THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:59

Thực phẩm nhiễm chất cấm -Thảm họa giấu mặt

 

Đối phó với cơn bão thực phẩm nhiễm chất cấm tràn lan, có nguy cơ ngày càng khó kiểm soát đang trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của cả cộng đồng.

Những con số báo hiệu một thảm họa

Trong một đời người cần một lượng lương thực, thực phẩm tới 12,5 tấn gạo, ngũ cốc; 30 tấn thực phẩm rau, củ, quả, đậu, thịt, cá... và tới 65 tấn nước. Chính vì vậy, thay vì là nguồn dinh dưỡng nuôi sống cơ thể con người, thực phẩm trở thành nguồn gây bệnh, thành chất độc nếu không đảm bảo vệ sinh, mà tác hại trước mắt có thể bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy như buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy,... Các nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh huyết áp và ung thư chiếm 35% số ca có liên quan đến ăn uống.

Cuối năm 2015, trong một hội nghị của ngành Y tế Việt Nam về ung thư, những con số đưa ra làm giới chuyên môn rúng động: có khoảng 126.000 trường hợp mắc mới ung thư mỗi năm và ước tính tới năm 2020 sẽ có 200.000 trường hợp mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Và khoảng 55% trong số ca bệnh khi phát tác trong vòng 12 tháng sẽ tử vong. Với những ai đã phát bệnh, thời gian càng kéo dài, hệ lụy kinh tế với gia đình càng nặng nề. 

Một số liệu khác cho thấy nếu năm 2000 tỷ lệ bệnh nhân ung thư là 17,1/100.000 người thì năm 2010, tỷ lệ đã là hơn gấp đôi với 35/100.000 người. Và bệnh nhân ung thư thường gặp nhất là ung thư phổi, dạ dày, gan, đại tràng. Ở nữ là ung thư vú, dạ dày. Còn ở trẻ em chủ yếu là ung thư máu.

Toàn thế giới có 11 triệu ca ung thư tính tới thời điểm này. Với dân số nước ta chưa đầy 100 triệu mà đã có con số ung thư như trên thì Việt Nam đã trở thành một trong những nước có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo rõ rệt nhất về một thảm họa mà nguồn gốc có dính dáng đến thực phẩm bẩn. 

Cũng theo ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thì cho rằng, do thực phẩm bẩn, do môi trường ô nhiễm và do tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm với bệnh ung thư chiếm cao nhất, đứng đầu. Ung thư do yếu tố di truyền chỉ chiếm khoảng 5-10% số ca mắc.

Phần chìm của tảng băng

Những cảnh báo trên vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó với độ khủng khiếp không ai có thể dự đoán. Ở Việt Nam, theo Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2. Thực phẩm mất vệ sinh ảnh hưởng tới thể lực, chiều cao, rối loạn việc điều hòa gen, làm ảnh hưởng tới giống nòi, tới hệ thống enzyme, quá trình chuyển hóa...

Thực phâ,r không an toàn để lại nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong. Đối với nhà sản xuất, đó còn những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều hệ lụy khác kèm theo như phải điều tra, khảo sát, phân tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả…

Những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể quá đông do nguyên nhân thực phẩm bị nhiễm khuẩn luôn gây bất an cho xã hội, áp lực cho ngành Y tế.


Thực phẩm nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Nguyễn Khánh.


Tại hội nghị “Vì một môi trường thực phẩm an toàn” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 27/3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATTP TP Hồ Chí Minh cho hay, thực phẩm không an toàn đã và đang ảnh hưởng tới 1/3 dân số trên thế giới. Trong đó, việc “ăn” phải thực phẩm mất vệ sinh là nguyên nhân gây ra 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm. Trong đó, thiệt hại do thực phẩm nhiễm chất cấm ở các nước trên thế giới cũng cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của nó. 

Năm 2001, bệnh bò điên khiến các nước EU thiệt hại hàng tỷ USD để khắc phục và hàng chục năm sau còn chưa dứt ảnh hưởng về thương mại. Vụ phát hiện melamine trong sữa tươi, sữa bột và các sản phẩm sữa ở Trung Quốc gây nguy cơ 51.900 trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ gặp vấn đề về thận và có nguy cơ bị sỏi thận, 6 trẻ sơ sinh bị tử vong tại Trung Quốc trong vụ này. 

Tới tháng 4/2010, bùng phát dịch nhiễm vi khuẩn Salmonella Montevideo ở Mỹ do việc phân phối xúc xích Ý (salami), làm cho 272 ca nhiễm tại 44 bang, 52 người phải nhập viện. Năm 2011, vụ dịch E.coli liên quan tới giá đỗ của một nông trại tại Đức, đã lan rộng ra 12 quốc gia châu Âu, làm 50 người chết/4.125 người mắc bệnh (tổng chi phí thiệt hại lên đến  2.840.000.000 USD).

Tại Việt Nam, thiệt hại rõ nhất của thực phẩm bẩn là những vụ NĐTP tập thể. Theo thống kê của Bộ Y tế, giai đoạn 2006 – 2010, trung bình có 188,8 vụ NĐTP/năm với 6.633,6 người mắc/năm và 51,4 người chết/năm, tính trung bình tỷ lệ người bị NĐTP cấp tính là 7,8 ca/100.000 dân/năm. Nguyên nhân NĐTP chủ yếu là vi sinh vật (chiếm 33,8%) NĐTP, độc tố tự nhiên (26,1%), nhóm hóa chất (11,8%). 

Năm 2012 cũng có  67 vụ NĐTP với gần 2.300 người mắc, đi viện và 15 trường hợp tử vong. Tính trung bình mỗi năm cả nước có xảy ra khoảng 20 - 22 vụ NĐTP tập thể giai đoạn này. Năm 2014, cả nước đã xảy ra 109 vụ NĐTP làm cho 3.797 người mắc, có 20 người tử vong. Năm 2015, toàn quốc có 171 vụ NĐTP với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Trưởng VP Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Tổ chức Người tiêu dùng thế giới lấy ngày 15-3 hằng năm là Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới, trong đó, năm 2016 tập trung vấn đề chống chất kháng sinh.

Xuất phát từ một cảnh báo rất quan tâm đó là hiện nay 50% thuốc kháng sinh trên thế giới đang được dùng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong chăn nuôi để tăng năng suất nuôi trồng. Việc dùng thuốc kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, rốt cuộc sẽ vô hiệu hóa các thuốc kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc…. 

Trong khi một thực trạng hiện nay trong nước do hạn chế việc kiểm soát nông sản thực phẩm về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, trong nguồn thịt tươi thì dư lượng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng, đặc biệt là việc sử dụng chất cấm tạo nạc trong chăn nuôi đang khó kiểm soát; sự nguy hại từ thực phẩm bẩn có nguy cơ lâu dài, khó phát hiện với khối lượng lớn, đại trà... sẽ gây nên thảm họa với dân tộc nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố vào ngày 2/4/2015 : 351.000 người chết vì ngộ độc thực phẩm mỗi năm có liên quan các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, do vi khuẩn.

582 triệu: là số lượng các ca mắc phải một trong 22 căn bệnh truyền qua thực phẩm.

52.000: là số ca tử vong do vi khuẩn Salmonella gây nên.

37.000: là số ca tử vong do vi khuẩn E.coli.

35.000: là số người chết do norovirus (loại virus là nguyên nhân hàng đầu gây nên dịch bệnh từ thực phẩm bị ô nhiễm tại Hoa Kỳ).

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh