CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:13

Mưa lớn dị thường ở miền Trung: 2 người chết, hàng trăm ghe thuyền bị chìm

Mưa giông 2,3 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề tại Phú Yên.

Mưa giông 2,3 ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề tại Phú Yên.

Thông tin trên báo vietnamnet cho biết: Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đêm 1/4 tại Quảng Trị - Quảng Nam tiếp tục mưa từ 100-200mm và đã giảm từ 2h sáng 2/4.

Tổng mưa đợt ở Quảng Trị - Quảng Ngãi từ 200-500mm; Bình Định - Khánh Hòa, Quảng Bình từ 150-300m. Lũ trên các sông Quảng Bình - Thừa Thiên-Huế đã đạt đỉnh ở mức trên BĐ1, riêng sông Bồ (Thừa Thiên-Huế) ở mức báo động (BĐ)2 và đang xuống; các sông khác dưới BĐ1.

Thiệt hại ban đầu có 2 người chết (Phú Yên 1, Quảng Nam 1); 1 người mất tích do chìm ghe.

Ngoài ra, có 2 nhà sập; 37 nhà tốc mái; 229 ghe, thuyền chìm, các địa phương đang trục vớt, khắc phục; 2.450 lồng bè thiệt hại; 6 điểm sạt lở giao thông.

Mưa lũ cũng khiến 2.714 ha lúa và 7.114 ha hoa màu bị ngập úng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thông tin, dự báo trong 6 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa đến mưa to. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam.

Người dân xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn xót xa nhìn những con thuyền của mình bị sóng đánh.

Người dân xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn xót xa nhìn những con thuyền của mình bị sóng đánh.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng (Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia), nguyên nhân của đợt mưa này là do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp trên khu vực Biển Đông, hình thế gây mưa này ở miền Trung là điển hình, nhưng xảy ra vào tháng 3 là hiếm gặp.

Dự báo đây là đợt mưa lớn nhất của tháng 3 và đầu tháng 4/2022. Trong tháng 4 là tháng giao mùa, giai đoạn này trên hầu khắp các khu vực cả nước ta thường xuất hiện các đợt mưa giông chuyển mùa. Mưa giông trong giai đoạn này thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngoài nguy cơ về khả năng xuất hiện lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh trên đất liền, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cảnh báo về tình trạng thời tiết xấu gió mạnh, sóng cao vẫn còn đang duy trì trên nhiều khu vực Biển Đông.

Tại cuộc họp khẩn sáng 1/4 của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái nhìn nhận, đây là đợt mưa dị thường, vượt kỷ lục trong nhiều năm (khi so sánh các đợt mưa trong tháng 3).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Trước đó (ngày 1/4), trao đổi với báo baogiaothong.vn, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, đợt mưa lớn, dông lốc vừa qua khác hẳn với những nhận thức của người dân địa phương về thiên tai, mưa lũ. Việc tàu thuyền, lồng bè Phú Yên bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dòng chảy ngầm, sóng biển lớn khiến người dân trở tay không kịp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đa số người dân có tàu thuyền, lồng bè thiệt hại từ đợt mưa lớn, gió lốc vừa qua đều vay tiền từ ngân hàng để làm ăn. Vì vậy, thiệt hại như vừa qua là quá lớn, nhiều hộ dân trắng tay.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu bị ảnh hưởng do mưa vừa qua theo phương án tiêu thoát lũ đến đâu, thu hoạch đến đó để giảm thiệt hại.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương hỗ trợ người dân thu hoạch lúa, hoa màu bị ảnh hưởng do mưa vừa qua theo phương án "tiêu thoát lũ đến đâu, thu hoạch đến đó" để giảm thiệt hại.

Bình Định cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lớn những ngày qua. Theo đó, gió lớn đã gây đứt dây neo làm chìm, thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản/53 hộ ở xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn). Ước tổng giá trị thiệt hại khoản 3,2 tỉ đồng. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập nước, hư hỏng.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định chia sẻ với baogiaothong.vn, đa số bà con có tàu chìm đều là bộ phận ngư dân có hoàn cảnh rất khó khăn, vay mượn tiền để đóng tàu.

“Khi tàu bị chìm, thiệt hại rất lớn, sinh kế vô cùng khó khăn. Vì vậy, về lâu dài, đề nghị Chính phủ quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, tái thiết lại phương tiện đánh bắt để mưu sinh”, ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết thêm, trong chiều 31/3, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trực tiếp xuống kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo ban đầu để hỗ trợ người dân khắc phục. TP.Quy Nhơn đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ ngư dân bị thiệt hại 2 triệu đồng. Tới đây, tỉnh sẽ trích ngân sách hỗ trợ mỗi ngư dân có tàu chìm 15 triệu/1 tàu từ 20 - 50CV, 5 triệu/1 tàu dưới 20CV.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quảng Bửu cùng chung nhận định. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, nghiên cứu về tình hình thiên tai qua diễn biến mưa gió bất thường vừa rồi để có hướng chủ động ứng phó.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh