THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:43

Thương xá Tax Sài Gòn: Nhìn lại 136 năm phát triển

 

Hôm nay (12/10), chủ đầu tư tiến hành tháo dỡ Thương xá Tax Sài Gòn để xây tổ hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng mới cao 40 tầng. 6 tầng ngầm của tòa nhà mới sẽ được nối thông với tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. 6 tầng đế của tòa nhà sẽ được xây giật cấp, theo hướng bảo tồn thiết kế nguyên thủy của Thương xá Tax. Trước khi phá dỡ, cùng nhìn lại chặng đường phát triển của Thương xá Tax:

Thương xá Tax có một lịch sử lâu đời và được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa. Ban đầu, nơi này mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Công trình tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của Sài Gòn, ngay trung tâm quận 1.(VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

GMC kinh doanh các mặt hàng sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (nay là UBND TP HCM), Thương xá Tax góp phần tạo nên một "Hòn ngọc Viễn Đông" tao nhã và sôi động bậc nhất châu Á thời bấy giờ. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Về sau, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa. Chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại bền vững. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Sau ngày giải phóng, Thương xá Tax được giao lại cho UBND thành phố, Tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất. Đến năm 1981, UBNDTP quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Ngày 19/1/1998, dòng chữ Thương xá Tax chính thức được đặt trên nóc tòa nhà, đánh dấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại Thương xá Tax được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà và trở thành điểm tham quan quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách quốc tế. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Tòa nhà với câu chuyện hơn “100 năm lịch sử” đã là một trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam. Dự kiến vào cuối năm nay địa điểm này sẽ được xây dựng thành trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Theo thiết kế, Thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm có trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe. (VNE/Ảnh: Thương xá Tax)

Dù qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa kể từ năm 1942 đến nay, nhưng Thương xá Tax gần như được giữ nguyên hiện trạng. Nơi đây được xếp vào danh sách 5 điểm mua sắm yêu thích nhất của TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều năm nay, đối tượng phục vụ của thương xá này đã bình dân hơn. Người Sài Gòn đến đây không chỉ để mua sắm hàng hóa mà còn là nơi họ thư giãn, giải trí, nghe nhạc, ăn kem hay nhâm nhi những cốc cà phê và ngắm một phần phố phường sôi động. (Ảnh: Lê Quân)

Với khách du lịch, thương xá Tax cũng là một trong những điểm tham quan, mua sắm lý tưởng và cảm nhận phần nào không gian văn hóa của Sài thành. Từ năm 2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Satra làm chủ đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Chủ đầu tư cho biết, việc xây dựng công trình mới sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo tồn các hạng mục bên ngoài của tòa nhà cũ như bảng hiệu, mái che nắng dọc vỉa hè, các đường nét nhịp điệu của kiến trúc khối đế thời kỳ đầu. (Ảnh: Nguyễn Quang - Hải An)

Phục vụ dự án mới, các tiểu thương kinh doanh tại Thương xá Tax phải di dời từ trước ngày 30/9/2014, để bàn giao một phần mặt bằng xây nhà ga của tuyến metro số 1. Thời điểm này, rất đông người dân và khách du lịch đã đổ đến đây mua sắm, cũng như ngắm tòa nhà những ngày cuối cùng. (Ảnh: Nguyễn Quang - Hải An)

Vẫn biết để có được những công trình to đẹp, hiện đại hơn thì việc phá dỡ những công trình cũ là không tránh khỏi. Tuy vậy, tòa nhà đã trở thành biểu tượng quen thuộc và gắn bó với người dân bỗng chốc bị phá hủy khiến nhiều người xót xa, tiếc nuối. (Ảnh: Nguyễn Quang - Hải An).

Hình ảnh bên trong thương xá Tax trước ngày chuẩn bị tháo dỡ. (Ảnh: Lao động)

(Ảnh: Lao động)

(Ảnh: Lao động)

Trong quá trình tháo dỡ, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ quy định bảo tồn loại gạch mosaic và hai cầu thang chính, lan can bên trong tòa nhà. 

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh