THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:01

Thực phẩm bẩn tràn lan: Không ăn thì chết vì đói, ăn thì chết vì bệnh

Ma trận thực phẩm bẩn

Theo thống kê, trong tháng 2/2016, riêng lực lượng QLTT Hà Nội đã xử lý 667 vụ liên quan đến thực phẩm bẩn (chiếm 1/4 số vụ kiểm tra và xử lý trong hai tháng đầu năm). Đáng chú ý, nhiều vụ vi phạm có mức độ tinh vi và phức tạp. Điển hình như vụ thu giữ hơn 4 tấn phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ ở kho hàng tại cụm 4, Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội ngày 10/3 vừa qua. Trước đó, đầu năm 2016, các cơ quan chức năng cũng phát hiện 1 tấn chân gà, tim lợn thối tại chợ Minh Khai; 1 tấn da, nội tạng trâu bò ướp muối không rõ nguồn gốc tại Thường Tín ; 90 tấn mỡ bò bẩn tại Phú Xuyên ; hàng trăm kg rau, củ, thịt không rõ nguồn gốc bán cho 7 trường mầm non, tiểu học...

Việc sử dụng hóa chất trong nuôi trồng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Sau thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng được phun cho rau, những ngày đầu năm 2016, người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung khá lo lắng khi lực lượng chức năng phát hiện người trồng rau sử dụng nước nhớt thải xe trong việc trồng rau muống. Tương tự, trong đợt ra quân kiểm tra tồn dư chất tạo nạc Salbutamol tại một số cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố, Chi cục Thú y thành phố đã phát hiện và tạm giữ gần 1.000 con lợn dương tính với chất cấm. Số lợn này chủ yếu được vận chuyển về thành phố từ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bình Thuận. Qua kiểm tra 117 lô thịt lợn với 365 mẫu, lực lượng chức năng phát hiện 22 lô (chiếm 18,8%) và 65 mẫu (chiếm 17,5%) có sử dụng chất tạo nạc.

Kiểm tra gà lậu.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ riêng tháng 1/2016, đơn vị này đã triển khai hơn 1.400 vụ kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, trong đó, lực lượng chức năng đã thực hiện hơn 280 vụ kiểm tra liên ngành VSATTP, lập biên bản gần 110 vụ vi phạm.

35% số người mắc ung thư là do ăn thực phẩm bẩn

Theo ông Đỗ Ngọc Chính, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thì tình trạng ung thư trong những năm gần đây liên tục gia tăng. Nếu như ở năm 2000 chỉ có khoảng 69.000 ca mới mắc ung thư, thì đến năm 2015 số ca mới mắc ung thư tăng lên hơn gấp đôi (150.000 ca). Theo đà này, ước tính đến năm 2020, số ca mắc mới ung thư sẽ lên đến gần 200.000 ca, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới.

Phân tích của chuyên gia trong lĩnh vực ung thư cho thấy, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh là do tác động của thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường và tuổi thọ gia tăng. Trong đó, tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 35%, kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%.

Thực phẩm bẩn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, có thực phẩm bẩn người tiêu dùng nhận biết được, nhưng cũng có thực phẩm bẩn người tiêu dùng không thể nhận biết. Chẳng hạn hàng tấn Salbutamol được đưa vào thức ăn cho heo để tạo nạc, tạo cho thịt heo sáng bóng, hay tiêm kháng sinh vào trong các vật nuôi giúp tăng năng suất thì làm sao người tiêu dùng biết được, ông Chính nói và cho biết, hiện có khoảng 50% kháng sinh trên thế giới được dùng trong nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi để tăng năng suất cây trồng. Việc dùng kháng sinh phổ biến như vậy sẽ làm xuất hiện những vi khuẩn có tính năng chống kháng sinh cao hơn, sẽ vô hiệu hóa các kháng sinh, đẩy loài người vào những dịch bệnh thảm khốc.

Trong thời gian tới, số ca mắc bệnh ung thư và các loại bệnh nan y khác sẽ tiếp tục gia tăng nếu Việt Nam không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sử dụng tràn lan, bừa bãi hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, ông Chính cảnh báo.

Ăn cũng chết, không ăn cũng chết

Vấn nạn thực phẩm bẩn đã và đang là chuyện của quốc gia và là đề tài nhiều lần làm nóng nghị trường Quốc hội. Tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua của Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), bức xúc: "Thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Như Tiến (Thanh Hóa) đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội là những tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của toàn xã hội.

Khẳng định thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã đến mức "rất báo động," "gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài," đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lo lắng: “Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan," không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy."

Kiểm tra chất lượng hàng hóa ở siêu thị.

Cho rằng, mặc dù hành lang pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm hiện nay rất đầy đủ, nhưng vì vi phạm vẫn ngày càng nhiều, do chồng chéo trong quản lý. Đơn cử như trong việc sử dụng Salbutamol - chất có tác hại lớn đối với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi, nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ NN&PTNT cấm nhập, nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập.

Cũng theo đại biểu Nga, mặc dù chế tài hành chính hiện đã rất nặng, với mức phạt tối đa tới 200 triệu đồng, phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm nhưng việc xử lý nhìn chung không nghiêm. Không loại trừ tiêu cực trong xử phạt vì hiếm có trường hợp xử lý hình sự, đại biểu Nga đặt nghi vấn.

Trên cơ sở những phân tích của mình, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV tới đây. Trước mắt, cần yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện đúng 10 nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 34/2009. Đề nghị Chính phủ tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng, mức độ mất an toàn thực phẩm hiện nay và có giải pháp chặn đứng tình hình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTN Cao Đức Phát: “Đảm bảo ATVSTP  mục tiêu số 1 của ngành Nông nghiệp”

Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 3/4 , Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Nhiều năm nay ngành nông nghiệp coi việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là nhiệm vụ trọng tâm số 1, bởi hiểu đó là mong đợi của nhân dân, có liên quan đến sức khỏe, giống nòi. Vấn đề ATVSTP cũng là mục tiêu tái cơ cấu ngành.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, hiện Bộ NN&PTNT đang tập trung kiểm soát việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. Bước đầu khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu. Đến nay, việc sử dụng chất cấm trong các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít, chỉ còn một số trang trại, hộ chăn nuôi lẻ.

Cũng tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã gửi lời xin lỗi tới nhân dân vì đã có phát ngôn “phản cảm” tại diễn đàn Quốc hội ngày 1/4, với câu nói: "Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác tất cả không an toàn", gây nhiều ý kiến trái chiều và vấp phải sự phản ứng của dư luận.Giải thích về câu nói trên, Bộ trưởng Cao Đức  Phát cho rằng, do thời gian ở Quốc hội hạn chế nên ông đã diễn đạt chưa rõ ràng, khiến độc giả và người dân bức xúc.

"Thực ra, ý tôi muốn nói là với số liệu chúng tôi có được cho thấy phần lớn thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng người dân khó có thể phân biệt, không biết được đâu là thực phẩm thực sự an toàn hay vi phạm. Để giúp người dân phân biệt thì đó là trách nhiệm của chúng tôi và các cơ quan quản lý nhà nước. Lẽ ra tôi phải nói là người dân không biết đâu là sản phẩm thực sự an toàn và đâu là sản phẩm vi phạm, nhưng vì thời gian gấp quá, tôi cắt mất mấy chữ đó. Tôi xin lỗi vì chưa diễn đạt hết ý khiến nhiều người hiểu nhầm".

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh