THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:01

Gắn công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm với xây dựng NTM

Quảng Xương là một vùng đất ven biển phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất được hình thành từ rất sớm, là nơi hội tụ của cư dân từ nhiều miền đất nước, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong huyện. Trải qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, hiện nay (tháng 12/2015), Quảng Xương có diện tích tự nhiên là 200,43km2 với địa bàn hành chính gồm 36 xã, thị trấn, dân số hơn 230 nghìn người. Năm 2015, huyện Quảng Xương có 9 xã đăng ký hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới. Đến nay, đã có 9 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các ngành và đoàn thể.

Thi tìm hiểu công tác giảm nghèo ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương.

Trong 19 tiêu chí, các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo (tiêu chí 11), đào tạo nghề và giải quyết việc làm (tiêu chí 12) được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp sát thực mang lại hiệu quả cao đã tạo động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển biến mạnh về sản xuất hàng hoá, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, phát huy được tiềm năng, lợi thế tại các địa phương.

Về công tác giảm nghèo: Trong giai đoạn 2010-2015, chuẩn nghèo mới theo Quyết định 09/QĐ - TTg ngày 30/01/2011 mức chuẩn  nghèo ở khu vực nông thôn là dưới 400.000 đồng, ở khu vực thành thị là dưới 500.000 đồng,  tỷ lệ hộ nghèo huyện Quảng Xương năm 2010 số hộ nghèo là 13.609 hộ chiếm 21,14 %, hộ cận nghèo là 7.510 chiếm 11,66 %; năm 2011 số hộ nghèo là 11.804 hộ chiếm 17,84 %, hộ cận nghèo là 7.546 hộ chiếm 11,41%; năm 2012 số hộ nghèo là 9.041 hộ chiếm 15,51%, hộ cận nghèo là 6.443 hộ chiếm 11,05%; năm 2013 số hộ nghèo là 7.197 hộ chiếm 12,14%, hộ cận nghèo là 5969 hộ chiếm 10,07%; năm 2014 số hộ nghèo là 5.452 hộ chiếm 9,11%, hộ cận nghèo là 5450 hộ chiếm 9,10%.

Trao quà của Hội Chữ thập đỏ.

Như vậy sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, số hộ nghèo trên toàn huyện đã giảm từ 13.609 hộ cuối năm 2010 còn 5.452 hộ cuối năm 2014; giảm tỷ lệ từ 21,14% xuống còn 9,11% ( giảm 12,03%), bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2,4%.

Cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới một số xã đã tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài và bên trong để đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương đã giúp người nghèo từng bước chủ động vươn lên thoát nghèo; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, rút gắn khoảng cách phát triển giữa hộ nghèo và hộ khá giả, cải thiện đáng kể điều kiện ăn ở đi lại, học hành, khám chữa bệnh của nhân dân góp phần xây dựng công tác giảm nghèo bền vững của địa phương, như: Xã Quảng Yên giảm từ 312 hộ cuối năm 2010 còn 69 hộ cuối năm 2014; giảm tỷ lệ từ 20,04% xuống còn 4,05% (giảm 15,99%), bình quân mỗi năm giảm 3,2%; xã Quảng Văn giảm từ 431 hộ cuối năm 2010 còn 69 hộ cuối năm 2014; giảm tỷ lệ từ 29,2% xuống còn 4,86% (giảm 22,34%), bình quân mỗi năm giảm 4,87%; xã Quảng Thái  giảm từ 562 hộ cuối năm 2010 còn 106 hộ cuối năm 2014; giảm tỷ lệ từ 29,72% xuống còn 4,9% (giảm 24,82%), bình quân mỗi năm giảm 4,96%;

Về công tác đào tạo nghề - giải quyết việc làm - xuất khẩu lao động: Trong 5 năm (2010 - 2014) đã giải quyết việc làm cho 26.646 lao động , trong đó 1.526 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 95%. Các xã đã hỗ trợ cho 325 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định 1249/QĐ-UBND ngày 21/04/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, với tổng số tiền là 325 triệu đồng. Đào tạo nghề cho 1.374 lao động nông thôn theo Quyết định 1956 và lao động nông thôn thuộc hộ nghèo với tổng kinh phí 1 tỷ 882 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương.Những việc làm trên đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, từ nông - lâm - ngư nghiệp sang Công nghiệp - xây dựng và Dịch vụ. Năm 2010, cơ cấu lao động là: 59% - 17% - 24% đến năm 2015 này là 52% - 22% - 26%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong khu vực nông thôn đã tăng 15 %, từ 34 % năm 2010 lên 49% năm 2015.

Trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương đã xác định mục tiêu đến năm 2018 huyện Quảng Xương được công nhận là huyện nông thôn mới, năm 2020 trở thành huyện tiên tiến trong tỉnh. Để làm được điều đó đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá, trong đó công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cần phải nhanh và bền vững với những bước đi thích hợp. 

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh