THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:45

Thúc đẩy kết nối, phân cấp trao quyền để hộ nghèo được hưởng lợi

.

Tác động chính sách

Ghi nhận những thành tựu giảm nghèo đã đạt được và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cuối năm 2012, UNDP và  Ailen đã quyết định tài trợ dự án: Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP (2011-2020) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 (dự án PRPP). Dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP có tổng ngân sách 10,385 triệu USD, trong đó đóng góp của Ailen là 4 triệu EUR, UNDP là 3 triệu USD, thời gian thực hiện từ năm 2012 - 2016.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội thảo

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực lập kế hoạch, triển khai thực hiện và giám sát đánh giá, điều phối của các bộ, ngành trung ương tại 8 tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh. Dự án được thiết kế mang tính hệ thống tập trung hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó ưu tiên cho các huyện, xã, nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi. 

Các đại biểu tham dự hội thảo 

Báo cáo về kết quả sau khi tiến hành đánh giá giữa kỳ dự án, bà Võ Hoàng Nga, cán bộ UNDP cho biết: Vào thời điểm giữa kỳ, dự án đã có đóng góp đáng kể đến việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 80, dự án đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi và có thể hỗ trợ Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy và tăng cường các chính sách trong năm 2015-năm có ý nghĩa trong việc tái thiết chính sách giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Dự án PRPP đã tạo bước tiến thuận lợi để hỗ trợ Việt Nam xây dựng một kế hoạch tổng thể về giảm nghèo theo hướng đa chiều.

Sản phẩm truyền thông của dự án PRPP

 Cụ thể, theo bà Nga, trong hơn 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ các bộ, ngành thực hiện việc rà soát 149 văn bản pháp lý liên quan đến giảm nghèo, xây dựng được 20 chính sách quan trọng(15 quyết định đã được ban hành, 5 quyết định đang được tham vấn, sẽ được thông qua trong giai đoạn tới). “Các dự án, mô hình giảm nghèo với sự tham gia của thôn , bản, hộ đã có tác dụng trong tạo sinh kế cải thiện trực tiếp cuộc sống hộ nghèo. Và đã gợi mở hướng quản lý, vận hành giảm nghèo theo hướng bền vững, phân cấp, trao quyền  để hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định phát triển kinh tế...”-bà Nga cho biết thêm.

Tăng cường kết nối trung ương, địa phương

Theo ông Đoàn Hữu Minh, Quản đốc quốc gia dự án PRPP(Bộ LĐ-TB&XH): Từ thực tiễn tổ chức và vận hành thực hiện, đã cung cấp thông tin và vận động các cơ quan Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét hoạch định, vận động, điều chỉnh các chính sách giảm nghèo, kết nối các bộ, ngành có liên quan từ trung ương đến địa phương, để chính sách ban hành sát vào thực tiễn ngay. Việc đổi mới cách làm giảm nghèo từ thực tiễn địa phương, tạo sự đồng thuận của cộng đồng, cơ sở-cũng là vấn đề được đại diện dự án PRPP địa phương thụ hưởng chia sẻ. Phó Giám đốc dự án PRPP tỉnh Điện Biên Phạm Quý Hùng, chia sẻ: “ Việc tham gia của cộng đồng, mà trực tiếp là hộ nghèo, lồng ghép bình đẳng giới cho phụ nữ nghèo dân tộc...là bước đột phá khá biệt so với các dự án trước đây”.

Hộ vươn lên thoát nghèo ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Có mặt tại hội thảo, chị Lý Thị Huyền, dân tộc Tày đến từ xóm Nà Chia, xã Lương Can(huyện Thông Nông, Cao Bằng)-một trong những hộ nông dân nghèo hưởng lợi từ dự án PRPP, cho biết: “Gia đình tôi tham gia dự án năm 2013 với việc lựa chọn nuôi một con lợn nái. Tháng 6/2015, con lợn đã đẻ được 2 lứa(mỗi lứa được 10-12 con), sau khi nuôi thêm 2 tháng, gia đình tôi xuất bán, mỗi lứa thu được 8-10 triệu đồng”. Sau đó, dự án còn hỗ trợ gia đình chị nuôi thêm lợn thịt.Với sự cố gắng của bản thân chị, sau hơn 1 năm tham gia dự án, gia đình chị Huyền đã thoát nghèo, có mức thu nhập 20-30 triệu đồng/năm.

 PRPP chú trọng việc trao cấp, phân quyền cho cơ sở, tăng cường phụ nữ nghèo tham gia

Kết quả tác động từ dự án PRPP mới chỉ là bước đầu, vẫn cần những sự điều chỉnh, kết nối giữa ban quản lý dự án từ trung ương tới cơ sở trong việc vận hành, rất cần sự sáng tạo hơn trong thời gian tới. Từ những việc thu nhận được, là sự gợi ý rất tốt giúp triển khai và vận hành Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả cao hơn. Bởi theo nhận định từ các bộ, ngành có liên quan: “Việc thiết kế dự án PRPP rất tốt, đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành không chỉ với riêng Bộ LĐ-TB&XH. Là dự án hỗ trợ kỹ thuật định hướng, nên đã phát huy hiệu quả rất tốt trong môi trường thể chế hiện tại. PRPP là cây cầu kết nối giữa Bộ LĐ-TB&XH với các bộ, ngành khác trong công tác giảm nghèo...”

PT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh