THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:30

Sợ thực phẩm bẩn, dân Hà Nội bày nhau cách "săn" đồ sạch

 

Bất an
“Rau thì tưới bằng dầu nhớt xe máy, hoa quả để hàng tháng không héo, thịt lợn thối ngâm chất tẩy mùi… Bây giờ ra chợ nhìn rau xanh mơn mởn càng thấy sợ. Đã lâu tôi không mua các loại rau, củ, quả trái mùa vì lo ngại đấy toàn hàng đã qua ngâm tẩm hoặc bơm tiêm chất bảo quản”, chị Hồ Minh Hương, ở khu chung cư HH4 Linh Đàm (Hà Nội) tỏ sự lo lắng về thực phẩm bẩn tràn lan hiện nay.
Tâm lý lo sợ, e dè với các thực phẩm được bày bán tại chợ không chỉ là của riêng chị Hương mà là nỗi lo lắng chung của nhiều bà nội trợ.
Đáng lo ngại hơn là không chỉ rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc mới chứa các chất độc hại mà gần đây, nhiều loại thực phẩm sản xuất trong nước cũng bị phát hiện chứa hoá chất vượt mức cho phép, khiến người dân hoang mang hơn.
Thực phẩm mất vệ sinh đã làm người nội trợ lo lắng
Chị Nga, ở phố Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở chia sẻ: "Trước kia nhà tôi hay ăn măng khô, nhất là vào dịp Tết, tôi hay nhờ mua loại ngon, mua nhiều để dự trữ và biếu ông bà ăn nữa. Thế nhưng đợt này, đọc báo thấy nói măng chứa lưu huỳnh nên tôi thấy không yên tâm. Năm nay chắc chẳng có nhu cầu mua nhiều măng nữa mà".
Chị Nga kể, vì bận việc nên chị ít có thời gian vào bếp nấu nướng, cứ đi làm về là tạt qua chợ mua đồ ăn sẵn. Bây giờ, thói quen ấy thay đổi hẳn vì chị không yên tâm mua thực phẩm đó.
"Ngay cả bây giờ, có mua gà, tôi cũng mua gà sống, nhờ người ta làm lông ngay tại chỗ rồi đem về nhà chế biến. Phải nhìn tận mắt các công đoạn làm mới đảm bảo mình mua được thực phẩm sạch", bà nội trợ này nói.
Lập "đường dây" thực phẩm quê
Trước sự bủa vây của thực phẩm bẩn dưới mọi hình thức, nhiều gia đình ở Hà Nội đã "dấy" lên phong trào cuối tuần đổ về các vùng quê săn tìm nguồn thực phẩm như rau vườn, cá đồng, trứng gà ta…
Gia đình anh Nguyễn Anh Tuấn, ở khu chung cư Nàng Hương, (đường Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi nay ăn thịt lợn do mình nuôi. Chi phí đắt hơn một chút, vất vả hơn một chút nhưng yên tâm”.
Anh Tuấn và 3 hộ gia đình khác đã về quê Nghệ An thuê một người anh em ở quê chỉ chuyên nuôi lợn và gia cầm. Thức ăn của chúng chỉ đơn giản cám và rau quả, tuyệt đối không dùng thuốc tăng trọng. Cứ khoảng nửa tháng, người ở quê lại làm thịt đóng thùng gửi ô tô ra Hà Nội.
Theo anh Tuấn, chi phí để được sử dụng thực phẩm sạch tính ra không đắt hơn nhiều so với ra chợ mua. “Mình ăn cái gì của mình là yên tâm. Người anh em trong quê lại có thêm thu nhập ngoài hai vụ lúa hàng năm. Mới đây, đã có thêm vài người xin “chung vốn” nhưng đành chịu vì mô hình còn nhỏ. Mấy anh em đó liền dùng mô hình chúng tôi để nhờ một người nhà ở Khoái Châu, Hưng Yên thực hiện”, anh Tuấn nói.

Thực phẩm quê, chuẩn bị được gửi ra Hà Nội
Những người không có “mối” ở quê như chị Diệu Thanh, ở Kim Giang thì tận dụng được chỗ nào để trồng rau vào hộp xốp cho con đủ cho con nhỏ ăn. Nguồn rau của người lớn thì chị Thanh nhờ bố mẹ đi chợ quê cung cấp nguồn rau sạch hàng tuần.
"Cứ một tuần một lần, chồng mình ra bến xe nhận hàng các cụ ở quê gửi lên. Từ rau xanh đến quả chanh, củ tỏi chẳng thiếu thứ gì cả", chị Thanh nói.
Chị Thanh cho biết mạng nội bộ của công ty trước đây là nơi cán bộ công nhân viên xả xtress, thì nay là diễn đàn chính cho chị em thông tin về các gian hàng thực phẩm sạch.
Ở khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì gần đây xuất hiện những cửa hàng thực phẩm quê bởi nhu cầu dùng thực phẩm quê, sạch tăng cao. Những cửa hàng thu hút được người mua với những cam kết như rau được trồng ở trang trại bò sữa Nghĩa Đàn, Nghệ An, lợn không cám tăng trọng, gà thả bộ…
Không cứ là đặc sản vùng miền mà có thêm nhiều loại thực phẩm thường ngày các gian hàng online của công ty chẳng thiếu thứ gì, từ rau, hoa quả, gạo, gà, giò, bánh đa, miến... ai có nhu cầu chỉ cần gọi điện là có hàng đảm bảo mang đến tận phòng.
Trước tình trạng thực phẩm bẩn, nhiễm độc tràn lan thì việc lựa chọn các nguồn thực phẩm quê là lựa chọn tin cậy mà nhiều gia đình ở Hà Nội là xu thế tất yếu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh