THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:00

Thương mại đóng vai trò và động lực của tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo

Sáng ngày 7/3/2017, Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững đã khai mạc tại khách sạn Sheraton Hà Nội.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Tham dự Hội nghị có: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; đại diện 29 tổ chức quốc tế và khu vực ; đại biểu đến từ 38 quốc gia, trong đó không chỉ là các nước không có biển và trung chuyển mà còn có nhiều đối tác phát triển; một số hiệp hội doanh nghiệp quốc tế, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển...

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, năm 2017 là năm thứ hai triển khai Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đây là Chương trình nghị sự đầy tham vọng mang tính chuyển đổi và bao trùm cho người dân, vì người dân và của dân. Đây cũng là chương trình được hỗ trợ bởi đối tác toàn cầu về phát triển bền vững, được định hướng bởi công bằng, chia sẻ trách nhiệm, không để cho bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.

Việt Nam cam kết hoàn toàn với Chương trình nghị sự 2030 và ủng hộ cho các đối tác hợp tác. Việt Nam tin tưởng rằng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với sự tham gia của nhiều bên là hết sức quan trọng để giúp đỡ được các quốc gia, trong đó có quốc gia trung chuyển và quốc gia không có biển, vượt qua được thách thức đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Việc đối tác và hợp tác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi giữa các quốc gia đang phát triển không có biển và các quốc gia trung chuyển sẽ là con đường để có được sự thịnh vượng trong tương lai.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực sự hiểu được giá trị của thương mại, đầu tư đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.

Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác.

Việc này giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với những thị trường trên thế giới, đóng góp nhiều vào thành tựu phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam. Hầu hết là những thành tựu đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia láng giềng, trong đó có việc thúc đẩy kết nối về kinh tế.

Sự thành công, thịnh vượng của các quốc gia láng giềng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của chính Việt Nam và giúp đảm bảo bền vững cho toàn bộ khu vực.

Việt Nam đã thực hiện nhiều bước khác nhau để đẩy mạnh kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt, quốc gia đang phát triển không có biển láng giềng của Việt Nam là nước Cộng hòa Dân Chủ Nhân dân Lào cả về mặt song phương và khu vực.

Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia hạ nguồn sông Mê Công để phát triển hành lang kinh tế, kết nối những khu vực xa xôi với các cảng biển quốc tế…

Một số chương trình, dự án hợp tác điển hình như: Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Bắc Nam; Kế hoạch tổng thế về kết nối ASEAN, Chương trình Một cửa ASEAN; phối hợp cùng Lào áp dụng mô hình kiểm tra Một cửa một lần dừng tại cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh, tạo điều kiện để Lào sử dụng cảng Vũng Áng, xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Gyan Chandra Acharya khẳng định thương mại là yếu tố quyết định để thực hiện Nghị sự Phát triển bền vững 2030. Các văn kiện như Chương trình hành động Viên, Nghị sự Phát triển bền vững 2030 và Chương trình hành động Addis Ababa ghi nhận những thách thức và nhu cầu đặc biệt của các nước không có biển.

Cộng đồng quốc tế cam kết giúp các nước không có biển khắc phục những hạn chế này. Các lĩnh vực hợp tác cần tập trung vào tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các sáng kiến kết nối; cải thiện hạ tầng mềm như khuôn khổ luật pháp, hài hoá thủ tục hải quan, tích cực thực hiện Hiệp định TFA của WTO, tăng cường đầu tư...

Thương mại đóng một vai trò quan trọng và cũng là một công cụ thực thi Chương trình nghị sự 2030, là động lực của tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

 

Ông Frederick MusiiwaMakamureShava, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) cho biết, thông qua các cơ chế đã được khẳng định để nâng cao kết nối hạ tầng, phát triển hạ tầng và kết nối về công nghệ thông tin cũng như cải thiện, tăng cường những quy trình thông quan đẩy mạnh những chương trình thuận lợi hóa thương mại, xây dựng một khung pháp lý về trung chuyển.

Đối tác cũng rất quan trọng để chia sẻ được kinh nghiệm, chính sách tốt nhất về những sáng kiến và giải pháp, thúc đẩy, triển khai các mục tiêu về phát triển bền vững đẩy mạnh hợp tác giữa các quốc gia láng giềng.

Ông Hongbu Wu , Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề kinh tế - xã hội nhấn mạnh, giao thông vận tải bền vững là chìa khóa để đạt được tăng trưởng bền vững, hội nhập kinh tế mà vẫn đảm bảo được môi trường.

Phát biểu của đại diện các tổ chức quốc tế và các quốc gia đều nhấn mạnh vai trò của thuận lợi hoá thương mại trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và khẳng định quyết tâm hợp tác hỗ trợ các nước không có biển và trung chuyển khắc phục khó khăn, hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, bảo đảm không một một quốc gia nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của thế kỷ 21.

Sau phần khai mạc, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì phiên thảo luận “Các sáng kiến tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững của các nước và Tổ chức quốc tế”. Cùng ngày Hội nghị cũng đã có hai phiên thảo luận về vai trò của vận tải để đạt các mục tiêu phát triển bền vững và hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển.

 Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á – Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững diễn ra trong ba ngày từ 7 - 9/03/2017. Hội nghị với 6 phiên thảo luận chính sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy kết nối và thuận lợi hoá thương mại nhằm hỗ trợ các nước LLDC và các nước trung chuyển thực hiện thành công các mục tiêu SDG.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh