THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:52

Thừa Thiên Huế xây dựng mục tiêu mang tính đột phá trong xoá đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực

“Bắt bệnh và kê đơn, bốc thuốc đặc trị” trong xoá đói giảm nghèo, phát triển nhân lực tại Huế - Ảnh 1.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh về xoá đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025.

Sáng 9/9, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh về xây dựng dự thảo Nghị quyết giảm nghèo bền vững và Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giảm đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm từ 8,36% năm 2016 xuống còn 3,45% cuối năm 2020.

Số hộ nghèo toàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo điều tra cuối năm 2020 là 10.871 hộ; số hộ cận nghèo là 13.434 hộ. Số hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 4.837 người; hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công là 174 hộ.

Theo ông Phúc, Thừa Thiên Huế đang tập trung rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Theo chuẩn nghèo giai đoạn mới, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh sẽ tăng cao, trên 13,5% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo thu nhập, tương ứng khoảng 42.500 hộ. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người không có việc làm, mất việc làm. Tính đến nay, khoảng 26.000 người lao động Thừa Thiên Huế làm việc ngoại tỉnh bị ảnh hưởng dịch bệnh đã trở về địa phương và dự báo số lượng sẽ tiếp tục tăng lên. Do đó, công tác giải quyết chiều thiếu hụt việc làm bền vững cho người dân trong thời gian tới chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong giai đoạn 2021-2025 Thừa Thiên Huế phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Đến cuối năm 2025, Thừa Thiên Huế phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn từ 2 - 2,2%; tỷ lệ hộ nghèo của các xã có tỷ lệ nghèo cao trên 25% giảm bình quân từ 3,5 đến 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm trên 3%/năm; không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Đối với công tác thát triển nguồn nhân lực, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao về chất lượng và số lượng đội ngũ lao động, có cơ cấu hợp lý. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao nhằm đưa nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế đặc biệt quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành mũi nhọn, trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhanh và bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Bắt bệnh và kê đơn, bốc thuốc đặc trị” trong xoá đói giảm nghèo, phát triển nhân lực tại Huế - Ảnh 2.

Cần hỗ trợ người dân phát triển sinh kế một cách thiết thực, cụ thể.

Đóng góp ý kiến xây dựng 2 nghị quyết nói trên, lãnh đạo 1 số đơn vị liên quan cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay còn cao hơn mức bình quân tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc. Tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, khu vực bãi ngang ven biển còn cao. Một bộ phận người nghèo chưa có ý thức tự vươn lên làm ăn, còn ỉ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chưa thay đổi tập quán chi tiêu dẫn đến tình trạng nghèo đói kéo dài. Mặt khác, người dân ở vùng nông thôn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn. Hạ tầng kinh tế để thu hút doanh nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều. Đến nay, Thừa Thiên Huế chưa hỗ trợ được cho doanh nghiệp nào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Do đó, trong giai đoạn tới, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền để người dân tự ý thức trong phát triển sản xuất, kinh doanh, thay đổi tập quán chi tiêu, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng bãi ngang ven biển một cách phù hợp. 

Đặc biệt, trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cần lồng ghép các chương trình mục tiêu, tập trung các nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ một cách cụ thể, thiết thực, sát với tình hình thực tế của người dân và điều kiện địa phương nơi sinh sống.

Đối với phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu cho rằng, Thừa Thiên Huế cần có dự báo nguồn nhân lực theo từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, khi xây dựng nghị quyết sẽ đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, cũng cần phải xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư. Ông Hồ Thắng- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đề xuất cần bổ sung đào tạo các ngành, nghề truyền thống để vừa duy trì nghề, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân.

Kết luận buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết giảm nghèo bền vững và Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng quan trọng, vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội. Ông Thọ yêu cầu trong chỉ tiêu chung về xoá đói giảm nghèo, cần phân loại từng vùng, từng nhóm cụ thể để xác định chỉ tiêu riêng; đồng thời cần tập trung đầu tư mạnh vào các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực bãi ngang ven biển. "Khi hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, cần thực hiện một cách cụ thể, có địa chỉ, hỗ trợ cái gì, như thế nào chứ không thể theo kiểu chung chung", ông Thọ chỉ đạo. Ông Thọ cũng thống nhất với các ý kiến rằng phải lồng ghép các chương trình mục tiêu, tập trung các nguồn lực trong xoá đói giảm nghèo bền vũng giai đoạn 2021 - 2025.

Trong phát triển nguồn nhân lực, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế lưu ý, cần có sự đánh giá về nhu cầu xã hội, gắn cầu với cung trong từng ngành nghề cụ thể. Nguồn nhân lực phải đáp ứng được nhu cầu 4 trung tâm lớn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Cần mở rộng mô hình đào tạo; có sự phân loại để đào tạo, tạo sự liên kết 3 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường). Ngoài ra, rà soát lại mạng lưới cơ sở đào tạo, đội ngũ giáo viên để tiếp tục đầu tư cải thiện nâng cao chất lượng hơn nữa.

"Việc ban hành 2 Nghị quyết như đã phân tích là rất quan trọng. Các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết phải hướng tới đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. Do đó, 1 số chỉ tiêu phải có sự vượt trội, đột phá nhằm tạo ra vị thế để tỉnh chuyển thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời phải bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện được. Chúng ta cũng cần đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra những điều đã làm được cũng như chưa làm được, những khó khăn, hạn chế của giai đoạn vừa qua. Khi chỉ ra rồi thì có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để khắc phục, giống như khi bắt được bệnh thì phải có cách trị bệnh, kê đơn, bốc thuốc tốt để đặc trị", ông Thọ phân tích.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh