CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:07

Thuê nhà hàng, khách sạn để kinh doanh, nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì dịch Covid-19

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn

Hiện nay, một số nhà đầu tư nhỏ, lẻ khi thuê lại nhà hàng, khách sạn để kinh doanh nhưng bị "ngấm đòn" của dịch bệnh nên họ bị mất trắng, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh bế tắc nhất.

Tại TP.HCM do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ ngoại thành đến nội thành, các quán ăn, nhà hàng, khách sạn đua nhau đóng cửa, trả hoặc sang nhượng mặt bằng vì không thể cầm cự qua giai đoạn này.

Chia sẻ với PV báo Lao động & Xã hội (Báo điện tử Dân sinh), anh Phạm Quang Trung (Phường 4, Tân Bình, TP.HCM), cho biết, anh tích góp được một chút vốn, nhờ sự giúp đỡ từ cha, mẹ cùng anh em trong gia đình và vay thêm một khoản từ ngân hàng để kinh doanh khách sạn bằng hình thức thuê lại khách sạn cũ để đầu tư nâng cấp rồi cho thuê với mong muốn sinh lời.

Thuê nhà hàng, khách sạn để kinh doanh, nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bên trong khách sạn Nhật Hoàng tại quận 4, TP.HCM.

Tháng 8/2019, anh Trung đã thuê được khách sạn Nhật Hoàng tại quận 4, TP.HCM với giá thuê 7.000 USD/tháng. "Tôi suy nghĩ và tính toán với dự tính sau khi sửa chữa nâng cấp lại và cho thuê căn hộ dịch vụ 40% công suất, số phòng còn lại kinh doanh khách sạn bằng cách tự mình vận hành quản lý để tiết kiệm sẽ có chút lợi nhuận… nhưng bao nhiêu dự tính và khát vọng của tôi đã tan biến khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến", anh Trung chia sẻ.

Chính vì dịch Covid-19 nên nhiều lần anhTrung mong muốn được thanh lý hợp đồng và ý muốn xin nhận lại tiền đặt cọc, chấp nhận mất vốn đã đầu tư trang thiết bị trong khách sạn nhưng bên chủ khách sạn không chấp nhận.

Thuê nhà hàng, khách sạn để kinh doanh, nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở TP.HCM rao bán và cho thuê dài hạn sau dịch Covid-19.

"Những ngày qua là chuỗi ngày khủng hoảng với cá nhân tôi khi mất tất cả. Tôi chưa tích góp đủ tiền đóng tiền thuê khách sạn nên bị chủ đuổi ra khỏi khách sạn, tài sản bị chiếm giữ, cha mẹ và người thân vì tôi mà phải nợ nần dẫn đến suy sụp tinh thần, lo lắng. Hiện tôi chỉ muốn chủ khách sạn hiểu được tình cảnh của gia đình tôi để tạo điều kiện hoàn trả lại số tiền tôi đã cọc thuê khách sạn trước đó để tôi trả lãi ngân hàng và cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này", anh Trung bày tỏ.

Cũng tương tự hoàn cảnh của anh Trung, anh Nguyễn Hoàng Long (quận Gò Vấp, TP.HCM) tích góp được một số tiền nên quyết định đầu tư mở nhà hàng, nhưng sau khi thuê mặt bằng ở số 2, Phạm Huy Thông, anh đã đầu tư cơ sở vật chất và tuyển dụng nhân viên…đưa vào hoạt động Nhà hàng SEOUL FAMILY chưa được 1 tháng thì dịch Covid-19 vào Việt Nam. Thời gian TP.HCM bị giãn cách nhà hàng của anh Long buộc phải đóng cửa nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ nhân viên…

Thuê nhà hàng, khách sạn để kinh doanh, nhiều nhà đầu tư điêu đứng vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Gặp khó khăn, chủ nhà hàng phải sang nhượng Nhà hàng SEOUL FAMILY tại số 02 Phạm Huy Thông, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Tưởng chừng dịch Covid-19 đã qua đi, nhà hàng mở cửa gắng gượng phục hồi sau dịch nhưng mới hoạt động chưa được bao lâu thì làn sóng dịch lần thứ hai trở lại.

"Một căn nhà cao tầng, mặt tiền đường như căn tôi đang thuê với giá thuê 100 triệu đồng/tháng. Nếu làm ăn được thì không nói, nhưng gặp đại dịch hiện nay là rất khó khăn, mình nai lưng ra 'cày' cũng không đủ trả tiền thuê nhà", anh Long bộc bạch.

Trước tình hình khó khăn không thể gắng gượng được anh Long đã lên mạng xã hội rao tìm người để sang nhượng mặt bằng, chấp nhận thua lỗ nặng nề.

"Tổng đầu tư sửa chữa mua sắm trang thiết bị của nhà hàng hết 1,7 tỷ đồng nhưng nay tôi sang lại cho ai có đam mê kinh doanh nhà hàng với giá 700 triệu đồng (chưa tính cọc mặt bằng 300 triệu đồng)", anh Long đăng trên mạng xã hội.

Trường hợp của anh Trung, anh Long cũng là tình trạng chung của nhiều chủ đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang gặp phải hiện nay.

Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cũng cho thấy tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 90-95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý những công nợ với đối tác, khách hàng.

Doanh nghiệp lữ hành phải cho nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến ở nhà hoặc nghỉ không lương đến khi hết dịch Covid-19 sẽ đi làm là trở lại.

Đối với hoạt động cơ sở lưu trú, công suất phòng hiện tại giảm 91,5% so với cùng kỳ, số lượng lao động cũng giảm 61% so với cùng kỳ.


XT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh