THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều chính sách hỗ trợ XKLĐ

Đào tạo giáo dục định hướng và tiếng Nhật khép kín tại Huế trước khi xuất cảnh cho người lao động đăng ký tham gia XKLĐ

Nếu như so với các tỉnh thành lân cận, cùng nằm trong khu vực Bắc Trung bộ, như: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, nhất là Hà Tĩnh và Nghệ An thì rõ ràng, Thừa Thiên Huế là tỉnh kém nhất về XKLĐ. Đối với Nghệ An, bình quân mỗi năm địa phương này đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 12 – 15.000 người; Hà Tĩnh từ 5 -6.000 người. Ngay như đối với một tỉnh nhỏ như Quảng Trị thì một năm cũng có khoảng trên dưới 1.000 người lao động đi XKLĐ. Tại Thừa Thiên Huế, giai đoạn từ 2011-2016 cả tỉnh chỉ có 865 người đi XKLĐ. Trong khi, xét về mặt chất lượng, lao động Thừa Thiên Huế không thua kém gì các tỉnh thành nói trên, thậm chí là cao hơn với hệ thống giáo dục đào tạo chuyên sâu, đa ngành, đa lĩnh vực mà ở đó, Đại học Huế được xem là lá cờ đầu của cả khu vực. Đó là một thực tế đáng buồn mà không chỉ cơ quan thường trực về công tác XKLĐ là Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế mà toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh này đã nhìn nhận ra và đang nỗ lực từng bước tháo gỡ khó khăn, để đẩy mạnh XKLĐ, đồng thời xem đây là một biện pháp giải quyết việc làm bền vững, xóa đói giảm nghèo nhanh và hiệu quả nhất cho người dân trên địa bàn.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành 2 Quyết định quan trọng liên quan đến công tác XKLĐ. Đó là Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND về Chương trình việc làm tỉnh và Quyết định số 64/2017/QĐ-UBND về Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu là phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

 Mới đây, để tiếp tục đẩy mạnh công tác XKLĐ, góp phần giải quyết việc làm bền vững và xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Chỉ thị số 23 – CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác XKLĐ. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia XKLD; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực XKLĐ và đào tạo nghề. Các huyện, thị, Thành ủy Huế tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác XKLĐ; phân công một đồng chí Phó Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo; giao chỉ tiêu cụ thể về XKLĐ cho các xã, phường, thị trấn; xem đây là một trong những tiêu chí thi đua và phân loại tổ chức đảng hàng năm.

Sở LĐ – TB&XH phối hợp với các công ty XKLĐ công khai hóa các chính sách và chế độ, các quy định vê tiêu chuẩn, thủ tục xuất nhập cảnh, chế độ cấp phép đối với các tổ chức và người đi xuất khẩu lao động; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các thông tin sai lệch và các hành vi lừa đảo, các biểu hiện tiêu cực trong xuất khẩu lao động.

Để cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định nêu trên, từ năm 2017 và đầu năm 2018 này, Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai thực hiện công tác XKLĐ với nhiều hướng, nhiệu biện pháp, nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về XKLĐ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng; in hàng loạt tập gấp để phát cho các doanh nghiệp XKLĐ, chính quyền các cấp và người lao động; xây dựng trang tin xuất khẩu lao động Thừa Thiên Huế trên Facebook; phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, xây dựng niềm tin, tạo dựng phong trào về XKLĐ và triển khai, phổ biến các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức các ngày hội tư vấn tuyển dụng XKLĐ,…

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn Thừa Thiên Huế cũng đã tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị, ngày hội việc làm, tư vấn tuyển dụng XKLĐ; thường xuyên chủ động về các địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; phối hợp với các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương và gia đình của những người lao động đang đi làm việc ở nước ngoài để tuyên truyền về tính hiệu quả trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo thông qua XKLĐ,…

Với những việc làm cụ thể như trên, công tác XKLĐ tại Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành quả nhất định và tạo được sự đột phá mạnh mẽ. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 207 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì trong năm 2017, con số này đã tăng lên 664 người (kế hoạch đề ra là 300 người). Tiêu biểu như trường hợp của anh Lê Đình Tám (Tám Út) ở thôn Trung Kiều, (xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) đi XKLĐ năm 2017. Hiện anh đang làm việc trong ngành nghề cơ khí chế tạo máy tại tỉnh Hyogo (Nhật Bản), với mức lương cơ bản 30 triệu đồng/tháng, công việc rất ổn định. Hàng tháng, anh Tám gửi về cho gia đình từ 15- 20 triệu đồng. Được biết, anh trai và anh rể của Tám cũng đang chuẩn bị xuất cảnh đi XKLĐ.

Lao động Thừa Thiên Huế (Việt Nam) đang làm việc tại Nhật Bản. Ảnh được chia sẻ bởi anh Lê Đình Tám

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2018, tại địa bàn tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động tư vấn, tuyển dụng XKLĐ, các sàn giao dịch việc làm,…Cụ thể, riêng Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, tuyển dụng XKLĐ. Trong khi đó, một số địa phương như huyện Phong Điền, Quảng Điền,…cũng tổ chức nhiều ngày hội việc làm về tận các xã, phường, thị trấn, qua đó tạo hiệu ứng mạnh mẽ về XKLĐ.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, thì từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 99 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp đã đăng ký học tiếng và chờ làm thủ tục để xuất cảnh. Năm 2018, chỉ tiêu XKLĐ của Thừa Thiên Huế là 500 người nhưng Sở LĐ – TB&XH tỉnh này phấn đấu đạt khoảng 1.000 người. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng sẽ tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, điều kiện lao động tốt, ổn định, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một số nước châu Âu. Người lao động có trình độ dân trí thấp hơn thì đi thị trường Trung Đông. Tùy theo nhóm đối tượng để tư vấn thị trường phù hợp.

Về việc hỗ trợ người dân tham gia XKLĐ, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân của người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo... về kinh phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, các kiến thức cần thiết, khám sức khỏe, làm hộ chiếu..., cho vay 100% kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay. Những lao động không thuộc các diện hỗ trợ trên thì UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hàng năm trình HĐND tỉnh trích một phần ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín chấp tối đa 50 triệu đồng với lãi suất bằng lãi suất cho hộ nghèo vay.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh