Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10):
Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính
- Dược liệu
- 14:34 - 06/10/2023
Hệ lụy từ mất cân bằng giới tính khi sinh
Vào năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 11/10 hằng năm làm Ngày Quốc tế trẻ em gái. Mục đích của ngày này là nâng cao nhận thức về bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế...; thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.
Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh ở mức rất cao là 112,8 bé trai/100 bé gái. Trong giai đoạn 2016-2022, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (112 bé trai/100 bé gái, năm 2022).
Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình nhấn mạnh, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia…
Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam cũng đã chỉ ra các hệ lụy trong tương lai của tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay. Rõ ràng là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái quan sát được gần đây ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài.
Dựa trên các phân tích chuyên sâu, Tổng cục Thống kê và UNFPA đã đưa ra kịch bản về sự dư thừa nam giới so với nữ giới độ tuổi từ 20-39 tuổi trong giai đoạn 2019- 2059. Theo đó, nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam. Với kịch bản Việt Nam nỗ lực thực hiện các biện pháp thay đổi nhanh khiến tỷ số giới tính khi sinh giảm đều và trở lại mức 106,9% vào năm 2059, dù tình trạng nam dư thừa vẫn cao nhưng con số này đã có sự giảm đáng kể còn 926,5 nghìn người nam dư thừa, tương ứng 6,5% tổng số nam giới của cả nước.
Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình. Hệ quả của hệ quả là sẽ có thể gây ra sự bất ổn xã hội, gia tăng các tệ nạn như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu sinh lý của họ không được đáp ứng.
Thúc đẩy bình đẳng giới, giảm mất cân bằng giới tính
Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái.
Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa đề nghị các cấp, ngành chú trọng tuyên truyền về nội dung phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phù hợp, tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người; tuyên truyền các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…
Sở Y tế các địa phương tập trung tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và kênh truyền thông trực tiếp tại cơ sở về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới; triển khai các loại hình cung cấp thông tin, mô hình tư vấn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới… ưu tiên vùng sâu, vùng cao, biển, đảo và ven biển; đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng Internet, mạng xã hội của địa phương; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác. Đồng thời, tổ chức khảo sát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, luật pháp, chính sách, tài liệu hiện hành của Đảng và Nhà nước về mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới ở các cấp…