THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 04:08

Thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN

 

Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của ACWC

Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về những hoạt động và tiến độ thực hiện Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2016-2020; phổ biến các tài liệu quan trọng của khu vực về phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, hội thảo còn tiến hành rà soát, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em ở cấp quốc gia. Đây là hoạt động do ACWC Thái Lan là đầu mối, trong đó tập trung vào 8 điểm hành động, xác định những tiến bộ, điển hình tốt cũng như những thách thức để đưa ra các giải pháp và kế hoạch trong thời gian tới.

 

Ban chủ tọa điều hành Hội thảo.

 

Ủy ban Thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) được thành lập từ năm 2010 và đã tích cực hoạt động với việc hoàn thành đa số các mục tiêu, ưu tiên được đề ra trong Kế hoạch công tác của Ủy ban, góp phần không nhỏ thúc đẩy các quyền, phúc lợi, sự phát triển và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch công tác của Ủy ban với hơn 50% các hoạt động, dự án đã hoàn thành hoặc đang được triển khai. Các hoạt động của Ủy ban ngày càng đi vào thực chất trên cơ sở tiếp nối các kết quả đạt được và mở rộng những nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh ở giai đoạn trước, đồng thời chúng ta cũng đưa ra các sáng kiến phù hợp với bối cảnh mới và những xu thế, vấn đề chung mà khu vực và quốc tế đang phải đối mặt trong vấn đề phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là những quyền liên quan được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Trong 9 năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của ACWC như đảm nhiệm vai trò Chủ tịch lâm thời của Ủy ban giai đoạn 2010 - 2011, Phó chủ tịch Ủy ban giai đoạn 2016 - 2017; trong quá trình đó, chúng ta đã đưa ra nhiều sáng kiến, hoạt động trong thúc đẩy thực hiện những vấn đề liên quan đến các Công ước như vấn đề về quyền có quốc tịch, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực học đường, trên môi trường mạng và xâm hại tình dục.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo.

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định: Sự ra đời của Mạng lưới ACWC Việt Nam từ năm 2011 với các cuộc họp, hoạt động tham vấn đều đặn hằng năm ở các miền đã giúp kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong thực hiện, thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em. Nhiều sáng kiến, ưu tiên quốc gia được các thành viên Việt Nam lồng ghép trong hoạt động của các cơ quan như Trung ương Đoàn, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ, kết hợp khi tham gia các hoạt động, dự án chung của khu vực; các thành viên của Mạng lưới ACWC quốc gia cũng đã có những cơ hội tham gia vào các hoạt động, dự án có liên quan ở cấp khu vực.

Hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Báo cáo tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em (PRA-EVAC), bà Hà Thị Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Kế hoạch PRA-EVAC 2016 -2025 được thông qua vào tháng 11/2015 dựa trên Tuyên bố ASEAN về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2012. Mục tiêu chính của ASEAN về PRA-EVAC là thể chế hóa các chính sách và các dịch vụ phòng, chống và bảo vệ hiệu quả về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em tại 10 nước thành viên ASEAN.

Việt Nam có số lượng lớn thanh niên dưới 24 tuổi, chiếm khoảng 40% dân số. Ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em Việt Nam đang sống trong hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương – bao gồm 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, 5,7 nghìn trẻ em nhiễm HIV và 300 nghìn người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, 126.000 trẻ mồ côi và bị bỏ rơi, 21.000 trẻ em lang thang đường phố và gần 1,75 triệu lao động trẻ em trong điều kiện nguy hiểm. Theo dự liệu của Bộ LĐ-TB&XH, có 1,5 triệu trẻ em bị tổn thương và 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

Ông Victor Karuman -Tư vấn khu vực báo cáo.


Trong bối cảnh này, Việt Nam đã ưu tiên việc bảo vệ trẻ em và đưa ra một số pháp luật và chính sách nhằm giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em và bạo lực trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước về quyền của trẻ em, trong đó nhấn mạnh các cam kết của Việt Nam nhằm đảm bảo việc bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bạo lực

 Năm 2011, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình quốc gia toàn diện đầu tiên của Việt Nam về bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 -2015 và Chương trình mới cho năm 2016-2020 được thông qua năm 2015. Chương trình quốc gia nhằm mục tiêu tạo ra các điều kiện tốt nhất đề đáp ứng các nhu cầu và quyền cơ bản của trẻ em, phòng chống lạm dụng trẻ em, tạo ra một môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ để trẻ em có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình và cung cấp chăm sóc và bảo vệ cần thiết cho trẻ em.  

 

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường các biện pháp phòng chống và phản ứng đối với bạo lực trẻ em và cải thiện khung pháp lý về bảo vệ trẻ em. Luật trẻ em được thông qua vào tháng 4/2016 và có hiệu lực vào ngày 1/6/2017. Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành một Luật hình sự mới có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 trong đó thúc đẩy bảo vệ trẻ em trong nước bằng cách hình sự hóa  moạt loạt các hành vi tiến hành và thái độ liên quan đến bóc lột tình dục đối với trẻ em và đưa ra nhiều hình phạt nặng hơn đối với hành vi hôn nhân và buôn bán trẻ em. Hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung từ cấp trung ương đến địa phương…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng, Mạng lưới ACWC Việt Nam tiếp tục có thêm những trao đổi, thảo luận cụ thể hơn trong năm nay và những năm tới, góp phần thúc đẩy, bảo vệ hơn nữa các quyền và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em. Sự tham gia rất quan trọng, cần bảo đảm để phụ nữ tham gia thị trường lao động, làm chủ doanh nghiệp, tham gia các hoạt động ra quyết định, ở nông thôn thì cần bảo đảm phụ nữ có việc làm, bảo đảm các quyền của trẻ em.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh