Thúc đẩy chuyển đổi số - vượt qua khó khăn do dịch Covid-19
- Huyệt vị
- 14:19 - 11/09/2021
Hiện nay, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và là xu thế tất yếu trên thế giới, được nhiều quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và phát triển. Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia, DN.
Tại Diễn đàn Tài chính trực tuyến 2021 do Thời báo Tài chính phối hợp với một số đơn vị vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần biến khó khăn do dịch bệnh bủa vây thành động lực chuyển mình.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chuyển đối số có 3 trụ cột gồm: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Quá trình chuyển đổi số là xây dựng hệ sinh thái số, trong đó cả Chính phủ, người dân và doanh nghiệp đều phải thay đổi.
Ngành tài chính đang xây dựng kiến trúc tổng thể, hướng tới tài chính số. Mục tiêu là sẽ thiết lập xong hệ sinh thái tài chính số, trong đó, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, kết nối với các đơn vị thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu nền tảng số hóa...
Để đạt được điều này, hệ sinh thái tài chính số phải có năng lực xây dựng, tích hợp, chia sẻ dữ liệu… Các dữ liệu tài chính ngân sách là nguyên liệu cho người dân, DN khai thác để sản sinh được các dịch vụ số phù hợp mô hình kinh doanh, nhu cầu của mình, qua đó tối ưu hóa kế hoạch kinh doanh.
"Năm 2030, chúng tôi kỳ vọng, quyết tâm thông qua ngành tài chính hiện đại vững mạnh dẫn dắt sự phát triển kinh tế số dựa trên đẩy mạnh giá trị gia tăng của các dịch vụ tài chính, chuyển đổi mô hình kinh tế,...", TS Nguyễn Việt Hùng nói.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành tài chính đã có được thành công trong ứng dụng tin học hóa và số hóa. Trong đó, lĩnh vực quản lý thuế và hải quan đã có bước tiến vượt bậc, mang tính chất thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp, chuyển sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thiết bị hiện đại hóa để số hóa. Nhờ đó, DN, người dân đã thấy rõ sự công khai minh bạch về thuế từ việc thực hiện ứng dụng này. Thời gian làm thủ tục đã rút ngắn rất nhiều.
Các giao dịch thuế, hải quan được điện tử hoá, DN có thể giao dịch 24/7 nhanh chóng qua hệ thống mạng máy tính. Nhiều thủ tục trước đây hao phí hằng ngày, thì hiện nay chỉ tính bằng phút. Trong bối cảnh đại dịch, các hoạt động giao tiếp trực tiếp không thực hiện được do yêu cầu giãn cách xã hội thì các dịch vụ thuế, hải quan điện tử giúp ích rất nhiều. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, việc điện tử hoá các hoạt động giao dịch trên có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI, dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các quốc gia, DN cũng như sinh kế của con người. Nhưng ngược lại đó cũng chính là chất "xúc tác" để các chủ thể của nền kinh tế buộc phải đẩy nhanh tiến trình cải cách. Nếu đẩy nhanh cải cách, số hoá, tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì các DN, nền kinh tế có thể bù đắp được những thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Ở nước ta, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã chỉ rõ 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí, cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.