Thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế về ATVSLĐ
- Tây Y
- 23:08 - 21/05/2015
Ảnh minh họa.
Hội thảo tập trung thảo luận về vấn đề ATVSLĐ trong pháp luật Việt Nam; tổng quan về các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định: Hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn và đảm bảo thực thi chế độ, chính sách liên quan đến công tác ATVSLĐ (Bộ Luật Lao động; luật bảo hiểm xã hội, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân...) được ban hành tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; điều chỉnh hợp lý quan hệ lao động, các quan hệ xã hội khác liên quan phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
Tuy vậy, các văn bản này còn nhiều nội dung chưa ổn định. Hệ thống văn bản kỹ thuật về ATVSLĐ chưa cập nhật, chưa ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý. Chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ giải quyết hậu quả, chưa quy định việc phòng ngừa...
Việc xây dựng Luật ATVSLĐ nhằm thi hành Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng; chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác ATVSLĐ…
Theo đánh giá, dự án luật cũng tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực và thế giới; tuân thủ các thông lệ quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn.
Các công ước liên quan đến chính sách về ATVSLĐ gồm: Công ước số 155 về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp năm 1981; Công ước 187 về khuôn khổ quốc gia về an toàn lao động; Công ước 184 về an toàn và sức khỏe trong nông nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều công ước liên quan đến ATVSLĐ mang tính chất kỹ thuật khác.
Việt Nam đã gia nhập Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy ATVSLĐ (có hiệu lực vào năm 2015). Các đại biểu cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan cần chủ động tìm hiểu thông tin, có kế hoạch thích nghi điều kiện hoàn cảnh mới trong triển khai thực hiện; thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập; xây dựng, triển khai các hoạt động với lộ trình hợp lý, phù hợp với Việt Nam, bảo vệ lợi ích của các bên: người sử dụng lao động, người lao động và nhà nước.