CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Thúc đẩy kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại "Hội nghị ASEM về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững" diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 27- 28/10. Hội nghị do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị
 Mục tiêu chung: ổn định việc làm xanh và xúc tiến việc làm bền vững 
Hội nghị là hoạt động nhằm triển khai sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Italia tháng 10/2014. Đây cũng là một trong bốn hoạt động quan trọng của ASEM mà Việt Nam đăng cai trong năm nay nhằm kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn ASEM (1996-2016).

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 100 đại biểu, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, dạy nghề, môi trường từ các thành viên ASEM, đại diện của tổ chức quốc tế Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên khai mạc Hội nghị. Trong bài phát biểu của mình Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao hội nghị ASEM về Kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững, xem đây là cơ hội để trao đổi những kinh nghiệm tốt, thúc đẩy hợp tác và khẳng định vai trò của đối thoại, hợp tác Á – Âu trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

"Mỗi khu vực, quốc gia và vùng miền phải đối mặt với những thách thức khác nhau trong quá trình xanh hóa nền kinh tế với định hướng phát triển bền vững và toàn diện. Trong các phân tích gần đây được thực hiện bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức Giới chủ Quốc tế đã chỉ ra rằng thiếu kĩ năng đã và đang cản trở quá trình chuyển đổi qua nền kinh tế xanh", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo đó, nhấn mạnh việc ổn định việc làm xanh và xúc tiến việc làm bền vững đã trở thành mục tiêu chung cho các nhà hoạch địch chính sách của khu vực Châu Á cũng như Châu Âu nhằm cải thiện nền kinh tế và tăng cường thế cạnh tranh quốc gia, Bộ trưởng cho rằng: "Trong bối cảnh này, đào tạo kỹ năng xanh và phát triển kĩ năng nghề, đặc biệt là những kĩ năng đang thiếu (kỹ năng mềm, kỹ năng sử dụng công nghệ mới và quan trọng hơn cả là nhận thức và thay đổi những thói quen xấu ảnh hưởng đến môi trường) trên thị trường chính là chìa khóa để phát huy hết tiềm năng việc làm hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững".

"Tại Việt Nam, với sự phát triển của Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết phải giải quyết những thách thức môi trường và kinh tế xã hội bằng cách trao một vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế bền vững. Đào tạo nghề là một chủ đề được bàn luận trong phát triển lực lượng lao động có tay nghề có khả năng để đáp ứng các yêu cầu của một nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Theo đó đóng góp của đào tạo nghề để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển năng lực để người lao động áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao gắn với sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường. Sự tham gia của đào tạo nghề không chỉ liên quan đến một nhóm các hoạt động, mà còn giúp thực hiện tất cả các nhiệm vụ của Chiến lược Tăng trưởng xanh", Bộ trưởng khẳng định. 

Với chủ đề “Kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững, các thành viên của  ASEM, các chuyên gia từ các tổ chức quốc tế đã thảo luận, chia sẻ các giải pháp về chính sách và thực tiễn để thúc đẩy kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững tại châu Á và châu Âu, bao gồm việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn; kỹ năng xanh hướng tới nền công nghiệp xanh; các vấn đề về thị trường lao động từ góc nhìn của người lao động; Đào tạo nghề hướng tới sản xuất và tăng trưởng xanh; chiến lược về kỹ năng xanh hướng tới việc làm bền vững và toàn diện. 


Thúc đẩy việc chuyển đổi sang môi trường làm việc xanh hơn

Việc thảo luận tại Hội nghị cũng cho thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận các vấn đề nói trên trong ASEM, do chênh lệch về trình độ phát triển, do sự đa dạng về văn hoá và thể chế chính trị, nhưng cũng chứng minh là có rất nhiều điểm tương đồng. Điểm tương đồng lớn nhất đó là mong muốn thúc đẩy kỹ năng xanh, xanh hoá nền kinh tế trong bối cảnh bản chất của việc làm đang thay đổi trên toàn thế giới, đảm bảo việc làm bền vững có năng suất và đàng hoàng hơn cho mọi người.

 Bà Olimpia Negru, Quốc vụ khanh, Bộ Môi trường, Nước và Rừng của Romania cho biết: Trong thực tế, chúng ta đang gặp rất nhiều thách thức để phát triển xanh, điều đó vượt qua các mô hình phát triển kinh tế từ trước đến nay trong nền kinh tế truyền thống để chuyển sang nền kinh tế xanh. Trong đó, có thách thức về xúc tiến thị trường lao động hướng tới phát triển bền vững. Những thách thức này đã được đánh giá, được lồng ghép vào trong Chiến lược chung mà chúng ta hướng tới, đó là nền kinh tế xanh toàn diện trong bối cảnh hợp tác giữa châu Á và châu Âu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các chuyên gia quốc  tế

“Tôi hy vọng tại hội nghị này, những ý tưởng đưa ra sẽ là những giải pháp để tạo nền tảng, đưa ra được việc làm xanh cho tôi, cho bạn và tất cả chúng ta trong tương lai”- bà Olimpia Negru nhấn mạnh.

Cùng với đó, các tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước như tham luận "Dạy nghề xanh: Các vấn đề về thị trường lao động từ góc nhìn của người lao động" của ngài Suzuki Noriyuki, Tổng thư ký ITUC- Châu Á TBD; bản tham luận đem đến cái nhìn khá toàn diện về cơ chế, chính sách để hướng tới nền kinh tế xanh "Tăng trưởng xanh và đào tạo nghề xanh: chính sách và tình hình hình thực hiện tại Việt Nam" của ông Vũ Huy Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)...

Theo các chuyên gia tại Hội nghị, đào tạo nghề là một chủ đề được bàn luận trong phát triển lực lượng lao động có tay nghề có khả năng để đáp ứng các yêu cầu của một nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Theo đó đóng góp của đào tạo nghề để đạt được các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển năng lực để người lao động áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao gắn với sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường. Sự tham gia của đào tạo nghề không chỉ liên quan đến một nhóm các hoạt động, mà còn giúp thực hiện tất cả các nhiệm vụ của Chiến lược Tăng trưởng xanh. 

Hội nghị cũng đã nhất trí rằng ASEM có rất nhiều tiềm năng hợp tác cần tiếp tục khai thác; đồng thời đồng ý tăng cường đối thoại và hợp tác toàn diện giữa các cơ quan chính phủ có liên quan với nhau và với các đối tác xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình về kỹ năng xanh vì mục tiêu đảm bảo tăng trưởng toàn diện và bền vững.

 Với mục tiêu thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực phát triển kỹ năng xanh, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới ASEM cần đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật và phối hợp tốt để chủ động dự kiến và giải quyết được những nhu cầu về kỹ năng mới xuất hiện, thích ứng với công nghệ đang thay đổi, và thúc đẩy việc chuyển đổi sang môi trường làm việc xanh hơn, năng suất lao động cao hơn, đặc biệt đối với thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương khác.

Hội nghị ASEM về Kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nước ta và ASEM trong lĩnh vực lao động- việc làm, an sinh xã hội nói riêng.

 

ASEM là diễn đàn đối thoại và hợp tác có quy mô lớn nhất của hai lục địa Á-Âu, hợp tác trong khuôn khổ ASEM đang ngày càng đi vào chiều sâu để xử lý những thách thức toàn cầu và đảm bảo phát triển bền vững. Với quy mô, tầm vóc của mình trong hệ thống kinh tế thế giới với gần 63% dân số, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu, trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo ASEM đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu để đảm bảo tăng trưởng bền vững và toàn diện với tập trung mạnh vào việc nâng cao khả năng thích ứng của lực lượng lao động đối với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 10, các lãnh đạo Á và Âu đã thừa nhận rằng "việc làm bền vững và hiệu quả là một trụ cột trung tâm của sự phát triển bền vững và toàn diện". Các nước ASEM đã khẳng định cam kết của mình để "tăng cường các chính sách, chương trình và hợp tác để tạo điều kiện cho những nỗ lực trong việc đảm bảo lực lượng lao động sở hữu các kiến thức và kỹ năng cần thiết", đồng thời cũng công nhận "vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, tổ chức lao động và các nhóm xã hội dân sự trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo ra việc làm có hiệu quả và bền vững". 

THANH NHUNG - VĂN GIÁP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh