THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:10

Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Mục đích của hội thảo nhằm làm rõ các vấn đề lý luận về quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đánh giá thực trạng quan hệ lao động tại Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư. 

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam; PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn; ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cùng  hàng trăm đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội; Ban Quản lý các khu công nghiệp, chế xuất; Các hiệp hội doanh nghiệp; Các trường đại học và viện nghiên cứu…

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết: Thúc đẩy quan hệ lao động (QHLĐ) hài hòa, ổn định và tiến bộ là chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, các chủ thể tham gia QHLĐ, cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đối với Việt Nam, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, hướng tới xây dựng và phát triển QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, nhằm khơi dậy và phát huy các lợi thế về nguồn lực lao động của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Đoàn Chủ tịch Điều hành Hội thảo

Đoàn Chủ tịch Điều hành Hội thảo

Trong những năm qua, cùng với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019, sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012, nhiều quy định mới về cơ chế tương tác trong QHLĐ, như đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công, cũng như các thiết chế QHLĐ đã được Nhà nước quan tâm ban hành và triển khai thực hiện. Trên phạm vi cả nước, nhiều chương trình, đề án thí điểm xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp đã được các cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, thực tiễn QHLĐ tại các doanh nghiệp rất đa dạng, liên tục xuất hiện những vấn đề mới phát sinh, đòi hỏi phải quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt ngày nay trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi ngày càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Do vậy, yêu cầu khách quan, cấp bách phải có những giải pháp khả thi xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ tại các doanh nghiệp nhằm góp phần ổn định môi trường đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

“Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Trường Đại học Công đoàn, phối hợp với Cục Quan hệ lao động và tiền lương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhằm mục đích thông qua việc làm rõ các vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; đồng thời tạo diễn đàn học thuật để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạt động thực tiễn trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới, cách tiếp cận mới đang đặt ra hiên nay và xây dựng tư duy nghiên cứu khoa học, giảng dạy theo hướng tiếp cận liên ngành, gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành quan hệ lao động” - PGS.TS. Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương trình bày tham luận về QHLĐ Việt Nam hiện nay và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương trình bày tham luận về QHLĐ Việt Nam hiện nay và định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho biết: Trải qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, quan hệ lao động ở nước ta đã không ngừng phát triển cả về nhận thức, luật pháp và thực tiễn và đạt được những kết quả quan trọng: Số người tham gia quan hệ lao động không ngừng tăng lên. Nếu tại thời điểm năm 1995, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 33 triệu người thì hết Quý I năm 2023 con số này đã tăng lên khoảng 52,2 triệu người, trong đó số người có việc làm khoảng 51,1 triệu người; số người làm công hưởng lương là 27,6 triệu người, trong đó hơn 4 triệu người hưởng lương trong khu vực hành chính, sự nghiệp công lập và 22,38 triệu người làm công hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; số lao động làm việc trong khoảng 290 khu công nghiệp là khoảng 4 triệu người. Số lượng các doanh nghiệp và lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng tăng lên mạnh mẽ. Tính đến 31/12/2021, cả nước có 857,551 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, nhiều gấp gần 22 lần số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2000 (39,069 doanh nghiệp); Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2020 là 14,7 triệu người, nhiều gấp hơn 4 lần tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2000 (3,4 triệu người).

Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan

Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh về quan hệ lao động được hình thành tương đối đồng bộ, ngoài Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn chi tiết điều chỉnh trực tiếp còn có một hệ thống các văn bản pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội… đã điều chỉnh các vấn đề liên quan. Nhận thức chung của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tác xã hội về quan hệ lao động ngày càng đầy đủ hơn; đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng tập thể ngày càng phổ biến và có xu hướng đi vào thực chất hơn; các thiết chế ba bên như Hội đồng Tiền lương quốc gia, Ủy ban Quan hệ lao động được thiết lập và từng bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, ông Nguyễn Huy Hưng cũng nêu một số nhiệm vụ và giải pháp chính như: Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng phù hợp với các nguyên lý của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, bảo đảm tôn trọng đầy đủ các quyền của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ trong đối thoại, thương lượng và giải quyết tranh chấp lao động; giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp của cơ quan nhà nước vào quan hệ lao động, đảm bảo quan hệ lao động diễn ra theo đúng quy luật thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó là tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động; thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước để tăng cường quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, đẩy mạnh việc đổi mới về mặt tổ chức và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động và tăng cường hoạt động đối thoại tại nơi làm việc...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tiến hành trao đổi, thảo luận những vấn đề mới, cách tiếp cận mới về các nội dung đặt ra đối với việc thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế như: Thực trạng quan hệ lao động Việt Nam hiện nay và định hướng thúc đẩy trong thời gian tới; vai trò và trách nhiệm của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; hoàn thiện cơ chế ba bên góp phần xây dựng QHLĐ hài hoà, ổn định và tiến bộ ở Việt Nam; đối thoại, thương lượng tập thể trong quan hệ lao động; giải quyết tranh chấp lao động và đình công; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về quan hệ lao động…

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh