THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:17

Thúc đẩy thực hiện toàn diện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị

 

Tăng cường các mục tiêu của ASCC

Ngày 26/4/2019, Hội nghị thực hiện Đề án 161 và các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. 

Đây là Hội nghị đầu tiên cho khu vực phía Bắc trong chuỗi 03 Hội nghị về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 theo Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức trên phạm vi toàn quốc.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan đến từ Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tại Việt Nam; Lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quan đến từ 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Lai Châu đến Thanh Hóa và đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 03 năm triển khai, kết quả đánh giá sơ kết thực hiện Đề án 161 cho thấy sự chủ động và cam kết của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN trên nhiều phương diện.

“Đề án đã thành công trong việc lồng ghép tổng thể nội dung ở tất cả các cấp quản lý chương trình, kế hoạch và được thực hiện toàn diện, sâu và rộng đến tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội“, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đánh giá cho thấy vẫn còn có một số khoảng trống như vấn đề truyền thông, nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ, nhân dân về ASEAN nói chung và về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đúng mức; kế hoạch triển khai Đề án từ Trung ương đến địa phương bị chậm so với dự kiến; cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; còn thiếu hoặc có rất ít nguồn lực riêng biệt đảm bảo cho việc thực hiện Đề án.

Các đại biểu đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là Cơ quan chủ trì Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN tại Việt Nam và thực hiện Đề án 161

 

Tại Hội nghị, ngoài việc chia sẻ và thảo luận về các kết quả đánh giá thực hiện Đề án 161, nhiều kiến thức bổ ích về các chủ đề quan trọng như lịch sử của việc Việt Nam gia nhập ASEAN và lợi ích ASEAN mang lại, đặc biệt là Chính trị - An ninh; những lợi ích về thương mại và đầu tư của ASEAN đối với Việt Nam; ý nghĩa của Đề án 161 và sự kết nối của Đề án trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam…

Các đại biểu đánh giá cao, trong giai đoạn 2016 – 2018, các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN và Đề án 161 đã và đang tiếp tục được triển khai trên phạm vi toàn quốc, từ các Bộ, ngành tham gia Đề án đến các tỉnh, thành phố, huyện, xã với nhiều hình thức và mức độ.

Điển hình có việc tổ chức các tập huấn, diễn đàn, đối thoại, hội thảo với các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm truyền thông về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN; duy trì và vận hành hiệu quả trang thông tin điện tử của Cộng đồng ASEAN; biên soạn và phát hành các ấn phẩm truyền thông về Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN cũng như về các hoạt động, thành tựu của các cơ quan chuyên ngành và tiến độ thực hiện Đề án 161.

Theo đó, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đánh giá, những kết quả trên cho thấy nỗ lực rất lớn của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông (trong việc thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN cấp quốc gia giai đoạnn 2017-2020), và các Bộ, ngành và địa phương.

Mục tiêu gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân 

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, hầu hết các hoạt động hướng tới mục tiêu gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân đã được thực hiện thông qua việc nâng cao năng lực thể chế, kiện toàn cơ cấu tổ chức và cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việc tăng cường sự tham gia cũng như xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN cũng được thể hiện qua việc phân công trách nhiệm thực hiện của các bên trong Đề án và trong Kế hoạch thực hiện Đề án mà các địa phương ban hành.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nhấn mạnh, các sáng kiến và chủ trương tham gia đã được bàn thảo nhiều trong khuôn khổ hợp tác của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội.

Theo đó, việc đẩy mạnh những chia sẻ về tiến độ thực hiện các cam kết chung trong khu vực mà Việt Nam có thể hưởng lợi như AQRF và MRAs, thúc đẩy các sáng kiến để Cấp cao ASEAN thông qua trong bối cảnh Công nghệ 4.0 như về nguồn nhân lực, môi trường hay công tác xã hội...

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị

 

Hội nghị cũng là cơ hội để các Bộ, ngành trực thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tại Việt Nam chia sẻ về những ưu tiên trong Kế hoạch công tác khu vực của Cơ quan chuyên ngành, lợi ích đối với Việt Nam và những thách thức trong việc thực hiện.

Các đại biểu cũng đã được Bộ Nội vụ hướng dẫn về việc tổ chức thực hiện Đề án triển khai Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 theo Quyết định số 1439/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 

Trong khuôn khổ một ngày diễn ra Hội nghị, nhiều ý kiến và đề xuất của các đại biểu được đưa ra, làm tiền đề cho sự phối hợp tốt hơn nữa trong việc thực hiện Đề án 161 cũng như các hoạt động hợp tác ASEAN của quốc gia.

Thanh Nhung - Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh