THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:42

Thừa Thiên Huế: Quan tâm chăm lo đời sống đối tượng người tâm thần tại cơ sở bảo trợ xã hội

Thừa Thiên Huế: Quan tâm chăm lo đời sống đối tượng tâm thần kinh tại cơ sở bảo trợ xã hội - Ảnh 1.

Tập thể Trung tâm BTXH Thừa Thiên Huế được Chủ tịch UBND tỉnh này tặng Bằng khen "Tập thể Lao động Xuất sắc năm 2020"

Theo ông Ngô Duy Bình, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế, hiện nay Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng kết hợp điều trị cho 485 đối tượng người tâm thần, 31 học viên cai nghiện ma tuý.

Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp hiệu quả với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh trong việc thăm khám định kỳ, lên phác đồ điều trị cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý.

Trong năm 2020, có 14 người tâm thần được hoà nhập với cộng đồng, đa số phục hồi chức năng tốt, hoà nhập tốt với gia đình; có khoảng 300 người được phục hồi chức năng loại tốt và loại khá, có thể tham gia lao động sản xuất trị liệu.

Trung tâm đã bố trí cán bộ y tế, bảo vệ và hộ lý tại các khu vực ở nhằm đảm bảo công tác phục vụ người tâm thần có hiệu quả. Thường xuyên thay đổi món ăn hàng ngày và tổ chức cho đối tượng ăn bồi dưỡng theo kế hoạch vào các dịp Lễ, Tết trong năm.

Để giúp các đối tượng phục hồi chức năng, Trung tâm đã bố trí 2 phòng tập phục hồi với không gian rộng rãi, thoáng mát và các trang thiết bị như máy chạy bộ, xe đạp, bàn bi lắc,…Trung tâm cũng đã tổ chức phòng tập gym cho học viên cai nghiện ma tuý.

Bên cạnh công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng thì công tác giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý được tổ chức thường xuyên. Qua đó đã giúp các đối tượng vui vẻ, ổn định tâm lý hơn. Các đối tượng cũng được tham gia dạy nghề, lao động sản xuất. Đây là hoạt động rất quan trọng trong chuỗi hoạt động trị liệu cho người tâm thần và học viên cai nghiện ma tuý.

Theo ông Bình, việc mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất của Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế đang được tiến hành từng bước. Trong năm, đã hoàn tất hỗ trợ, đền bù về đất đai và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng giải phóng mặt bằng. Diện tích giải phòng gần 36.000m2 cùng số tiền bồi thường gần 6 tỷ đồng.

Bên cạnh thuận lợi, trong năm Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, hiện tại Trung tâm vẫn chưa có bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra, do việc mở rộng chưa hoàn thành nên hiện đơn vị chỉ đảm bảo tổ chức cai nghiện ma tuý tối đa không quá 30 học viên. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào Trung tâm theo đúng công suất hiện có, tránh tình trạng quá tải.

Đánh giá công tác quản lý, nuôi dưỡng và điều trị đối tượng tâm thần năm 2020 của Trung tâm, bà Phan Minh Nguyệt, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trung tâm. Theo bà Nguyệt, công tác quản lý, nuôi dưỡng các đối tượng người tâm thần, học viên cai nghiện là công việc hết sức khó khăn, vất vả, đòi hỏi người làm vừa phải có kiến thức, khả năng chịu áp lực công việc cao, vừa phải có tâm huyết với công việc.

Trong thời gian tới, bà Nguyệt mong muốn Trung tâm tiếp tục phát huy thành quả đạt được, khắc phục tồn tại, khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời tranh thủ các nguồn xã hội hoá để nâng cao cao đời sống của các đối tượng hơn nữa. Bà Nguyệt cũng đề nghị địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Bảo trợ xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết, với những kết quả đạt được trong năm 2020, nhiều cá nhân, tập thể thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế đã được Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khen thưởng xứng đáng.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh