THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:35

Thưởng thức đặc sản gỏi cá xứ Thanh

Gỏi cá nhệch đặc sản ở các vùng biển xứ Thanh

Gỏi cá xứ Thanh trước đây có chủ yếu ở các vùng biển như: Sầm Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia…nhưng đến nay, gỏi cá là món chủ đạo của nhiều nhà hàng trên địa bàn Thanh Hóa và các tỉnh. Cá dùng để làm gỏi thường là loại cá ít xương, nặng chừng 3 đến 5 ký. Khi chế biến gỏi, đòi hỏi người làm phải rất tinh tế, cẩn thận từng chi tiết, để khi thưởng thức gỏi cá phải không còn mùi tanh, mà phải giữ được vị ngọt của cá, vị thơm của các hương vị kèm theo.

Ông Lê Văn Bảo, người có kinh nghiệm nhiều năm chế biến gỏi cá ở Nga Sơn cho biết: "Gỏi cá có thể chế biến từ nhiều loại cá, nhưng ở đây chúng tôi chủ yếu chế biến từ cá nhệch. Khi chế biên, cá phải được rửa sạch, dùng dao sắc lọc riêng phần thịt. Thịt cá được thái thành từng lát mỏng và to bản rồi cho vào bát tô to, cứ 1 kg thịt cá thì vắt vào đấy 5 đến 7 quả chanh, trộn đều cho tới khi thịt cá từ màu hồng nhạt chuyển sang màu trắng ngà thì lấy ra và dùng tay vắt kiệt nước rồi để sang một bát sạch khác.

Gỏi cá xứ Thanh được nhiều nhà hàng chọn làm món chủ đạo

Thính để làm gỏi được làm bằng gạo hoặc ngô rang vàng rồi tán nhỏ thành bột, trộn thính với thịt cá đã khô nước sao cho bề mặt của từng miếng thịt đều đã được thính bao phủ, bày lên đĩa.

Tiếp đến là công đoạn làm nước chấm, nước chấm làm rất cầu kỳ, là một trong những yếu tố không thể thiếu khi thưởng thức Gỏi cá. Nước chấm được chế biến với nguyên liệu chủ yếu là da và gan cá, thịt ba chỉ, trứng vịt và các gia vị như hành tỏi khô, mẻ, mắm muối, mì chính, đường, hột tiêu hoặc ớt ... Da và gan cá được băm nhỏ cùng với thịt ba chỉ rồi ướp với mẻ và các gia vị nói trên cho mỡ lợn hoặc dầu ăn vào nồi đun sôi để phi thơm hành tỏi, cho hỗn hợp trên vào sào qua rồi cho thêm vào một ít nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 đến 20 phút. Trứng vịt đập vào bát, đánh tan cho vào nồi khuấy đều, cho thêm muối và bột ngọt cho vừa ăn là được". 

Ngoài ra, rau sống để ăn gỏi cá bao gồm các loại rau thơm thông thường như húng, ngò, răm,… và nhất thiết phải được bổ sung thêm các loại lá như đinh lăng, lá sung, mơ tam thể, cúc tần … Bày tất cả lên nâm, đĩa cá gỏi màu trắng ngà lấm tấm sắc vàng của thính, đĩa rau sống tổng hợp màu xanh lục, bát nước chấm thơm ngào ngạt và đặc sánh, thêm đĩa gia vị gồm ớt, khế, chuối xanh thái thành lát mỏng, vài chiếc bánh đa cùng một chén rượu quê là bữa gỏi cá đã được chuẩn bị một cách hoàn hảo.

Gỏi cá xứ Thanh ngon, bổ dưỡng, ăn một lần nhớ mãi

Cách thưởng thức món đặc sản gỏi cá cũng hết sức dân dã và đặc biệt, du khách dùng thìa san một ít nước chấm vào bát của mình, lấy rau thơm làm bao gói, cuộn một miếng gỏi cá vào giữa, chấm ngập vào nước chấm rồi đưa lên miệng nhai… du khách sẽ tận hưởng được vị ngọt thơm của gỏi cá, mằn mặn, cay cay, beo béo của nước chấm hoà quyện với mùi vị của các loại rau thơm, thật là một cảm giác đặc biệt khó nói hết thành lời.

Anh Phạm Hồng Thắng, du khách từng thưởng thức món gỏi cá tại Nhà hàng Vũ Bảo (TP.Thanh Hóa) cho biết: “Tôi là du khách ở huyện Ngọc Lặc, lần nào có dịp xuống TP.Thanh Hóa tôi không quên ghé thưởng thức món gỏi cá nhệch. Món này ăn vừa ngon, bổ dưỡng, ăn một lần nhớ mãi”. Quả thật như vậy!. Gỏi cá là tinh hoa ẩm thực ngon, bổ dưỡng, được người dân vùng biển xứ Thanh thưởng thức qua nhiều đời nay.

Có dịp về Xứ Thanh, du khách đừng quên thưởng thức món ngon, bổ dưỡng gỏi cá.

Hoàng Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh