THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:16

Thúc đẩy đối thoại xã hội, cải thiện năng suất và điều kiện làm việc


Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, đoàn đại biểu cấp cao ba bên Thụy Sỹ (bao gồm đại diện của Chính phủ, tổ chức của người sử dụng lao động và tổ chức của người lao động) do ông Boris Zürcher, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, dẫn đầu. Đây là cơ hội giúp cho đoàn đại biểu hiểu rõ hơn về thị trường lao động của Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm liên quan từ Thụy Sỹ. 

Hội nhập giúp tăng năng suất lao động

Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định: Cùng với quá trình phát triển đất nước, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, toàn diện với khu vực, quốc tế, trong đó có lĩnh vực lao động, xã hội. Đây là quá trình Việt Nam tham gia vào phân công lao động quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội, tuân thủ các luật chơi chung, trong đó có các công ước quốc tế của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu hứa hẹn lợi ích kinh tế của đầu tư ngày càng nhiều, thị trường lao động rộng mở, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy tăng năng xuất lao động.

Đồng thời, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức của việc cải thiện năng suất, cải thiện điều kiện làm việc, thúc đẩy đối thoại xã hội đối với cả công ty lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu lợi ích kinh tế được phân phối không đồng đều giữa các thành phần kinh tế. Đặc biệt, đối với những người làm việc trong nền kinh tế không chính thức có thể bị bỏ lại phía sau. Năng suất lao động, điều kiện việc làm, đối thoại xã hội có mối liên hệ mật thiết, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho tất cả các bên. Việt Nam đã, đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động, tăng cường đối thoại xã hội. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều kiện lao động tuy được cải thiện những vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biêt là khu vực phi chính thức, năng lực thanh tra lao động còn gặp nhiều thách thức về số lượng, chất lượng. Đối thoại xã hội, đặc biệt là đối thoại ở doanh nghiệp còn mang tính chất hình thức. Điều đó cho thấy cần có những nỗ lực liên tục đồng bộ để thực hiện nội dung này. 


Toàn cảnh buổi hội thảo


Tiến sỹ Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức quốc tế (ILO) tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Để một bền kinh tế mở cửa có thể duy trì tính cạnh tranh đồng thời đảm bảo sinh kế ổn định cho nhóm dân số trong độ tuổi lao động, cần có một môi trường phát triển doanh nghiệp bền vững cũng như các thiết chế thị trường lao động linh hoạt nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của các cú sốc bên ngoài đối với đời sống của người lao động. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mà Việt Nam là một bên liên quan, yêu cầu Việt Nam phải cải tổ Bộ Luật Lao động và quan hệ lao động theo Tuyên bố 1998 của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser Mallor cho rằng: Một vấn đề cần quan tâm khác là bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam đã được cảnh báo. Việt Nam có thể không thoát ra khỏi nền sản xuất thâm dụng lao động đem lại ít giá trị gia tăng và trả lương thấp cho lực lượng lao động không có kỹ năng. Trong bối cảnh như vậy, thúc đẩy đối thoại xã hội, tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Đây là thời điểm thích hợp cho Chính phủ của Việt Nam, cùng với ILO, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức của người lao động, các đối tác xã hội khác, xem lại chính sách của mình để nâng cao năng suất và điều kiện làm việc và thực hiện các chính sách hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.

 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát bIểu tại hội thảo

  

Cải thiện điều kiện làm việc là sự đầu tư, không phải là chi phí 

 

 

Việt Nam sẽ không phải bắt đầu từ con số không do Việt Nam đã thu được những kinh nghiệm tích cực từ các chương trình quan trọng của ILO do Chính phủ Thụy Sỹ và các đối tác khác tài trợ. 

Chương trình Better Work (Việc làm tốt hơn) tại Việt Nam, với số lao động từ các nhà máy tham gia chiếm hơn 20% tổng lao động trong ngành may mặc cả nước đã đem lại những cải thiện đáng kể về điều kiện làm việc tại các nhà máy may mặc, đồng thời thúc đẩy hiệu suất kinh doanh thông qua việc tuân thủ tốt hơn luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Người lao động tại các nhà máy tham gia chương trình Better Work cho biết lương hàng tuần tăng, và họ ít lo ngại hơn về việc phải làm tăng ca quá nhiều và vấn đề bị lạm dụng hợp đồng thử việc. Đồng thời, các nhà máy nơi công nhân cho biết điều kiện làm việc được cải thiện, có lợi nhuận cao hơn tới 8%. Tính trung bình, các doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu trên chi phí tăng 25% sau bốn năm tham gia Better Work.

Một chương trình khác – Chương trình phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) – với gần 120 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành chế biến gỗ và nội thất cho thấy, đối thoại xã hội đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc cải thiện điều kiện làm việc mà còn góp phần tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Khoảng 90% các doanh nghiệp tham gia chương trình SCORE tại Việt Nam cho biết chi phí giảm đi và một nửa trong số các doanh nghiệp báo cáo về việc giảm lỗi sản phẩm là kết quả chương trình đem lại. Chương trình Better Work Việt Nam được tài trợ bởi SECO, Irish Aid và Bộ Ngoại giao Hà Lan, Bộ Phát triển Việc làm và Xã hội Canada (ESDC) và Bộ Lao động Hoa Kỳ (USDOL). Chương trình SCORE được tài trợ bởi SECO và Chính phủ Na-uy. 

“Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, song vẫn cần có sự hỗ trợ nhằm thúc đẩy đối thoại xã hội, năng suất lao động và điều kiện làm việc”, Đại sứ Thụy Sỹ cho biết. Bà Đại sứ khẳng định: "Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua viện trợ chính thức (ODA) và Chiến lược hợp tác của Thụy Sỹ dành cho Việt Nam giai đoạn 2017-2020 được công bố gần đây. Trong số các mục tiêu đề ra, Thụy Sỹ sẽ hỗ trợ xây dựng một khu vực tư nhân cạnh tranh và sử dụng nguồn lực hiệu quả. Điều này bao gồm cả việc cải thiện năng suất và điều kiện làm việc nhằm đảm bảo các sản phẩm của Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường nước ngoài”.

 

Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

THIỂU VĂN LÝ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh