Thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng những tháng cuối năm
- Huyệt vị
- 09:05 - 15/07/2023
Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước đã rất nỗ lực trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh ở điều kiện còn nhiều khó khăn...
Có thể thấy rõ, xuất khẩu rau quả và gạo là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm khi đạt mức tăng hai con số. Trong đó, XK gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng, tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và lợi ích người nông dân. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,75 tỷ USD tăng 64,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 6 tháng, có tới 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ), chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%). Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, chiếm 26,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 15,6%; thị trường EU đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 13,1%; thị trường ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 6,6%. Nổi bật, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Một số thị trường mới ghi nhận tăng trưởng cao như Arhentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Arập Xê-ut (tăng 67%), Angeri (tăng 91%).
Theo báo cáo của Tradingeconomics cập nhật đến tháng 4/2023 cho 16 nền kinh tế lớn trên thế giới, có đến 13/16 quốc gia (chiếm 81,3%) có tốc độ sụt giảm xuất khẩu; 12/16 quốc gia (chiếm 75%) cũng có tốc độ sụt giảm nhập khẩu trong tháng 4.
Do vậy, kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng được đánh giá là điểm sáng trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Đồng thời cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm gần đây, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc là thị trường có thương mại 2 chiều lớn nhất với Việt Nam đã thật sự mở cửa nền kinh tế cũng sẽ là yếu tố tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, đặc biệt là đối với những nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản.
Mặc dù khó khăn, song vẫn có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy vẫn có khả năng cải thiện được tình hình, khi mới đây, các ngành chắc năng đã tiếp tục đề xuất, kiến nghị hỗ trợ các giải pháp về chính sách, nhất là vốn vay, giãn thuế, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất phục vụ xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới.
Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu nhằm thúc đẩy sự phục hồi của ngành xuất khẩu, gồm: việc tăng cường giải ngân các gói tín dụng xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.
Doanh nghiệp cũng cần có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén với thị trường trong việc tìm kiếm các đối tác và thúc đẩy giao dịch, điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp; thực hiện các yêu cầu khác về thủ tục giấy tờ, hồ sơ vận chuyển....để được hưởng ưu đãi.