CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Bình Phước: Đào tạo nghề góp phần xóa đói giảm nghèo

 

Lớp đào tạo nghề LĐNT cho học viên.

 

Trên 70% lao động có việc làm sau học nghề

Đề án đào tạo nghề cho LĐNT có ý nghĩa rất quan trọng, vì vậy trong thời gian qua, tỉnh luôn tích cực thông tin tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân, thu hút người lao động tích cực tham gia học nghề phù hợp với khả năng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm. Công tác tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của việc đào tạo nghề cho LĐNT đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Ông Võ Văn Mãng, GĐ Sở LĐ-TB&XH Bình Phước cho biết: Qua sơ kết 5 năm triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT, có 100% các huyện, thị, trong tỉnh đã hoàn thành xong việc tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của LĐNT và phổ biến Quyết định 1956 tới mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh đã xây dựng hiệu quả các mô hình thí điểm dạy nghề kỹ thuật khai thác cao su, kỹ thuật chăn nuôi gà, mây tre đan… thành lập thêm 3 Trung tâm dạy nghề cấp huyện nâng tổng số TTDN lên 6/10 huyện, thị xã. Tỉnh đã đào tạo cho 24.138 người đạt 167.6% so với kế hoạch 5 năm (14.400 lao động ), đạt 91.4% so với kế hoạch giai đoạn 2010 – 2020 (26.400 lao động ) . Tỷ lệ có việc làm sau khi học  nghề đạt trên 70%. Đào tạo nghề cho đối tượng 665 thuộc hộ nghèo; 10.992 đối tượng là người dân tộc thiểu số…

Trong thời gian qua, tỉnh đã ký kết với công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước, công ty TNHH Mây Tre Đan Lan Anh và Hợp tác xã Gia Khang sau khóa học kết thúc người lao động được nhận vào làm việc trực tiếp tại các đơn vị hoặc có thể nhận nguyên liệu về nhà để tự sản xuất, thuận tiện cho sinh hoạt. Cơ sở dạy nghề sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra của người lao động. Do tính chất của ngành nghề nên trong quá trình đào tạo học viên vừa học vừa làm ra sản phẩm cũng được trả công trong quá trình học.

Anh Võ Ngọc Hải (xã Lộc An, Lộc Ninh) chia sẻ: Khi chưa có nghề trong tay, tôi chủ yếu tham gia nhận khoán làm cỏ cao su cho Nông trường và làm kinh tế tại gia đình nên thhu nhập thấp và không ổn định, mỗi tháng được khoảng từ 600.000 – 1.000.000 đồng. Chương trình đào tạo nghề cho LĐNT được địa phương hưởng ứng mạnh, thấy ai học xong cũng đều có việc làm và thu nhập ổn định. Tôi đăng ký tham gia học nghề chăm sóc khai thác cao su, học xong được Nông trường cao su tuyển dụng với mức lương ổn định từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng/tháng tùy vào sản lượng mủ khai thác hàng ngày.

Cũng như anh Hải, chị Nguyễn Thị Ba (Đồng Phú) cho biết: Từ trước tới giờ, gia đình hay chăn nuôi gà thả vườn chỉ nuôi theo kinh nghiệm, không nắm rõ lắm về kỹ thuật, cách chăm sóc với nguồn thức ăn thế nào cho phù hợp, vì vậy gà hay bị bệnh và chết nhiều nên năng suất thấp có khi lỗ vốn. Sau khi  được trang bị kiến thức từ khóa học nghề, tình hình chăn nuôi ngày càng hiệu quả, thu nhập tăng gấp 2 lần. Một bộ phận lao động trong gia đình có sẵn diện tích cao su, đất vườn, trang trại nên sau khi học xong đã sử dụng kiến thức học được vào việc chăm sóc, quản lý vườn cao su và chăn nuôi của gia đình.

Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB&XH: Giai đoạn 2016 – 2020 với chỉ tiêu đề ra tỉnh đào tạo cho 10.000 LĐNT, dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, lao động bị thu hồi đất canh tác. Riêng năm 2015 đào tạo cho 2.000 LĐNT. Tỷ lệ lao động kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 70%.

Ông Võ Văn Mãng nhấn mạnh: Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh thực hiện lồng ghép với một số giải pháp như: Xây dựng phần mềm quản lý đào tạo nghề, kiện toàn tổ chức nhân sự làm công tác quản lý dạy nghề cấp huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề; thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các TTDN, bổ sung và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề, ban hành chương trình – giáo trình phù hợp với thực tiễn sản xuất, nâng cấp sửa chữa nhà xưởng cho các cơ sở dạy nghề thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. Huy động những người đã có trình độ kỹ năng nghề cao, đã qua sản xuất để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để thành giáo viên dạy nghề. Tuyển những người đã đạt chuẩn trình độ chuyên mô để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề. Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề và việc làm đồng thời lồng ghép công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của tỉnh.

Ngọc Pha Lê

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh