Thừa Thiên Huế: XKLĐ giúp xã bãi ngang xóa đói giảm nghèo nhanh và hiệu quả
- Bài thuốc hay
- 20:20 - 15/06/2018
Công tác XKLĐ hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang được triển khai một cách quyết liệt
Mười năm Nam tiến không bằng một năm sang Nhật
Đó là câu chuyện của bạn trẻ Lâm Xuân Sơn (SN 1994, thôn Tân Thành, xã Quảng Công) và vợ là Trần Thị Quyên (SN 1995). Theo như lãnh đạo UBND xã Quảng Công cho biết, trong gia đình Sơn có đến 3 người cùng đi XKLĐ, gồm: Bố của Sơn (đi Hàn Quốc), em của Sơn (đi Nhật Bản theo chương trình 3 năm) và Sơn. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với Sơn, chúng tôi khám phá thêm một sự thật nữa là gia đình này có đến 4 người cùng đi XKLĐ, bao gồm cả vợ của Sơn.
Gặp chúng tôi khi mới về nước được gần 10 ngày, Sơn kể: Sau khi học đến lớp 8, do điều kiện gia đình khó khăn, anh phải bỏ ngang chuyện học hành và Nam tiến vào Bình Dương làm công nhân cho một công ty may mặc mặc công nghiệp. Sau khi kết hôn với vợ là chị Trần Thị Quyên, nhận thấy tiền lương, thưởng từ công việc của cả 2 vợ chồng (cùng là thợ may công nghiệp) chỉ đủ để trang trải cuộc sống tại một trong những thành phố lớn nhất Việt Nam, còn tương lai thì không đảm bảo, Sơn bàn với vợ tìm một hướng đi mới.
Sau giờ tan ca đi làm về, Sơn lại mò mẫm đọc báo, xem thông tin trên tờ rơi để tìm kiếm cơ hội việc làm nhằm có thu nhập cao hơn. Và rồi, anh đọc được thông tin tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng ngắn hạn. Vợ chồng Sơn đã quyết định chọn lấy cơ hội này.
Đầu năm 2017, khi đã hoàn thành khóa học tiếng Nhật và đảm bảo các thủ tục, vợ chồng Sơn chính thức được đưa sang tỉnh Okayama (Nhật Bản) làm việc cho một công ty chuyên về thủy sản (chế biến hàu biển). “Khi sang đó, có rất nhiều thứ khác với ở Việt Nam nhưng vợ chồng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp và quèn dần với công việc. Được cái ở bên đó điều kiện ăn ở cho chúng tôi rất là tuyệt vời. Về chế độ tiền lương, những tháng đầu lương khởi điểm từ 25 – 30 triệu/tháng; đến khi vào mùa hàu, lương của người lao động tăng lên từ 45 – 60 triệu/tháng”, theo lời Sơn cho biết.
Khi chúng tôi hỏi liệu đi theo chương trình ngắn hạn như thế, có mang được nhiều tiền về không? Sơn cười tươi bảo: “Hơn cả 10 năm Nam tiến. Vào miền Nam làm việc cả chừng đó thời gian mà tôi chả dư được đồng nào, chỉ đủ tiêu xài cá nhân. Trong khi đó, 2 vợ chồng tôi lần này sang Nhật lao động gần 1 năm đã mang về 350 triệu để làm vốn”.
Cũng theo anh Lâm Xuân Sơn, nếu có cơ hội, những bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ ở các vùng khó khăn, vùng biển, bãi ngang nếu có cơ hội đi XKLĐ đến các thị trường có uy tín, thu nhập cao thì tốt nhất là nên đi. Ngay cả đối với bản thân, Sơn chia sẻ nếu tới đây có cơ hội, anh sẽ tiếp tục đi.
Cho con đi XKLĐ không chỉ vì tiền
Rời nhà của anh Lâm Xuân Sơn, chúng tôi theo chân ông Hồ Công Lô, cán bộ LĐ–TB&XH xã Quảng Công, đi trên những con đường đầy cát biển đến nhà ông Dương Văn Chiến (ở thôn 2). Ông Chiến được cho là người tích cực nhất ở xã Quảng Công nói riêng và ở Thừa Thiên Huế nói chung trong việc động viên con cái đi XKLĐ. Hiện nay, ông có 2 người con đang làm việc ở Nhật Bản và một người chuẩn bị đi tiếp. Điều đặc biệt hơn cả là dù con ông Chiến người học thấp nhất có trình độ trung cấp cho đến cao đẳng, đại học nhưng ông đều khuyên con mình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đi không chỉ vì tiền mà còn để mở mang kiến thức.
Ông Dương Văn Chiến (áo phông), người luôn tích cực ủng hộ và động viên con tham gia XKLĐ
Dù là một gia đình có điều kiện kinh tế không đến mức quá khó khăn, nhưng do đông con (6 người), ông Chiến đã từng trải qua rất nhiều nghề khác nhau và phải từng bán cả nhà cửa, đất đai vì: “Phải nuôi con ăn học đàng hoàng, đến nơi đến chốn”. Song, khi con mình học hành xong, có bằng cấp các trường trên bậc phổ thông thì ông Chiến lại hướng con mình đi XKLĐ. Lý giải điều này, ông Chiến bảo: “Với năng lực con tôi chúng nó không phải loại giỏi, ưu tú nên rất khó kiếm được việc làm với thu nhập cao ở Việt Nam, trong khi ra nước ngoài làm việc vừa có thu nhập cao, vừa có điều kiện nâng cao vốn kiến thức của mình. Với riêng tôi, cho con đi XKLĐ không chỉ vì tiền mà còn để chúng mở mang kiến thức. Con tôi khi về nước mà ít nhất không có được bằng N2 tiếng Nhật thì chết với tôi”, ông Chiến nửa đùa nửa thật.
Được biết hiện nay, 2 đứa con của ông Chiến là Dương Văn Thành và Dương Thị Thúy Phương đều đang làm việc ở Nhật Bản theo các hợp đồng dài hạn; trong đó, cô con gái thứ Thúy Phương do tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Huế ra nên rất nhanh nhẹn trong công việc nên được thu xếp làm ở vị trí tương đối nhẹ nhàng, thu nhập cao. Tới đây, cậu em thứ 3 là Dương Văn Tâm mới tốt nghiệp trường Cao đẳng KTCN Đà Nẵng, dự định cũng sẽ nối bước anh chị của mình sang Nhật Bản hoặc những thị trường tiềm năng khác làm việc.
Có thể nói, bên cạnh các phương hướng, giải pháp, mô hình nhằm phát triển sản xuất kinh doanh thì XKLĐ được xem là một hướng đi đúng đắn mà xã Quảng Công đang áp dụng để giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh, hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, công tác XKLĐ tại địa phương đang có sự tiến triển khá tốt những năm trở lại đây. Trong 2 năm 2016 – 2017, toàn xã có 40 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, riêng năm 2017 là 36 người và thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đầu năm 2018, UBND xã Quảng Công đã phối hợp với Sở LĐ–TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức buổi tư vấn, tuyển dụng XKLĐ với sự tham gia của rất nhiều người dân trên địa bàn và các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Sau buổi tư vấn đã có 25 người lao động đến đăng ký. Tính đến nay, sau 6 tháng đầu năm, đã có 7 người lao động ở Quảng Công đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, chủ yếu là thị trường Nhật Bản; 19 người đang học tiếng và chờ hoàn tất hồ sơ để bay. Mới đây, ngày 14/6, UBND xã Quảng Công đã tiếp tục phối hợp với Sở LĐ–TB&XH tỉnh tổ chức lớp tập huấn về các mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững hiệu quả và tư vấn XKLĐ, trong đó có sự tham gia của hơn 60 em học sinh khối 12 trên địa bàn xã.
“Trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác XKLĐ, đặc biệt là khi các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người dân xã bãi ngang, ảnh hưởng sự cố môi trường biển về XKLĐ vẫn còn hiệu lực. Nếu triển khai thực hiện tốt thì đây rõ ràng là một kênh giải quyết việc làm hiệu quả và giúp người dân xóa đói giảm nghèo nhanh nhất”, ông Tuấn khẳng định. Cũng theo ông Tuấn thì nếu tính rộng ra, hiện nay trên địa bàn xã Quảng Công đang có trên 400 người lao động làm việc ở nước ngoài tại nhiều thị trường khác nhau.