CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nam-Thái Lan

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Sirichai Distakul về tình hình hợp tác lao động giữa hai Bộ trong thời gian qua.

Tại buổi tiếp kiến giữa hai Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực lao động trong thời gian qua thông qua hợp tác song phương giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Thái Lan và trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), và Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS).  Đặc biệt, việc ký kết Thỏa thuận gửi và tiếp nhận lao động và Hiệp định hợp tác lao động giữa hai Chính phủ nhân chuyến thăm chính thức Thái Lan và dự họp Nội các chung Việt Nam-Thái Lan của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tới Thái Lan ngày 23/7/2015. “ Việc ký kết các văn bản này đánh dấu một bước tiến mới, một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa hai Bộ. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý cho việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy triển khai hiệp định và thỏa thuận đã ký trong thời gian sớm và hiệu quả nhất

Thông tin tới Ngài Sirichai Distakul-Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay các cán bộ hai bên đang xúc tiến việc trao đổi, thống nhất về quy trình, thời gian, chi phí cho việc phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan; đầu mối phía Thái Lan tiếp nhận Lao động của Việt Nam…Trên cơ sở đó, hai bên sớm hoàn tất việc xây dựng kế hoạch hành động triển khai Thỏa thuận phái cử lao động. “Tôi mong muốn hai Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy triển khai hiệp định và thỏa thuận đã ký trong thời gian sớm và hiệu quả nhất”-Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ.

Tiếp tục trao đổi về tình hình hợp tác giữa hai Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị phía Thái Lan mở thêm việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam sang làm việc trong ngành nghề sản xuất chế tạo và dịch vụ. Đây là những ngành nghề lao động Việt Nam có khả năng và các chủ sử dụng lao động Thái Lan thực sự có nhu cầu. “Thưa Ngài Bộ trưởng, tôi được biết hiện nay, người lao động đi làm việc tại Thái Lan chủ yếu là lao động tự do. Với vai trò là thành viên của Chính phủ, tôi đề nghị Ngài Bộ trưởng sẽ hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động tại Thái Lan, đặc biệt sau khi Kế hoạch hành động triển khai Thỏa thuận được ký kết thì ngày càng có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong muốn hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác đa phương và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế (ASEAN, ACMECS....)

 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Sirichai Distakul bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vì sự đón tiếp nồng hậu và ghi nhận lời đề nghị từ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung.

Đáp lời, Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Sirichai Distakul bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung vì sự đón tiếp nồng hậu và ghi nhận lời đề nghị từ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung. “Cuộc họp này là cơ hội rất tốt để hai bên chia sẻ thông tin về quy trình phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan, thúc đẩy quá trình hoàn thiện Kế hoạch Hành động và sớm đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan”- Bộ trưởng Sirichai Distakul nói.

Quang cảnh buổi tiếp đoàn Đoàn cán bộ Bộ Lao động Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan

Trước đó, đoàn kỹ thuật của hai Bộ đã làm việc và trao đổi về các nội dung liên quan đến việc phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan, hỗ trợ cho quá trình hoàn tất các thủ tục và thống nhất quy trình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan với các nội dung:

1.Hai bên thống nhất quy trình 8 bước phái cử lao động Việt nam sang làm việc tại Thái Lan

2. Thái lan thống nhất về danh sách các cơ quan phái cử Việt nam đã được chỉ định, bao gồm 4 đơn vị Nhà nước: Trung tâm Lao động nước ngoài và 3 trung tâm dịch vụ việc làm do Sở LĐ-TB&XH các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình quản lý và 5 doanh nghiệp tư nhân.

3. Hai bên  trao đổi thông tin liên quan đến tổng chi phí dự kiến phái cử lao động Việt Nam sang  làm việc tại Thái Lan (phí hộ chiếu, phí kiểm tra sức khỏe, phí xin visa, phí máy bay, phí dịch vụ, phí đào tạo định hướng, đóng quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước; chi phí tại Thái Lan; giấy phép lao động; phí kiểm tra sức khỏe, bảo hiểm y tế, phí dịch vụ cho các doanh nghiệp tuyển dụng tư nhân, vé máy bay về nước…)

4. Phía Việt Nam đề nghị phía Thái Lan xem xét việc cấp visa nhiều lần cho lao động Việt Nam theo thỏa thuận.

5. Phía Việt Nam đề nghị Thái Lan mở rộng thêm một số ngành nghề tiếp nhận lao động việt Nam, ngoài ngành nghề xây dựng và đánh bắt cá.

6. Phía Thái Lan thống nhất thông báo cho phía Việt Nam về hợp tác mẫu, tài liệu giáo dục định hướng, danh sách đầu mục kiểm tra sức khỏe và các cơ quan tiếp nhận phía Thái Lan trước cuối tháng 4/2016.

7. Phía Thái Lan đề nghị Việt Nam đào tạo tiếng Việt cho các doanh nghiệp nhà đầu tư, người lao động và chia sẻ thông tin về vấn đề lao động như hệ thống an sinh xã hội cơ chế giải quyết tranh chấp lao động.

8. Phía Việt Nam sẽ thông tin cho phía Thái Lan về các bệnh viện của Việt Nam được phép tiến hành kiểm tra sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam.

9. Phía Thái Lan thống nhất sẽ hoàn thành Kế hoạch hành động triển khai Thỏa thuận phái cử và thông tin về thời điểm bắt đầu triển khai Thỏa thuận vào tháng 5 năm 2016.

VĂN NGHĨA-XUÂN BẮC/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh