CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Thực hư xuất xứ đào Sapa siêu rẻ bán tràn đường và chiêu qua mặt “móc ví” khách hàng

 

Đào Sapa rẻ giật mình nhờ "chiêu" báo giá

Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường, khu chợ ở Hà Nội, một loại đào được quảng cáo có xuất xứ Sapa (Lào Cai) được bày bán rất nhiều. Không khó để tìm được loại quả này vì chúng thường được bán trên các xe hàng rong hoặc sạp hoa quả tại chợ cóc.

Khác với các loại đào quen thuộc, đào Sapa vỏ trơn, bóng mịn, và có kích thước lớn hơn hẳn. Chúng có màu đỏ khá đặc trưng và đẹp mắt.

Chị Thanh Lan (tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết, hiện đang vào chính vụ nên đào Sapa được bán nhiều, khách hàng chủ yếu mua về ăn tráng miệng. Ngoài ra, nhiều người mua loại quả này về ngâm món trà đào, uống giải nhiệt hè. Trung bình mỗi ngày tiểu thương này có thể tiêu thụ 20-30kg đào.

Thực hư xuất xứ đào Sapa siêu rẻ bán tràn đường và chiêu qua mặt “móc ví” khách hàng - Ảnh 1.

Loại đào được quảng cáo xuất xứ Sapa bán khá nhiều trên thị trường.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết, sau khi tham khảo giá đào Sapa, có những nơi bán rẻ đến mức 10.000 đồng/kg, trong khi có nơi bán với mức 35.000 – 40.000 đồng/kg, đắt gấp 3-4 lần.

"Hôm trước tôi có ý định ngâm trà đào nên đã mua 2kg với giá 70.000 đồng. Tuy nhiên, dọc đường Trần Phú – Hà Đông bán khá nhiều loại đào này, song chúng rẻ bằng 1/3 so với giá tôi từng mua. Dừng lại hỏi giá thì mới ngã ngửa, hóa ra tiểu thương họ lừa mình.

Họ viết giá là 10.000 – 15.000 đồng, nhưng chỉ là nửa cân, và loại đào bé mới có giá này. Tính ra, đào to đẹp, vẫn có giá 35.000 đồng", chị Thùy Anh (trú tại Hà Đông, HN) cho biết.

Để thu hút khách hàng, tấm biển quảng cáo của các tiểu thương ghi giá nửa câu đào để có mức rẻ. Tuy nhiên, dòng chữ "nửa cân" viết rất nhỏ, khiến khách hàng không thể đọc được, dẫn tới hiểu nhầm.

"Mua xong trả tiền mới ngã ngửa, hóa ra không hề rẻ", Thùy Anh nói.

Thực hư xuất xứ đào Sapa siêu rẻ bán tràn đường và chiêu qua mặt “móc ví” khách hàng - Ảnh 2.

Tiểu thương ghi giá đào Sapa theo nửa kg, thay vì 1kg như thông thường khiến khách hàng nhầm lẫn.

Theo nhiều tiểu thương chuyên kinh doanh hoa quả tại Hà Nội, loại đào trơn bóng bàn tràn đường phố không giống đào Sapa truyền thống.

"Về hình dáng thì đào Sapa trước đây tôi bán có phần cuống cong lên như mỏ quạ. Khi bổ ra, phần thịt đào Sapa cứng hơn chứ không mềm như loại đào đang bán nhiều trên thị trường. Ngoài ra, đào khá giòn, thơm, lớp vỏ ngoài có lớp lông mỏng, mịn.

Hương vị đào Sapa cũng khác, ngọt nhẹ, chứ không bị nhũn như đào bán ngoài thị trường. Không rõ đây là giống mới hay là đào Trung Quốc?", chị Thanh (chủ cửa hàng hoa quả tại đường Nguyễn Trãi, HN) đặt câu hỏi.

Theo tiểu thương này, giá đào Sapa không hề rẻ, dao động từ 50.000 đồng (tùy chất lượng quả).

Đào Nhật 300.000 đồng/quả, để cả tháng không hỏng

Trong khi đó, thị trường hoa quả nhập khẩu xuất hiện loại đào từ Nhật Bản, bán với giá đắt "bỏng tay". Chi phí mua một quả đào nhập khẩu có thể mua được vài kg đào nội địa. Theo đó, mỗi vỉ trái cây gồm hai quả đào, được bán với mức từ 500.000 – 600.000 đồng.

Theo các tiểu thương, đây là đào từ các vùng như Okayama, Yamanashi – những vùng được mệnh danh là thiên đường hoa quả của Nhật Bản. Đào Nhật Bản được xách tay về Việt Nam có hai loại: đào trắng và đào vàng.

Đặc điểm chung của hai giống đào là trái to, vỏ mỏng, vị ngọt đậm đà.

"Duy chỉ có đào vàng thì thịt chắc, thơm còn đào trắng thì mọng nước hơn", Linh Chi (chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Nguyễn Công Trứ, HN) cho biết.

Minh Châu (chủ cửa hàng hoa quả Nhật Bản xách tay ở Chùa Láng, HN) cho biết, đặc điểm của đào Nhật Bản là nếu bổ ra, trái mau mềm. Tuy nhiên, nếu bảo quản tủ lạnh là có thể giữ được độ tươi cả tháng mà không lo hỏng.

"Ở Nhật, đây là loại quả được ưa chuộng vì giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Khi chăm sóc cây trồng, các chủ vườn khá cẩn thận. Trái đào sẽ được bọc bằng túi để tránh côn trùng và điều kiện khí hậu tác động.

Vì đang vào chính vụ từ tháng 6, nên giá đào không quá đắt nhưng tính thêm chi phí vận chuyển, tiền thuê mặt bằng hay công sức bỏ qua, thì chi phí nhập đào ngoại trội lên rất nhiều", Minh Châu nói.

Theo tiểu thương này, vì mức giá đắt đỏ, đào Nhật Bản chủ yếu bán cho khách có thu nhập cao, mua về thưởng thức hoặc làm quà biếu.

Hoàng Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh