THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:37

Thuốc lá – một trong những tác nhân gây nên bệnh tim mạch

 

Hút thuốc là một trong những nguyên nhân của bệnh tim mạch

Ở nước ta, người cao tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng trở nên phổ biến. GS.TS Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim Mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội) cho biết: “Bệnh nhân điều trị thường xuyên tại viện lúc nào cũng dao động khoảng 400 người”.

Thực trạng hiện nay, tại các bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh trên địa bàn cả nước, số lượng bệnh nhân điều trị các bệnh tim mạch, cao huyết áp cũng gia tăng trong những năm gần đây. Trong số họ, phần đông là nam giới hút thuốc lá.

Ngay từ năm 1940, các nhà khoa học đã phát hiện mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ bị bệnh tim mạch, dù hút một vài điếu thuốc trong ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Khói thuốc khi vào cơ thể sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút. Sau đây là một số bệnh liên quan đến tim mạch do hút thuốc.

Pa-nô cấm hút thuốc lá được treo tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong nhiều năm qua. ảnh: Đức Hạnh

Bệnh xơ vữa động mạch

Chứng xơ vữa động mạch là do tích luỹ các chất béo trong động mạch và gây cản trở và làm hẹp các động mạch. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân dẫn đến bệnh mạch vành do lớp nội mạch bị phá huỷ bởi các hóa chất trong khói thuốc.

Khói thuốc khi vào cơ thể sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Trong phút đầu của quá trình hút thuốc nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Nhịp tim có thể giảm xuống từ từ nếu tiếp tục hút thuốc, nhưng không bao giờ trở về bình thường nếu chưa ngừng hút. 

Một nghiên cứu trên cộng đồng ở Pháp năm 1991 cho thấy so với nhóm nữ không hút thuốc, nhóm nữ hút thuốc có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch cao gấp 3,9 lần. Một nghiên cứu khác do Fine-Edelstein và cs. 1994 tại Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng so với nhóm không hút thuốc, nhóm đang hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 2,8 lần  (ở nam) và 3,1 lần (ở nữ).

Sinh viên tham gia mít – tinh kêu gọi mọi người không hút thuốc lá (ảnh: TL)

Bệnh mạch vành

So với người không hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 1,6 lần ở người đã từng hút thuốc, lên 3 lần ở người hút từ 1-14 điếu/ngày và lên 5,5 lần ở người hút trên 14 điếu thuốc/ngày. Nguy cơ mắc và chết do bệnh mạch vành ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 2,5 lần đến 75 lần tùy theo mức độ hút thuốc, theo giới và tuổi.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ chết đột ngột do kết dính tiểu cầu, giải phóng những chất catecholamines gây ra huyết khối cấp tính và loạn nhịp tim. Các bằng chứng cho thấy nicotine ảnh hưởng đến khả năng dẫn chuyền của tế bào cơ tim, thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá với loạn nhịp tim và chết đột ngột.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đoàn viên, thanh niên, học sinh quận Kiến An, TP Hải Phòng (ảnh: TL)

Bệnh mạch máu não 

Bệnh mạch máu não là một hội chứng tổn thương thần kinh do máu tưới lên não bị ngắt quãng. Tổn thương có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo vùng não bộ nào bị tổn thương và có thể  là tạm thời (thiếu máu cục bộ tạm thời) hay vĩnh viễn (đột quỵ). Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa đã khẳng định hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh mạch máu não. 

Bệnh cao huyết áp

            Một tác động nguy hiểm khác của khói thuốc là gây tăng huyết áp cấp tính. Trong vòng vài phút hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng. Để phản ứng lại sự kích thích này, mạch máu co bóp lại buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để luân chuyển ô xy. Một số nghiên cứu cho thấy huyết áp trở về bình thường giữa các lần hút thuốc nhưng nếu hút nhiều lần trong ngày làm tăng huyết áp trung bình, dẫn đến các bệnh về tim mạch.

            Hút thuốc còn làm giảm tác dụng của việc điều trị tăng huyết áp do các chất hóa học trong khói thuốc kích thích gan sản xuất  enzym vào trong máu làm hạn chế tác dụng của thuốc.

            Để phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch, cần duy trì chế độ ăn uống khoa học: Từ bỏ việc hút thuốc lá, uống rượu, bia; giảm chất béo (ăn ít mỡ động vật – thay bằng các loại dầu thực vật), ăn ít chất ngọt; tránh làm việc căng thẳng; tập luyện thể dục thể thao (từ 30 - 60 phút/ ngày)... và quan trọng là tinh thần thỏa mái và cuộc sống lạc quan với nghị lực luôn mong muốn chiến thắng bệnh tật.

Ngoài việc là tác nhân gây nên 8 loại ung thư, thuốc lá còn là thủ phạm gây nên nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim mạch.

Nguyễn Minh Nguyệt

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh