CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Tăng trưởng xanh: Để phát triển và tạo việc làm bền vững

Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên... đang ảnh hưởng tới sự ổn định môi trường sống của loài người, khiến các quốc gia phải nghĩ tới việc tìm phương thức, cách tiếp cận mới để phát triển bền vững. Một đặc tính quan trọng của nền “kinh tế xanh” là tìm cách cung cấp các cơ hội đa dạng cho phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo mà không thanh lý hoặc làm xói mòn tài sản tự nhiên của quốc gia. 

Nền “kinh tế xanh” tạo ra công ăn việc làm

Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế, từ đó góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Xu hướng chung của thế giới hiện nay trong sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, các doanh nghiệp đều phải hướng đến sản phẩm xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Để đạt được điều đó, đòi hỏi khoa học công nghệ phát triển, và việc đầu tư nguồn nhân lực cho nền kinh tế xanh đang được đẩy mạnh. Sự dịch chuyển lao động cũng cần được quan tâm phân bổ hợp lý, đầu tư về kiến thức, tay nghề cũng như ý thức bảo vệ môi trường từ nông thôn đến thành thị để đáp ứng tăng trưởng xanh cả trong nông nghiệp cũng như công nghiệp. Do đó, theo các chuyên gia, kinh tế xanh không chỉ giải quyết công ăn việc làm bền vững mà còn cải thiện công bằng xã hội.“Các nước đang phát triển, tỷ lệ dân số đói nghèo và có mức thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, chính vì vậy đối với họ vấn đề ưu tiên trước hết là sinh kế và thu nhập nhằm vươn lên thoát khỏi nghèo đói.

Trong tăng trưởng xanh, nếu đề cập tới “Cac bon thấp” hay “Công nghệ cao” đối với các nước này là một khái niệm quá xa vời, không có tính thực tiễn, do vậy đây là trở ngại lớn. Hoạch định chính sách cho tăng trưởng xanh đối với các nước đang phát triển cần phải hết sức chú trọng tới những trở ngại của sinh kế và thu nhập. Chính vì vậy trong dự thảo chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam phải gắn với xóa đói giảm nghèo” - TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho biết.

Sản xuất chè sạch theo hướng an toàn, ít phát thải. 

 

Vai trò của tăng trưởng tín dụng xanh trong xóa đói giảm nghèo

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp xanh - các bon thấp với mục tiêu cụ thể là thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng an toàn, ít phát thải, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần giảm nghèo và ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, mô hình “cải thiện nông nghiệp có tưới” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ là mô hình được đánh giá cao. WB đã tài trợ cho 7 tỉnh là Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2020 để cải thiện nông nghiệp có tưới. Tuy mới ở giai đoạn đầu nhưng các chuyên gia đánh giá đây sẽ là dự án thành công để cải thiện sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, và sẽ là kinh nghiệm tốt để Việt Nam ưu tiên ngân sách quốc gia cho các dự án tương tự ở các tỉnh và các vùng sinh thái khác.

Trước yêu cầu tăng trưởng nền kinh tế phải gắn liền với các vấn đề bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh sẽ luôn cần trách nhiệm, vai trò của tăng trưởng tín dụng xanh. Vấn đề này đã và đang là yêu cầu đối với ngành ngân hàng, do đó, NHNN cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô... qua đó đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

 

Cụ thể có nhiều kết quả nổi bật trong triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù, góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, như: Tổ chức triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020. Việc triển khai chương trình này đã tạo điều kiện giúp cho cây cà phê Tây Nguyên phát triển bền vững, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hay như triển khai chương trình cho vay trồng rừng theo Nghị quyết 30a, theo đó, các hộ nghèo khi vay vốn các ngân hàng thương mại Nhà nước để trồng rừng sản xuất sẽ được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất; hỗ trợ, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và một số chương trình tín dụng khác..., NHNN cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia của Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, theo lộ trình đến năm 2030, Việt Nam đạt trình độ nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh. Giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 2-3%; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 50%. Tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chế biến sâu; môi trường được phục hồi và cải thiện đạt các tiêu chuẩn cơ bản về sạch và xanh.

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1393 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Chiến lược nêu rõ tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Mục tiêu đến năm 2050 năng lượng và công nghệ xanh được sử dụng phổ biến, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

NGUYỄN THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh