THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Ngẫm về cuộc chiến của tướng Ước và luật sư Triển

 

Nhà văn Hữu Ước, nguyên Tổng biên tập báo Công an nhân dân (phải) và luật sư Trần Đình Triển (trái)

Cuộc chiến bùng lên sau khi luật sư Triển đăng bài: “Ông Hữu Ước phù phép biến hơn 28000 mét đất của cán bộ, chiến sĩ báo Công an Nhân Dân đi đâu?”. Đồng thời luật sư này cho rằng, thông tin ông đưa ra là có cơ sở và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn trung tướng Ước khẳng định, những thông tin mà luật sư Triển đưa ra là vu khống, bôi nhọ danh dự của ông. Bởi ông không có sai phạm gì trong dự án trên. Trung tướng Ước cũng cho biết, ông đã có đơn đề nghị Bộ Công an, UBND TP Hà Nội và nhiều cá nhân, cơ quan có thẩm quyền làm rõ vụ việc trên.

Đó là những thông tin được đăng trên nhiều tờ báo. Ai đúng, ai sai chưa tỏ, bởi vụ việc trên chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng qua vụ trên cho thấy, pháp luật của ta hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng. Cùng một vụ việc, một bên là tiến sĩ, luật sư, một bên là người có cấp hàm trung tướng (Nói theo ca sĩ trẻ Sơn Tùng, cả hai đều là những người thuộc dạng chẳng vừa đâu), vậy mà trước một vụ việc cụ thể, bên cho là sai phạm, bên lại là vô can, càng thấy khoảng trống và sự bất nhất của luật pháp, của nhận thức trước một sự kiện pháp luật cụ thể.

Chống lại vấn nạn mê tín dị đoan, người xưa có câu: “Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Đất nơi dung dưỡng sự sống, sự phát triển của nhân loại. Ngợi ca đất mẹ yêu dấu và thiêng liêng, thi hào Chế Lan Viên từng thổn thức: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bổng hóa tâm hồn”. Dẫu mọi chuyện, mọi việc diễn ra trên đời này: Trời biết, đất biết, nhưng do đất “không biết nói năng”, nên hàng ngàn năm qua, đất đã bị bao kẻ đè nén, giày xéo, sử dụng đất để mưu lợi cá nhân. Ở những nơi “đất nghịch”, người lương thiện chỉ biết trông cậy vào pháp luật, dựa vào sự công tâm, liêm chính của cơ quan tư pháp và hành pháp.

Sống ở đời nhiều kẻ biết và biết rất rõ, “lưới trời tuy thưa mà khó lọt”, mọi cái phù hoa, phú quý của cá nhân rồi cũng tan vào đất, cũng cuốn lên trời vô định. Nhưng do cái cuồng dại, gian tham, biết vậy nhưng  nhiều kẻ vẫn không cưỡng lại được. Sinh sự, sự sinh, đời vốn vậy!.Trở lại với cuộc chiến pháp lý và danh dự của trung tướng Ước với luật sư Triển, càng ngẫm, càng thấy thấm thía câu nói của cố Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trịnh Hồng Dương cách đây hơn chục năm: Luật của ta xử thế nào cũng được!. Cho dù hơn chục năm qua, hệ thống pháp luật của nhà nước ta đã có sự phát triển lớn, ngày càng hoàn thiện hơn, nhưng thực tế rất cần phải đầu tư, xây dựng và hoàn thiện nhiều hơn nữa.

Pháp luật là khoa học, là cụ thể, là sự chính xác tuyệt đối. Nhà nước pháp quyền không có thứ pháp luật kiểu “đồng một cũng ừ, đồng tư cũng gật”, để ai cũng cam kết , tôi trong sạch; tôi lương thiện; nếu làm sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng cuối cùng chẳng ai chịu cả, mà pháp luật cũng chẳng xử lý được ai.

Trong cuộc chiến pháp lý và danh dự của trung tướng Ước với luật sư Triển, mong rằng các cơ quan chức năng của Bộ Công an và TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền  nhanh chóng làm rõ, để trả lại sự công bằng cho họ. Và nhiều người cho rằng, vụ việc trên như một thuốc thử, để xem hệ thống pháp luật, tư pháp và hành pháp của ta đang ở đâu?

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh