CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:14

Thừa Thiên Huế tiếp tục mưa lớn, Quốc lộ 1A ngập úng cục bộ

Mưa lớn gây ngập cục bộ Quốc lộ 1A, đoạn Km 687 + 200, đi qua xã Lộc Trì

Sáng 17/10, một số hộ dân sống tại TDP Mũi Né, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh, do mưa lớn, nước từ trên núi cao đã đổ về khu dân cư khá mạnh. Hình ảnh do người dân cung cấp cho thấy, dòng nước đục chảy siết dọc theo các khe, tràn lên cả đường dân sinh. Một hộ dân sống ở TDP Mũi Né cho biết, đã rất lâu rồi khu vực này mới ghi nhận lượng nước lớn đến vậy từ trên cao đổ về.

Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc cho biết, do mưa cường suất lớn, từ khoảng 8h sáng 17/10, nước lũ thượng nguồn bắt đầu chảy về các khu dân cư rất mạnh. Nước lũ đã gây ngập sâu cục bộ tại nhiều tuyến đường dân sinh. Để đảm bảo an toàn, UBND thị trấn Phú Lộc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng rào chặn, đặt cảnh bảo ở những đoạn đường bị ngập sâu. “Đến khoảng 10h, lượng mưa đã giảm nên nước ngập tại những đoạn đường trước đó đã rút”, ông Hiền thông tin.

Trong khi đó, theo ông Cái Trọng Như - Chủ tịch UBND xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc), mưa lớn cũng đã gây ngập úng cục bộ đoạn Quốc lộ 1A từ Km866+700 - Km867+200, đi qua địa bàn xã Lộc Trì. Ông Như cho biết, xã đã cử  người phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức chốt cảnh báo, hỗ trợ người và phương tiện lưu thông qua đoạn đường này.

Ông Như thông tin thêm, nhằm ứng phó với đợt mưa lũ trước đó (từ ngày 14/10), UBND xã cũng đã vận động, di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng, ven phá, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đến nơi an toàn. Cụ thể, xã Lộc Trì đã sơ tán các hộ dân ở 3 thôn ven phá cầu Hai và 2 thôn ven núi theo hình thức tại chỗ và tập trung.

Theo UBND huyện Phú Lộc, nhằm ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lãnh đạo UBND huyện, các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyệnvà lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn đã thường xuyên đi hiện trường kiểm tra thực tế, đôn đốc, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó tại các địa phương. Huyện Phú Lộc đã huy động, nhiều phương tiện, vật tư, như: ô tô, xe tải, xe cẩu, xe múc, ca nô, thuyền máy; máy cưa, rựa, đá hộc, bao tải, áo phao,…để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố do thiên tai.

Bên cạnh đó, UBND huyện Phú Lộc cũng đã chỉ đạo dự trữ 40 tấn gạo, 500 thùng mỳ ăn liền, 3.000 lít xăng. Mỗi xã, thị trấn dự trữ tại chỗ bình quân 8,4 tấn gạo, 275 thùng mì ăn liền, 22.660 lít nước uống và 2.300 lít xăng, 147 lít dầu. Ngoài ra đã vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo đề phòng mưa lũ xảy ra dài ngày.

Trước đó, đến 17h ngày 14/10, toàn huyện Phú Lộc đã tổ chức sơ tán 100hộ/331khẩu (98 hộ/327khẩu sơ tán tại chỗ; 2 hộ/ 4 khẩu di dời tập trung). Sáng này 15/10, các hộ dân sơ tán đã về nhà trở lại. 

Đến sáng 16/10, do ảnh hưởng dãi hội tụ nhiệt đới, thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động sơ tán lại các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất ở các xã Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Bình, Lộc Điền.

Nước lũ từ thượng nguồn tràn về khu dân cư tại TDP Mũi Né, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Nước lũ từ thượng nguồn tràn về khu dân cư tại TDP Mũi Né, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 17/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa tại các trạm phổ biến từ 100-200mm; một số nơi cao hơn như Bạch Mã 343mm, Tư Hiền, Phú Lộc 230mm.

Dự báo từ ngày 17/10 đến hết ngày 18/10, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-250mm, có nơi trên 350mm.  

Đến sáng 17/10, nhiều hộ dân tại Thừa Thiên Huế vẫn đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh còn 3 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Hiện nay, các địa phương tại Thừa Thiên Huế tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho nhân dân. Các địa phương đã tổ chức rà soát phương án ứng phó với mưa lớn theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. 

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh