dứt, nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế lại đối diện nguy cơ ngập lụt trở lại
Tại cuộc họp, ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã nhắc nhở một số địa phương chưa thực hiện tốt việc phòng chống trong đợt mưa lũ vừa qua và yêu cầu cần khẩn trương rút kinh nghiệm. Theo ông Lưu, một số địa phương vẫn còn bị bất ngờ trước tình hình mưa lũ, chưa chủ động thu hoạch thủy sản nuôi trên lồng bè và trên vùng đầm phá nên đã có thiệt hại lớn; đặc biệt một số trường hợp người chết trong mưa lũ đều do bất cẩn khi đi lại trong mưa lũ, vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến cần phải tăng cường hơn nữa.
Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế yêu cầu các Sở, ngành và Ban quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều tiết mực nước hồ chứa; lưu ý là việc điều hành và điều tiết hợp lý, chủ động, bám sát dự báo lượng mưa để tính toán kỹ mực nước đến và đi nhằm đảm bảo an toàn hồ đập. Các địa phương tiếp tục rà soát vùng ngập lụt, vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở để thực hiện công tác di dân, nhất là các hộ dân vùng biển để phòng tránh bão số 13, tiếp tục nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trách trú an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra để kịp thời cứu đói cho những hộ dân vùng thấp trũng ngập nước còn bị cô lập và kiểm tra lượng hàng dự trữ để bảo quản và cấp phát cho người dân kịp thời cho những ngày mưa lũ tới.